
LCĐT - Dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều sinh viên nghèo vẫn nỗ lực vượt lên, chọn cho mình hướng lập thân, lập nghiệp là học nghề để vững bước đến tương lai.
Vàng A Phòng, ở xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát), sinh viên năm thứ 3 lớp cơ khí động lực, Trường Cao đẳng Lào Cai mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa tròn 1 tuổi. Vì thế, Phòng không được cảm nhận tình mẫu tử và hơi ấm yêu thương của cha, mà chỉ nhờ sự yêu thương chăm sóc của bà nội. Hằng ngày, bà của Phòng trồng rau mang ra chợ bán lấy tiền lo cho cháu ăn học. “Em thương bà nhiều lắm, bà đã lớn tuổi rồi. Em chỉ mong sớm ra trường, đi làm để có thể đỡ đần bà” - Phòng tâm sự.

Năm 2019, sau khi tốt nghiệp THCS, Phòng có ý định bỏ học, ở nhà phụ giúp bà làm ruộng, nhưng nhờ buổi hướng nghiệp của Trường Cao đẳng Lào Cai tại địa phương, Phòng nhận ra, phải có nghề thì cuộc sống mới bớt khổ.
"Em thấy các bạn cùng trang lứa ở nhà làm thuê, đi rừng… nhưng cuộc sống vẫn nghèo. Em nghĩ, nếu mình không tìm hướng đi khác, sau này sẽ không khá được. Vì thế, thấy nhà trường tuyển sinh, em đăng ký theo học để sau này có được một nghề trong tay".
-Vàng A Phòng-
Cùng hoàn cảnh như Phòng, Lồ A Tráng, ở xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai), sinh viên năm thứ 2, lớp cơ khí động lực Trường Cao đẳng Lào Cai cũng chịu cảnh mồ côi cả cha và mẹ từ khi còn bé. Lên 5 tuổi, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, trước khi đi làm xa, người anh cả đã phải gửi Tráng vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Được sự chăm sóc, dạy bảo của các “mẹ” tại trung tâm, Tráng luôn ý thức rằng phải học để ra trường có nghề ổn định, tự chăm sóc cho bản thân. Tráng tâm sự: Em nghĩ rằng, có kiến thức, có nghề, đi làm sẽ dễ hơn, cuộc sống từ đó bớt khổ hơn. Em tự nhủ phải cố gắng để bố mẹ “nơi xa” có thể mỉm cười tự hào về em.


Khi được hỏi về tình hình học tập của các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của trường, cô giáo Lê Thị Tính, giảng viên môn Địa lý - Trường Cao đẳng Lào Cai nhận xét, đa số sinh viên, đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh khó khăn, luôn có ý chí nỗ lực, phấn đấu trong học tập. Không những vậy, các bạn còn có tính tự lập rất cao. Mặc dù đã được nhà trường cũng như các cơ quan chức năng hỗ trợ, nhưng các bạn vẫn đi làm thêm ngoài giờ học để tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng sống.


Nắm được hoàn cảnh khó khăn của nhiều học sinh, sinh viên, Phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai đã căn cứ các quy định về chế độ, chính sách dành cho học sinh, sinh viên, như Quyết định 53 ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; Quyết định 1121 ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên theo Nghị định 86 ngày 2/10/2015 của Chính phủ… trình Ban Giám hiệu xét chế độ, chính sách, giúp những học sinh, sinh viên này tiếp tục học tập, theo đuổi ước mơ, hoài bão.
"Hết học kỳ II của năm học 2021 - 2022, nhà trường đã chi trả trợ cấp xã hội và chế độ, chính sách nội trú cho học sinh, sinh viên ở 133 lớp, trong đó học sinh, sinh viên hưởng chế độ, chính sách nội trú là 1.315 em, với số tiền hơn 7 tỷ đồng; chi trả chế độ, chính sách trợ cấp xã hội cho 501 em với số tiền gần 200 triệu đồng; miễn, giảm học phí cho 2.318 học sinh, sinh viên với số tiền gần 9 tỷ đồng. Mức hỗ trợ cao nhất mà học sinh, sinh viên được nhận lên đến 1.490.000 đồng/tháng".
-Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, Phó Trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai-
Ngoài những chính sách hỗ trợ, việc hướng nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. “Việc lựa chọn đúng nghề luôn là bài toán khó không chỉ đối với mỗi học sinh, sinh viên mà cả nhà trường. Do vậy, công tác tư vấn, hướng nghiệp là rất quan trọng nhằm giúp các em lựa chọn được ngành nghề học phù hợp với khả năng, sở thích bản thân. Nhờ làm tốt công tác này mà nhiều em đã thay đổi tư duy, lựa chọn con đường học nghề thay vì bỏ học ở nhà làm nương”, thầy giáo Khánh cho biết thêm.
Với các chế độ, chính sách áp dụng ở trên cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt tham gia học nghề, từ đó khuyến khích học sinh đăng ký học, từng bước nâng cao tỷ lệ người lao động qua đào tạo. Tráng và Phòng là 2 trong nhiều sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang theo học tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Qua câu chuyện của Tráng và Phòng, có thể thấy ý chí, nghị lực kiên cường vượt khó, tiếp tục theo đuổi việc học để “có nghề trong tay cho đỡ khổ” khi số phận chưa mỉm cười với mình.
Hiện nay, Trường Cao đẳng Lào Cai đang đào tạo khoảng 5.000 học sinh, sinh viên 2 hệ cao đẳng và trung cấp chính quy, với hơn 70% là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách như người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo; ở thôn, xã đặc biệt khó khăn; mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh tốt nghiệp các trường nội trú. |