Ông Đinh Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Khương cho biết: Các cấp hội trong huyện đã mở rộng các dịch vụ hỗ trợ nông dân, lấy lợi ích thiết thực của nông dân làm động lực thúc đẩy các phong trào thi đua. Nổi bật là thực hiện quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp nông dân vượt khó vươn lên, xây dựng, nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.
Điển hình như gia đình ông Trần Văn Quý, thôn Na Phả, xã Bản Sen. Năm 2020, trong lúc đang khó khăn về vốn đầu tư nuôi thủy sản, ông Quý được Hội Nông dân huyện hướng dẫn làm thủ tục vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Được vay 50 triệu đồng, ông mua cá giống và thức ăn cho cá. Việc nuôi cá trên diện tích 0,3 ha mặt nước đã mang lại nguồn thu cho gia đình ông Quý mỗi năm 80 triệu đồng. Ông Quý cho biết: Việc nuôi cá của gia đình có từ lâu nhưng quy mô nhỏ, không hiệu quả. Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp ông mở rộng sản xuất.
Cũng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Mường Khương đã cho 10 hộ nông dân xã Bản Lầu vay vốn thực hiện Dự án “Chăm sóc, phát triển cây quế”. Dự án triển khai trong 3 năm với số tiền 100 triệu đồng/hộ và là dự án có số vốn vay cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện.
Gia đình bà Phàn Thị Lan ở thôn Cốc Chứ, xã Bản Lầu là một trong những hộ được hưởng lợi từ dự án. Bà Lan cho biết: Gia đình tôi có 5 ha quế với hơn 17.000 cây. Tháng 7 vừa qua, nhờ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình có điều kiện thuê nhân công làm cỏ, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc quế.
Hội Nông dân huyện Mường Khương hiện có hơn 11.400 hội viên. Từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện quản lý 5 dự án với 48 hộ vay, tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Sau khi nguồn vốn được giải ngân, các hội viên đều đầu tư sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Nguồn vốn đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tiêu biểu như các mô hình: Chăn nuôi lợn nái sinh sản ở xã Nấm Lư; chăn nuôi trâu sinh sản ở xã Cao Sơn; nuôi cá trắm thương phẩm ở xã Bản Sen; chăm sóc, phát triển cây quế ở xã Bản Lầu…
Bên cạnh đó, để giúp hội viên vay, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, mỗi năm, Hội Nông dân huyện phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn kiến thức sử dụng vốn quỹ; hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hướng dẫn dạy nghề và khoa học kỹ thuật mới; tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm. Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu cho 2.230 hộ vay với tổng số tiền 132 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giới thiệu cho hơn 1.800 hộ vay, tổng dư nợ 102 tỷ đồng…
Thời gian tới, các cấp hội hội tiếp tục bám sát nhu cầu vay vốn của hội viên và nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch cho vay, tham gia nhận ủy thác cho vay và thu hồi, luân chuyển vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân một cách hiệu quả.