Địa phương đề nghị gỡ khó về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực cũng là lúc các trường THCS, THPT tăng tốc ôn tập cho học sinh lớp 9 thi chuyển cấp và học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp, đại học. Nhiều cơ sở giáo dục phải tìm phương án để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Các cơ sở giáo dục ở Thái Bình chia sẻ tâm tư với Bộ GD&ĐT xung quanh việc triển khai thực hiện Thông tư 29. Ảnh: TH
Các cơ sở giáo dục ở Thái Bình chia sẻ tâm tư với Bộ GD&ĐT xung quanh việc triển khai thực hiện Thông tư 29. Ảnh: TH

Khó khăn đặt ra

Nhiều nơi đã thực hiện theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy, học thêm. Trong đó cũng có những băn khoăn từ cơ sở về đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường không thu tiền gồm: "Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường".

Thực tế cho thấy, học sinh khối lớp 9 và lớp 12 vẫn cần thời gian ôn tập để tham gia tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học. Nhiều trường học cũng khá bối rối khi tổ chức ôn tập cho học sinh nhưng không được thu tiền. Bởi trường chưa biết lấy kinh phí ở đâu để trả cho giáo viên.

Khi triển khai Thông tư 29, cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh Trường THCS Phan Chu Trinh và Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) đề cập tới khó khăn về kinh phí hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh; khó khăn trong kiểm tra, giám sát dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; khó khăn trong thay đổi thói quen tự học của học sinh; khó khăn quản lý thời gian ở nhà của học sinh.

Các trường đề xuất được hỗ trợ kinh phí cho việc bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức cho 3 nhóm học sinh theo quy định của Thông tư 29, có giải pháp để tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất trường lớp học, có chính sách đãi ngộ phù hợp với nhà giáo, đảm bảo giáo viên có thể yên tâm cống hiến với nghề.

Một hiệu trưởng ở Trường THPT tại Ninh Bình cho biết, nếu việc dạy thêm, học thêm không có thù lao và mang tính bắt buộc không tránh khỏi tình trạng dạy qua loa, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy.

Đề xuất kinh phí

Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính và trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền hơn 21,5 tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí ôn thi cho các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc sở để tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 12.

Dự toán kinh phí này dựa trên quy định tại Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT với nội dung: "Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật".

Theo dự toán này, tổng số tiết dạy cho học sinh ở các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và các môn tự chọn mỗi môn là 593.218 tiết. Căn cứ theo quy định về số tiền cho mỗi tiết ôn thi là 9.000 đồng/tiết (riêng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh là 12.000 đồng/tiết).

Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị cấp gần 25 tỉ đồng để hỗ trợ việc dạy thêm và ôn thi cho học sinh trong các trường công lập, đặc biệt là học sinh cuối cấp với lý do việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền khiến các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Tờ trình nêu: Thông tư số 29 quy định, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Để duy trì, giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng GD&ĐT của tỉnh, đặc biệt là giữ vững kết quả đầu ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT thì việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường cho các đối tượng quy định nêu trên là rất cần thiết. Nhưng việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền khiến các cơ sở giáo dục gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên mới chỉ đảm bảo cho các hoạt động giáo dục tối thiểu tại các đơn vị nhà trường.

Do đó, Sở GD&ĐT Ninh Bình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ gần 25 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí dành cho dạy thêm, ôn thi tốt nghiệp THPT là trên 18,8 tỉ đồng và kinh phí dành cho việc dạy thêm, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 là trên 6,1 tỉ đồng.

Về việc này, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh.

Trước đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, nhằm tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền, Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho học sinh ôn tập.

Thực hiện Thông tư 29, các cơ sở giáo dục đã đồng loạt dừng dạy thêm từ ngày 14/2, thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực thi hành. Các trường vẫn phải tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 do đây là năm cuối cấp. Vì vậy, vấn đề kinh phí hỗ trợ giáo viên ôn tập, bồi dưỡng học sinh là bài toán được đặt ra với nhiều trường.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh; đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người trẻ hải ngoại hướng về Tổ quốc

Người trẻ hải ngoại hướng về Tổ quốc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn lực người trẻ Việt Nam ở nước ngoài đang trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển khoa học công nghệ trong nước. Họ được ví như những “cánh chim” tri thức, mang trong mình tinh hoa khoa học công nghệ thế giới và một trái tim luôn hướng về Tổ quốc, góp phần tạo cầu nối quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Thế hệ lệ thuộc AI

Thế hệ lệ thuộc AI

Sau một thời gian tìm hiểu và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ cho việc học tập, nhiều học sinh thừa nhận rằng họ đang bị phụ thuộc vào sự trợ giúp này. AI dù mang đến cơ hội lớn trong việc cá nhân hóa học tập, song đi kèm đó là những thách thức về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng, và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ.

Ngôi trường hạnh phúc dưới chân núi Hoàng Liên

Ngôi trường hạnh phúc dưới chân núi Hoàng Liên

Giữa mây mù và đá núi Sa Pa, Trường Tiểu học Tả Phìn hiện lên như một điểm sáng ấm áp, nơi mà mỗi đứa trẻ đến lớp không chỉ học con chữ mà còn được đắm mình trong những nét văn hóa truyền thống. Một ngôi trường bình dị nhưng đầy ắp niềm vui, tự hào - đúng nghĩa là mái nhà thứ hai của học trò vùng cao Sa Pa.

Thí sinh bắt đầu thử đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025 trên hệ thống

[Infographic] Mốc thời gian chính Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chính thức diễn ra vào ngày 26 và 27/6. Để chuẩn bị cho Kỳ thi, các thí sinh bắt đầu đăng ký tham dự theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 21/4. Thí sinh cần nắm rõ các mốc thời gian Kỳ thi để có sự chuẩn bị tốt nhất.

fb yt zl tw