Từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất chú trọng xây dựng hệ thống quan điểm, chính sách về phòng, chống tham nhũng; luôn quan tâm xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên, xem đó như là yếu tố sống còn để duy trì vị trí lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung cơ bản, được đề cập nhiều nhất trong Đảng. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ về công tác phòng, chống tham nhũng, đó là phải: Xây dựng cơ chế phòng ngừa, răn đe; nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; kiểm soát tài sản, thu nhập; thu hồi tài sản tham nhũng; huy động sự tham gia của xã hội; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích; khuyến khích, bảo vệ người tố cáo…
Thể chế phòng, chống tham nhũng có nhiều thay đổi lớn
Trước năm 1986, hệ thống lý luận ở Việt Nam cơ bản chỉ giới hạn ở những nhận biết, chỉ dẫn về tham ô, quan liêu trong khu vực công. Dấu ấn là từ Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng năm 1998, các khái niệm, đặc điểm của tham nhũng, các biện pháp phòng và chống tham nhũng bước đầu hình thành; năm 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội ban hành. Để phù hợp với thực tế cuộc sống, luật này đã 3 lần được sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, các luật có liên quan như Bộ luật Hình sự; Luật Cán bộ, công chức; Luật Khiếu nại; Luật Tiếp cận thông tin… cũng được hoàn thiện để có được thể chế đồng bộ phục vụ phòng và chống tham nhũng.
Tuy nhiên, trước đây mới chú trọng các biện pháp chống, còn hiện nay, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được cân bằng với biện pháp chống. Sự phát triển về tư duy phòng, chống tham nhũng cũng được thể hiện rất rõ ở việc Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 4 tội danh về tham nhũng ở ngoài khu vực nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng dành 1 chương riêng quy định về phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư. Những quy định này đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý các vụ án tại công ty Việt Á, AIC…
Với mong muốn và quyết tâm tạo bước chuyển biến rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, năm 2013, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương được thành lập, sau đó bổ sung nhiệm vụ chống tiêu cực. Đến năm 2022, ban chỉ đạo được tổ chức ở cấp tỉnh. Thiết chế này cho thấy sự đồng lòng trên dưới trong việc thiết kế bộ máy phòng, chống tham nhũng, để không còn hiện tượng “nóng trên, lạnh dưới”.
Nhiều đột phá trong phòng, chống tham nhũng
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI), chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam tăng từng năm. Trong bảng xếp hạng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước đã được ghi nhận. Điều này cho thấy các chủ trương, biện pháp về phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đưa ra đang phát huy hiệu quả, dần dần thay đổi tư duy từ chống là chính sang phòng là chính; từ thụ động sang chủ động trên quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng.
Tư duy phòng, chống tham nhũng được đổi mới rõ nét trong các quan điểm của Đảng, trước đây cấp độ là “tăng cường”, “đẩy mạnh”, nay là “kiên quyết”, “kiên trì” xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước. Từ năm 2012 đến năm 2022 đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ án tham nhũng với 5.841 bị can; xét xử sơ thẩm 2.439 vụ với 5.647 bị cáo. Nhiều cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.
Sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân quyết tâm phòng và chống tham nhũng đang được toàn hệ thống chính trị triển khai rộng rãi. Đảng ra sức chỉnh đốn nhằm đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên. Các cơ quan chức năng hoàn thiện và áp dụng các quy định của pháp luật nghiêm minh, chính xác nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng. Các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên về tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực vào cuộc, đồng hành với Đảng, với Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, chúng ta đã biết dựa vào dân, lắng nghe dân, lan tỏa tinh thần phòng, chống tham nhũng trong Nhân dân.
Cần những bước tiến mới, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, khâu tiên quyết phải chú trọng là công tác cán bộ, trong đó, chỉ quy hoạch, sử dụng và giao quyền lực cho cán bộ trong sạch, có phẩm chất, có năng lực, có kỹ năng quản trị bản thân, không ham hố vật chất. Cần xây dựng, thực hiện kiểm soát quyền lực hiệu quả từ bên trong cũng như từ bên ngoài bằng cơ chế, ràng buộc quyền lực với trách nhiệm. Trong xây dựng pháp luật, chú trọng khung chính sách về phòng, chống từng dạng tham nhũng, đặc biệt chú ý các biện pháp phòng, chống lũng đoạn nhà nước (một dạng tham nhũng nguy hiểm do có sự câu kết của một số quan chức cấp cao với các doanh nghiệp lớn nhằm định hướng chính sách công theo lợi ích của họ). Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn bằng nhiều biện pháp. Cần đồng bộ, liên kết các cơ chế: Kê khai tài sản, thu nhập, nộp thuế thu nhập cá nhân, không dùng tiền mặt, nhận và nộp lại quà biếu, quà tặng… Tiếp tục phát huy vai trò của báo chí, truyền thông nhằm phản ánh trung thực, kịp thời các dấu hiệu, hành vi tham nhũng, góp phần tạo dư luận xã hội đúng. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, của các cấp ủy đảng trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng và chống tham nhũng.
Kết quả đạt được trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân, từ đó tạo nên sức mạnh toàn dân tộc, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.