![]() |
![]() |
LCĐT - Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Lịch sử trở thành 1 trong 5 môn học tự chọn đối với lớp 10, gắn với định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cùng với đó, câu chuyện làm thế nào để môn Lịch sử có sức hấp dẫn đối với học sinh cũng đang là vấn đề đáng quan tâm.
![]() |
Từ năm học 2022 -2023, trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ở cấp Trung học phổ thông, bên cạnh 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Lịch sử trở thành 1 trong 5 môn học tự chọn ( tự chọn từ 10 môn học, thuộc 3 nhóm là: Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ - Nghệ thuật). Chương trình sẽ bắt đầu được triển khai đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo đối với lớp 11 và 12. Điều này có nghĩa là khi lên lớp 10, sẽ có những học sinh được học tổ hợp các môn có môn Lịch sử, trong khi cũng có những học sinh sẽ không học môn này nữa trong suốt 3 năm học THPT.
Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn sẽ gắn với xu hướng nghề nghiệp của học sinh. Ở bậc Tiểu học và THCS, học sinh đã được học những kiến thức lịch sử cơ bản và cần thiết, vì vậy khi lên THPT, những học sinh nào học chuyên sâu liên quan tới môn Lịch sử thì sẽ lựa chọn theo học tiếp, còn những học sinh có xu hướng khác sẽ không cần lựa chọn môn học Lịch sử.
Về vấn đề này, cô giáo Bùi Thị Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cường, thành phố Lào Cai bày tỏ quan điểm: Học Lịch sử là cần thiết, vì vậy nhà trường đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích học sinh học môn Lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng.
![]() |
Tiến sĩ Ngô Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai cũng cho rằng, Lịch sử là môn học có vai trò rất quan trọng đối với học sinh nói riêng và mỗi cá nhân trong xã hội nói chung. Nếu thực sự ở bậc Tiểu học và THCS, học sinh đã được học đủ lượng kiến thức về lịch sử, thì khi lên bậc THPT, các em được học chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp cũng là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải thận trọng đánh giá lại lượng kiến thức lịch sử học sinh được học ở bậc Tiểu học, THCS đã đủ cho các em chưa? Nếu chưa đủ thì môn Lịch sử vẫn cần trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh THPT.
Thầy giáo Phan Như Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Mường Khương cho biết: Việc cho rằng môn Lịch sử là môn học tự chọn hay bắt buộc là phụ thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận của mỗi người. Qua khảo sát mới đây của Trường THPT số 1 Mường Khương thì trong năm học 2022 - 2023, năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với bậc THPT, nhà trường sẽ tuyển sinh 6 lớp 10, tuy nhiên số lượng học sinh đăng ký các môn về xã hội (trong đó có môn Lịch sử) lên tới 4 lớp. Thầy Phan Như Quỳnh cũng cung cấp một thông tin rất đáng lưu ý khác là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, có trên 80% học sinh của nhà trường đăng ký thi tổ hợp xã hội (Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử). Điều đó cho thấy, dù là môn học tự chọn hay bắt buộc thì về cơ bản học sinh vùng cao Mường Khương vẫn thích học môn Lịch sử.
Liên quan đến vấn đề này, Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho rằng, môn Lịch sử có giá trị cung cấp cho học sinh những kiến thức quan trọng về lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc, giúp hình thành ở các em kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận định vấn đề và rút ra những bài học từ lịch sử. Do đó, kiến thức lịch sử rất cần cho mọi người dù ở lĩnh vực nào. Vì thế, cần phải duy trì môn Lịch sử là một môn học cơ bản đối với bậc THPT. Còn dung lượng kiến thức như thế nào cho phù hợp với học sinh thì những người làm chương trình, biên soạn sách giáo khoa cần nghiên cứu để biên soạn sách cho phù hợp.
![]() |
Khi mà câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn đối với học sinh lớp 10 THPT từ năm học 2022 -2023 vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau, thì vấn đề dạy và học môn Lịch sử tại các trường học hiện nay như thế nào cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, không ít học sinh ngại học môn Lịch sử và điểm thi tốt nghiệp THPT môn học này luôn khá thấp so với các môn khác. Vậy làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử hơn?
![]() |
Trở lại câu chuyện ở Trường THCS Nam Cường, cô giáo Bùi Thị Thanh Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Để học sinh thêm yêu môn Lịch sử, vừa qua nhà trường đã thực hiện chương trình phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh. Theo đó, hai bên phối hợp tổ chức các môn học gắn với hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, địa lý địa phương, nghiên cứu khoa học; tổ chức các cuộc thi sản phẩm sáng tạo gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại địa phương. Trong tuần học đầu tiên, hơn 160 học sinh khối lớp 6, lớp 8 đã được đến Bảo tàng tỉnh học tập, đồng thời cán bộ Bảo tàng tỉnh cũng đưa các hiện vật đến nhà trường để phối hợp với giáo viên giảng dạy cho học sinh.
![]() |
Trường học phối hợp tổ chức hoạt động học tập thực tế tại Bảo tàng tỉnh. |
Sau những tiết học ngoại khóa ở Bảo tàng tỉnh, học sinh Trường THCS Nam Cường đều bày tỏ sự thích thú và mong muốn có thêm nhiều tiết học trải nghiệm thực tế như vậy. Em Lê Việt Phúc, học sinh lớp 6A cho biết: Trải nghiệm ở Bảo tàng tỉnh, được nhìn tận mắt các hiện vật thời nguyên thủy giúp em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc. Em cảm thấy học thực tế rất hữu ích và giúp em thêm yêu thích học môn Lịch sử hơn.
![]() |
Học sinh trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh. |
Em Lương Phương Mai, lớp 11 chuyên Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Lào Cai rất đam mê môn Lịch sử và mới đoạt giải Khuyến khích quốc gia môn học này. Phương Mai chia sẻ: Theo em, để học tốt môn Lịch sử cần gạch ra những ý chính và lập sơ đồ tư duy, nhớ rõ những sự kiện chính, mốc thời gian quan trọng và bản chất của sự kiện lịch sử, sau đó diễn giải theo lời văn của mình. Khi đó, dù sau một thời gian dài không học, nhưng khi ôn luyện vẫn dễ nhớ hơn. Hơn nữa, chỉ khi thực sự có niềm đam mê Lịch sử, lòng tự hào, tự tôn dân tộc thì học môn Lịch sử mới không thấy nhàm chán. Em mong muốn được học nhiều hơn về lịch sử Việt Nam và được nhà trường, ngành giáo dục tạo điều kiện cho chúng em được tham quan các di tích lịch sử để hiểu hơn về truyền thống dân tộc.
Những năm học gần đây, học sinh THPT của Lào Cai đã dành nhiều giải tại kỳ thi học sinh học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử. Cụ thể là trong 3 năm học (2019 -2020, 2020 -2021, 2021 -2022), học sinh tỉnh Lào Cai đã đoạt 13 giải (2 giải Nhì, 1 giải Ba, 10 giải Khuyến khích). Cùng với đó, tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh và toàn quốc, nhiều công trình, đề tài của học sinh liên quan đến Lịch sử đã đoạt giải cao. Đặc biệt, tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2021, đề tài “Chiến dịch Điện Biên Phủ” của nhóm học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Mòn 1 (Bắc Hà) đoạt giải Đặc biệt. Điều đó cho thấy không ít học sinh của tỉnh đam mê học môn Lịch sử và các nhà trường cũng có nhiều giải pháp sáng tạo để môn học này trở nên hấp dẫn hơn.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Tổ phó Tổ chuyên môn Lịch sử - Địa lý, Trường THPT Chuyên Lào Cai thì để nâng cao hiệu quả dạy môn Lịch sử, các thầy cô giáo đã đổi mới phương pháp dạy cho sinh động, hấp dẫn hơn, như cho học sinh xem nhiều hình ảnh, video tư liệu. Trước mỗi kỳ thi, giáo viên đều có giới hạn và hướng dẫn ôn tập chu đáo cho học sinh. Các đề thi môn Lịch sử cũng có sự đổi mới so với trước đây, đề không quá dài, có tính phân loại từ dễ đến khó, tập trung vào những mốc lịch sử lớn để học sinh dễ học, dễ nhớ, không yêu cầu học sinh phải nhớ từng chi tiết, số liệu vụn vặt.
Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai khuyến nghị, đối với những người biên soạn sách giáo khoa cần lựa chọn, đưa vào chương trình những vấn đề cơ bản, thiết yếu nhất, đồng thời chọn cách thể hiện sinh động, hấp dẫn học sinh. Các thầy cô giáo dạy Lịch sử cần có nhiệt huyết, nắm vững kiến thức Lịch sử, từ đó biết cách dẫn dắt, khơi gợi, kích thích niềm đam mê học Lịch sử của học sinh. Thay vì những giờ học chỉ giảng hay đọc cho học sinh chép bài thì cần hướng dẫn để học sinh cùng tìm tòi, khám phá các kiến thức mới. Với học sinh, không nên quan niệm Lịch sử là môn học thuộc, dẫn tới việc học một cách máy móc, mà cần học hiểu để biết nắm bắt, phân tích, đánh giá các sự kiện lịch sử, từ đó rút ra những bài học thiết thực. Nếu làm được như vậy thì việc dạy và học môn Lịch sử sẽ trở nên nhẹ nhàng, hấp hẫn, giúp học sinh yêu thích học môn Lịch sử hơn.
Nội dung: Thanh Nam - Tuấn Ngọc
Trình bày: Ngọc Luyến mmmmmm