Không thờ ơ với “giặc lửa”
Cuối năm 2022, tại tổ 19, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai đã xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi một xưởng sản xuất hương. Mặc dù lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã kịp thời có mặt nhưng hậu quả vụ cháy để lại vẫn rất nặng nề:1 cháu bé 14 tuổi tử vong, 5 người bị thương, nhiều tài sản trong xưởng rộng khoảng 200 m2 đã bị lửa thiêu rụi, phần mái tôn xưởng bị sập.
Gần đây nhất là ngày 22/10, gia đình ông Sùng A S. (sinh năm 1966, thường trú tại thôn Làng Có 1, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng) bị cháy nhà. Mặc dù hàng xóm thấy cháy đã báo chính quyền địa phương và hỗ trợ dập lửa nhưng do nhà làm bằng gỗ nên chỉ trong thời gian ngắn đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Vụ cháy đã làm cháu Sùng A T. (sinh năm 2020) tử vong khi đang ngủ trong nhà.
Đặc biệt, ngày 12/9 vừa qua xảy ra vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội cướp đi sinh mạng của 56 người dân. Đây là con số khiến bất kỳ ai khi nghe thấy đều phải giật mình. Như vậy, có thể khẳng định “giặc lửa” luôn rình rập và có thể gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc.
Những năm gần đây dù trên địa bàn chưa xảy ra vụ cháy lớn nào gây thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân nhưng phường Xuân Tăng (thành phố Lào Cai) luôn đặt công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt. UBND phường đã xây dựng các kế hoạch về công tác PCCC đến từng khu dân cư, trường mẫu giáo, bệnh viện, phòng khám tư nhân, trung tâm tổ chức sự kiện trên địa bàn phường.
Ông Lê Quỳnh Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Tăng, cho biết: Thông qua kiểm tra, chúng tôi kịp thời phát hiện những vi phạm về an toàn PCCC, những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Từ đó hướng dẫn các khu dân cư, cơ sở được kiểm tra khắc phục ngay theo hướng “rõ người, đúng thẩm quyền, không có vùng cấm”; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC... Đối với các cơ sở có vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiến nghị, yêu cầu khắc phục mà cố tình không thực hiện hoặc khắc phục không đảm bảo yêu cầu thì phối hợp với các cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và các giấy phép có liên quan theo quy định. Bên cạnh đó, phường tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ sở, người dân trong thực hiện các quy định về PCCC và CNCH; tổ chức đôn đốc việc xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở đáp ứng yêu cầu trong công tác PCCC và CNCH.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy làm chết 1 người, thiệt hại về tài sản hơn 3 tỷ đồng và 13,67 ha (3,5 ha cây bụi, lau sậy; 10,17 ha đồi cỏ xen lẫn rừng gỗ tạp và rừng quế, keo, mỡ mới trồng). So với cùng kỳ năm 2022, tăng 8 vụ cháy, giảm 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng 1.392 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra được 433 lượt cơ sở, địa điểm. Quá trình kiểm tra phát hiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 28 cơ sở với tổng số tiền gần 162 triệu đồng (tăng 17 vụ, số tiền xử phạt tăng gần 116 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022).
Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra cháy
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy tại gia đình ông Sùng A S. (thôn Làng Có, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng) ngày 22/10, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã có mặt tại hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương và Nhân dân dập tắt đám cháy. Đồng thời, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cũng vào cuộc điều tra, thẩm tra, đối chiếu việc chấp hành các quy định về công tác PCCC của cấp ủy, chính quyền xã Phong Niên.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định... về công tác PCCC và CNCH tới cán bộ, nhân viên và Nhân dân. Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp về công tác PCCC và CNCH đã được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn có cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH, đặc biệt là chính quyền một số xã, thị trấn, một số cơ sở kinh doanh và người dân. Từ đó vẫn để xảy ra những vụ cháy do nguyên nhân chủ quan, gây thiệt hại về người và tài sản.
Thượng tá Trần Minh Hoạch, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh trong việc kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó kiểm tra công tác đảm bảo PCCC và CNCH các cơ quan đơn vị, địa phương, qua đó thẩm tra, đối chiếu và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân khi xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, lỗi đến đâu xử lý đến đó. Có như vậy mới nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trong công tác PCCC, từ đó không để xảy ra các vụ cháy do nguyên nhân chủ quan.
Công tác PCCC và CNCH luôn là nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, ngoài việc tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm về PCCC và CNCH, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân trong tỉnh cần nâng cao nhận thức hơn nữa, quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và CNCH, qua đó giảm thiểu tối đa vụ cháy và hậu quả do cháy gây ra.