Đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo các nghị quyết HĐND tỉnh đã giao là 6.560 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, đã giải ngân 3.382 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch. Đối với kế hoạch vốn năm 2023 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 5.341 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2023, tỉnh Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (trung bình của cả nước đạt 41%).
Trong các địa phương, tỷ lệ giải ngân của thành phố Lào Cai thấp nhất, mới đạt 86/351 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch. Huyện Bảo Yên có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 416/689 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch. Các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh có tỷ lệ giải ngân đều trên 40% kế hoạch; trong đó Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh giải ngân cao nhất đạt 52% kế hoạch.
Theo dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, áp lực giải ngân còn rất lớn (trung bình 700 tỷ đồng/tháng).
Báo cáo về tình hình thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, Sở Tài chính cho biết tính đến ngày 19/9 trên địa bàn toàn tỉnh đã quyết toán được 263 dự án với tổng giá trị đề nghị quyết toán là 1.658,6 tỷ đồng, tổng giá trị quyết toán được duyệt là 1.642,8 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm báo cáo trên địa bàn tỉnh có 83 dự án, công trình đã nhận hồ sơ chưa quyết toán và đang trong thời hạn thẩm tra phê duyệt quyết toán theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.
Tổng số dự án phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước do thanh toán vượt so với giá trị quyết toán được phê duyệt đến thời điểm báo cáo là 31 công trình với số tiền phải thu hồi 4,9 tỷ đồng; đã thu hồi xong 15 công trình với số tiền 3,335 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Ông Nguyễn Quang Bình, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: hiện nay trên địa bàn huyện thực hiện rất nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, khối lượng công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng rất lớn, trong khi nhân lực có hạn vì vậy đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Ông Hoàng Trường Minh, Quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nêu: năng lực hạn chế của một số nhà thầu đang thi công một số dự án trên địa bàn là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện dự án chậm, dẫn đến giải ngân chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, có những dự án giao thông đang chuẩn bị thực hiện đi qua diện tích canh tác một số cây trồng có giá trị nên rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trao đổi, giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của các địa phương liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện một số dự án đặc thù, nhất là dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng; điều chỉnh một số quy hoạch chi tiết.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi đó, áp lực giải ngân khá lớn, vì vậy các chủ đầu tư cần rà soát, cập nhật kế hoạch chi tiết giải ngân để điều hành theo từng tuần, từng tháng, với mục tiêu giải ngân 100%.
Các sở, ngành, địa phương có kết quả giải ngân thấp cần rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp cụ thể, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân thời gian tới.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; thường xuyên kiểm tra công trình, đánh giá năng lực nhà thầu, xử phạt nghiêm với các nhà thầu chậm tiến độ thi công do chủ quan.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tham mưu UBND tỉnh điều chuyển nguồn vốn từ các công trình, dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Đối với vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đánh giá khó khăn ở đâu, thuộc về thẩm quyền cấp nào, cơ chế thực hiện giải phóng mặt bằng từng dự án để linh hoạt áp dụng các giải pháp.
Đối với khó khăn giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nguồn vốn sắp xếp dân cư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi được nhiều địa phương phản ánh, đồng chí đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành đi cơ sở, nắm rõ thực chất đang vướng mắc ở đâu để khẩn trương tháo gỡ, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số.