Mới đây, Sở GDĐT tỉnh Nghệ An đã đình chỉ hoạt động liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường công lập đối với 10 trung tâm Anh ngữ do không cung cấp được bản gốc chứng chỉ quốc tế của các giáo viên. Cụ thể, vào ngày 12/10, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết, nhằm siết chặt công tác quản lý hoạt động liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở giáo dục, Sở đã thành lập tổ thẩm định để rà soát và yêu cầu các trung tâm phải cung cấp đầy đủ các chứng chỉ quốc tế, văn bản gốc theo quy định. Thực tế cho thấy, có 10 trung tâm cung cấp bản scan nhưng không có bản gốc. Do đó, Sở đã yêu cầu những đơn vị này dừng việc liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường.
Theo quy định, chương trình dạy liên kết trong nhà trường phải được Bộ GDĐT cấp phép, do Bộ hoặc Sở thẩm định. Về hồ sơ, đối với giáo viên người Việt Nam yêu cầu có 6 loại hồ sơ; giáo viên người nước ngoài cần có 7 loại hồ sơ. Sau khi thẩm định đủ hai điều kiện nói trên thì Sở sẽ ban hành văn bản phê duyệt đối với các trung tâm đủ điều kiện tổ chức dạy tăng cường vào nhà trường. Cũng theo đại diện Sở GDĐT Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 34 trung tâm tiếng Anh tăng cường. Sở sẽ tổ chức thẩm định chương trình và đội ngũ giáo viên của các trung tâm này.
Trước đó, vào ngày 25/9, Sở GDĐT Nghệ An cũng đã có văn bản số 2288/SGDĐT-CTTT-GDTX gửi Phòng GDĐT các huyện/ thành phố/ thị xã, các trường THPT và các Trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh này về việc hướng dẫn bổ sung việc thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo và Chương trình tăng cường tiếng Anh từ năm 2023 - 2024. Theo đó, công văn của Sở GDĐT Nghệ An đã nêu ra quy trình cụ thể, chặt chẽ (gồm 6 bước) khi lựa chọn trung tâm ngoại ngữ phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình tăng cường.
Theo quy định, các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp hiện được các trường tổ chức theo tinh thần thỏa thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh.
Các đơn vị liên kết đã được Sở GDĐT cấp phép, thẩm định chương trình. Khi trường chọn đơn vị liên kết bổ trợ, nhà trường cần nghiên cứu hồ sơ, làm tờ trình lên Phòng GDĐT, xin ý kiến tổ chức trên tinh thần thỏa thuận với các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, khác với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy định, hay nói đúng hơn là không có nguồn lực để đánh giá vì thế xã hội còn lo ngại về chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là lý do mà một số Sở GDĐT các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng, TPHCM, Ninh Bình… vừa qua đã vào cuộc chấn chỉnh việc liên kết dạy tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống... trong trường học.
Trước vấn nạn trên, các chuyên gia giáo dục đều chung ý kiến đề nghị Bộ GDĐT cùng các cơ quan chức năng tổng rà soát lại tình trạng liên kết giữa các trung tâm (tiếng Anh, kỹ năng sống, STEAM...) với hệ thống nhà trường trên cả nước; đề nghị phải chấn chỉnh việc các trung tâm bên ngoài hiên ngang đi vào để biến trường lớp quốc dân thành sân nhà và ngang nhiên làm tiền trên đầu hàng triệu học sinh và phụ huynh khắp cả nước.
Đáng mừng, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023 - 2024 vừa tổ chức, Sở GDĐT Hà Nội đã nhìn thẳng những vấn đề “nóng” còn tồn tại của ngành như dạy thêm học thêm, lạm thu, vi phạm chuẩn mực, dạy liên kết...; đồng thời thẳng thắn nêu quan điểm và các hướng giải quyết.
Ông Đào Tân Lý - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học yêu cầu, các trường trên địa bàn cần thực hiện đầy đủ tiết học bắt buộc, không cắt xén hay giảm bớt để dành thời gian cho hoạt động ngoại khóa và các tiết học tăng cường. Hiện định mức làm việc của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Việc giảm tiết chính khóa sẽ ảnh hưởng tới công việc của giáo viên, nên các trường cần tránh để thầy cô chưa dạy hết định mức đã phải thực hiện hoạt động ngoài giờ. Khi đã thực hiện đầy đủ chương trình chính khóa theo yêu cầu của Bộ GDĐT, giáo viên đủ định mức và còn thời gian trống, lúc đó trường mới tổ chức hoạt động ngoại khóa.