Dạo qua “Phố vàng”

LCĐT - Phố nhỏ Hòa An giáp mặt Bắc của chợ Cốc Lếu có mặt hàng đặc biệt: Vàng, bạc, đá quý. Nhiều người gọi phố này bằng cái tên dân dã: Phố Vàng.

Trên các tuyến phố quanh chợ Cốc Lếu ngày giáp Tết, xe cộ qua lại như mắc cửi, từng hàng ôtô chờ xếp dọc bên hè đường để vào chợ mua sắm. Trong khu chợ là cảnh ồn ào và náo nhiệt trong khi dòng người vẫn nườm nượp đổ về đây để mua sắm những hàng hóa cần thiết cho ngày Tết.

Trong không khí nhộn nhịp đó, tuyến phố nhỏ Hòa An, giáp phía Bắc của chợ Cốc Lếu, người, xe qua lại cũng đông hơn lệ thường, nhưng cảnh mua bán khá trật tự, thầm lặng, bởi mặt hàng mua, bán nơi đây hết sức đặc biệt: Vàng, bạc, đá quý. Kể từ độ giá vàng có biến động tăng liên tục trong khoảng năm, bảy năm gần đây thì ở phố Hòa An được nhiều người chuyển sang gọi bằng cái tên dân dã là “Phố Vàng”. Bởi, trong thời gian ngắn, các cửa hàng mua bán, chế tác, gia công đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý mọc lên san sát để đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng rất lớn trên địa bàn.

“Phố Vàng” chiều dài chỉ hơn 100 m, một đầu nối với đường Cốc Lếu, đầu kia bắt vào đường Hồng Hà. “Phố Vàng” trước đây chủ yếu bán đồ điện, nước các loại, hàng quần áo, vải, hàng tạp hóa, giờ đây, tuyến phố có tới 13 tiệm kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Ở nửa dãy phố đối diện với chợ Cốc Lếu có 15 cửa hàng thì có đến 12 tiệm kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Các cửa tiệm vàng san sát nhau, ngày cũng như đêm, bóng đèn và các tấm biển quảng cáo có màu chủ đạo là vàng, đỏ sáng rực, tạo cho hình ảnh tuyến phố nét đặc trưng. Đó là chưa kể đến 4 cửa hiệu tương tự tại đầu phố trên phố Cốc Lếu và 3 cửa hàng tại đầu “Phố Vàng” nhưng nằm trên đường Hồng Hà. Nếu xét về tỷ lệ, “Phố Vàng” của thành phố Lào Cai còn có mật độ dày, tỷ lệ các tiệm vàng, bạc, đá quý cao hơn nhiều so với phố chuyên doanh Hàng Bạc của Hà Nội.

Bước vào tiệm vàng là lạc vào thế giới khác, với những đồ trang sức sáng lóa mắt, những đồ vật dù rất nhỏ gọn, nhưng giá trị lớn, được bày la liệt trong tủ kính. Điều đó đã một phần lý giải tại sao người sử dụng nó lại gây sự chú ý lớn và lòng tham của con người nhiều khi lại xuất phát từ đó. Cũng vì thế mà nghề kinh doanh vàng, bạc, đá quý trong mấy năm gần đây đã trở thành nghề nguy hiểm. Vậy nên, các cửa tiệm trên “Phố Vàng” treo la liệt những ca-mê-ra giám sát ở đủ góc độ, ca-mê-ra treo từ ngoài hè tới bên trong cửa hiệu, thậm chí là các phòng, hành lang không có liên quan trực tiếp đến việc mua, bán, trưng bày hàng hóa.

Ngày giáp Tết, lượng khách hàng đông hơn, nhưng chủ tiệm vàng Đình Phúc, anh Vũ Đình Phúc vẫn dành cho phóng viên một khoảng thời gian để tìm hiểu chi tiết hơn về dãy “Phố Vàng”. Đình Phúc là cửa hàng kinh doanh vàng, bạc, đá quý đầu tiên của dãy phố này, khai trương từ năm 1997. Anh Vũ Đình Phúc trước đây chung cửa hàng với anh trai, sau đó người anh tách ra làm cửa hàng riêng, tiệm vàng Văn Sơn, phường Kim Tân hiện nay. Nếu hầu hết các cửa hàng trên “Phố Vàng” kinh doanh đủ món thì tiệm Đình Phúc chuyên doanh vàng ta, hay còn gọi là vàng ròng, vàng bốn con chín (thành phần 99,99% vàng). Năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt điều kiện kinh doanh vàng miếng, thì tiệm Đình Phúc chuyển hẳn sang chuyên doanh các loại đồ trang sức như nhẫn, dây chuyền, lắc, đồ lưu niệm bằng vàng.

Chế tác đồ trang sức bằng vàng.
Chế tác đồ trang sức bằng vàng.

Trò chuyện về “Phố Vàng”, anh Phúc thành thực tâm sự rằng không phải chủ hiệu nào trên khu phố cũng có “tầm” để làm nghề, mới đây đã có người lỗ tiền tỷ khi giá vàng hạ. Đó là chưa kể các mánh khóe ngày càng tinh vi của kẻ gian như vàng mạ, vàng giả, vàng kém chất lượng, chúng thường xuyên ghé thăm khu phố, nếu non kinh nghiệm là “chổng vó”. “Có những loại vàng kém chất lượng mà máy móc hiện đại cũng không phát hiện ra, nên chỉ có thể phụ thuộc vào kinh nghiệm như tay sờ, mắt nhìn, tai nghe (khi thả vàng rơi tự do xuống nền đất) thôi” - anh Phúc cho biết.

Rời cửa tiệm vàng ta Đình Phúc, chúng tôi ghé thăm tiệm vàng tây của anh Nguyễn Văn Thành, điểm đầu “Phố Vàng”. Anh Nguyễn Văn Thành sinh ra và lớn lên tại một làng nghề chạm bạc thuộc xã Châu Khê, huyện Bình Giang (Hải Dương). Yêu nghề của cha ông, nên học hết lớp 9, anh đã rời ghế nhà trường để tận tâm, tận lực với nghề. Sau ngày sinh nhật 19 tuổi, anh Thành quyết chí khoác ba lô lên Lào Cai lập nghiệp bằng việc xin vào làm nghề thợ kim hoàn tại một cơ sở kinh doanh tại phường Cốc Lếu. Có chút vốn liếng, sau đó một năm, năm 1999, anh Thành thuê cửa hàng mở một tiệm buôn bán riêng và sau đó ít năm thì mua luôn căn nhà mà vợ chồng anh thuê để kinh doanh. Giờ đây, cửa hàng của anh chuyên một món là các đồ trang sức bằng vàng tây, một số ít do cửa hàng tự chế tác, hầu hết là nhập hàng từ các hãng sản xuất lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tình hình kinh doanh, mua, bán vàng, bạc, đá quý tại “Phố Vàng” sôi động đã khá lâu năm, nhưng việc tiếp cận nghề chế tác kim hoàn quả rất khó với người Lào Cai bởi liên quan đến bí quyết nghề gia truyền. Hầu hết những thợ kim hoàn của các cửa tiệm tại “Phố Vàng” được các chủ tiệm tuyển từ các làng nghề chạm bạc nổi tiếng tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội. Một thợ kim hoàn có tay nghề cao có thể được trả tiền công tới 20 - 30 triệu đồng/tháng, cá biệt có hiệu đã từng trả công thợ 45 triệu đồng/tháng.

Dù giá vàng có những biến động liên tục và khó lường trong khoảng một năm trở lại đây, nhưng không khí kinh doanh mặt hàng vàng, bạc, đá quý trên phố Hòa An vẫn không bớt phần sôi động. Điều đó đang chứng tỏ đời sống của nhiều người dân thành phố Lào Cai nói riêng, trong tỉnh nói chung đã và đang được nâng lên nhiều.

Ông Tô Văn Thanh, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Cốc Lếu, địa bàn có phố Hòa An, đã tự hào khi chúng tôi nhắc tới phố Hòa An. Ông Thanh còn nói vui rằng, Tổ dân phố số 1 không chỉ có “Phố Vàng” mà còn xứng đáng là “trung tâm tài chính” của tỉnh khi địa bàn có tới 6 ngân hàng thương mại (chưa kể chi nhánh) và hơn 20 tiệm kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Trước đây, khi Nhà nước còn cho phép, Tổ dân phố số 1 cũng có 1 sàn giao dịch vàng của tư nhân vào hàng lớn nhất thành phố Lào Cai, với chỉ số giao dịch có ngày lên đến vài trăm cây vàng. Hiện, thành phố Lào Cai đã có những điều chỉnh quy hoạch nhất định, song, “trung tâm tài chính” tại Tổ dân phố số 1 và “Phố Vàng” vẫn sôi động là bởi “buôn có bạn, bán có phường”. Âu đó cũng là điều dễ đoán định.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cất nóc 2 tòa nhà thuộc dự án NOXH Golden Square Lào Cai

Cất nóc 2 tòa nhà thuộc dự án NOXH Golden Square Lào Cai

Ngày 5/7, Lễ cất nóc dự án Nhà ở xã hội (NOXH) Golden Square Lào Cai đã diễn ra, đánh dấu cột mốc quan trọng hành trình kiến tạo không gian sống chất lượng; góp phần hiện thực hóa mục tiêu an cư cho người lao động, cán bộ, công chức và các đối tượng chính sách tại địa phương.

Thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán

Thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 6-2025 ước đạt 176,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Công ty TNHH MTV Tân Phú khẩn trương khắc phục sự cố thuỷ lợi sau mưa lũ

Công ty TNHH MTV Tân Phú khẩn trương khắc phục sự cố thuỷ lợi sau mưa lũ

Những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày đầu tháng 7 đã làm sạt lở, hư hỏng hơn 70 công trình thủy lợi khu vực các xã thuộc huyện Lục Yên cũ, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của hàng trăm hộ dân. Công ty TNHH MTV Tân Phú đang huy động mọi lực lượng khắc phục sự cố sớm ổn định nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng.

fb yt zl tw