Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân. Gần đây nhất, khoảng 15 giờ 25 phút ngày 13/4/2024, cháu N.T.N (sinh năm 2012) trú tại bản Liên Hà 7, xã Bảo Hà (Bảo Yên) điều khiển xe đạp điện từ đường dân sinh của thôn, chở em gái là N.T.B.N (sinh năm 2020), khi cắt ngang đường sắt thì va chạm với xe chuyên dụng của ngành đường sắt chạy hướng Lào Cai - Yên Bái. Vụ tai nạn khiến 2 cháu N.T.N và N.T.B.N tử vong tại chỗ. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, Công an tỉnh xác định nguyên nhân là do 2 cháu nhỏ di chuyển từ Tỉnh lộ 161 cắt qua đường sắt bằng lối đi dân sinh nhưng không chú ý quan sát dẫn đến va chạm.
Trước đó, vào khoảng 7 giờ 25 phút ngày 6/4/2024, xe ô tô biển kiểm soát 24A-154.XX do bà Nguyễn Thị H., sinh năm 1959 điều khiển, trên xe chở anh Nguyễn Đình T., sinh năm 1994 và cháu Nguyễn Đình Bảo K., sinh năm 2019 (đều thường trú tại tổ 14, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai), khi di chuyển từ đường dân sinh qua vị trí đường ngang (giao cắt với đường sắt của Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam) đã va chạm với đầu máy tàu CK6-03XX (kéo theo 15 toa xe chở hàng) do ông Đoàn Trường S., sinh năm 1975, thường trú tại tổ 10, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai điều khiển. Qua kiểm tra xác định lái xe ô tô và tàu đều không vi phạm nồng độ cồn. Vụ tai nạn không có thiệt hại về người; xe ô tô bị hư hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 4 triệu đồng.
Qua những vụ tai nạn liên quan đến đường sắt cho thấy kiến thức, kỹ năng của người điều khiển phương tiện giao thông khi qua các lối mở giao cắt với đường sắt còn rất hạn chế. Trong đó, việc thiếu quan sát của người điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua đường sắt là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông liên quan tới đường sắt. Việc xử lý của các lái tàu, lái xe chuyên dụng ngành đường sắt khi gặp những tình huống, sự cố bất ngờ cũng rất khó khăn, mất nhiều thời gian hơn so với các phương tiện giao thông đường bộ.
Một nguyên nhân nữa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt là ý thức của một số người khi tham gia giao thông còn hạn chế. Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều trường hợp coi thường tính mạng, như đi bộ dọc đường sắt (thậm chí vào cả buổi tối); cá biệt, tại các khu vực giao giữa đường bộ và đường sắt đã có gác chắn nhưng một số trường hợp vẫn cố tình điều khiển mô tô, xe máy điện lách qua rào chắn để sang đường khi tàu gần tới nơi.
Bà Hoàng Thị T., người bán hàng gần khu vực giao cắt giữa đường Hoàng Sào và đường sắt vận chuyển quặng (phường Pom Hán, thành phố Lào Cai) cho biết: Không ít trường hợp người điều khiển mô tô, xe máy cố tình lách qua rào chắn để đứng sát đường tàu, thậm chí băng qua khi tàu gần đến nơi. Nếu không may xảy ra va chạm, hậu quả sẽ rất nặng nề.
Một nguyên nhân nữa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt là các đường ngang, lối mở cắt ngang đường sắt để ra - vào các khu dân cư trên địa bàn tỉnh nhiều, trong khi đó, số đường gom dân sinh còn hạn chế. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 195 vị trí đường bộ giao cắt đường sắt, gồm 12 đường ngang và 183 lối đi tự mở (trong số 12 đường ngang có 11 đường có gác, 1 đường ngang biển báo; 183 vị trí là lối đi tự mở đã được phối hợp quản lý).
Được biết, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh, công an các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các địa phương, trường học, tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói chung, an toàn giao thông đường sắt nói riêng. Từ năm 2023 đến nay, đã tổ chức 5 buổi tuyên truyền riêng về trật tự, an toàn giao đường sắt tại 5 trường học; tuyên truyền trực tiếp tại các cơ quan, doanh nghiệp và hơn 1.000 lượt người dân sinh sống 2 bên đường sắt, xung quanh khu vực các ga, khách đi tàu.
Tại cuộc họp kiểm điểm, đánh giá vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định, quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang, lối đi tự mở. Thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên nơi có các tuyến đường sắt chạy qua cần xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể tổ chức giải tỏa, xóa các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và lối đi tự mở qua đường sắt. Đối với các lối đi tự mở đang chờ xóa, thực hiện các biện pháp tăng cường, như bố trí người cảnh giới khi có tàu qua, cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện đường bộ, giải tỏa tầm nhìn… Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kịp thời phát hiện các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt để kiến nghị khắc phục...