LCĐT - Họ là những người mang trong cơ thể mình một căn bệnh nan y mà y học gọi là: Suy thận mãn tính. Đều đặn mỗi tuần, bệnh nhân nào còn sức khỏe thì chạy thận nhân tạo 2 lần, người yếu hơn phải chạy thận 3 lần. Trong căn phòng có hơn chục giường bệnh với các mớ dây chằng chịt, hầu hết bệnh nhân đang thiêm thiếp ngủ, ai còn thức thì ánh mắt bần thần. Đó là khung cảnh thường nhật tại bộ phận thận nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bất ngờ phát hiện suy thận độ 4 khi đang học dang dở chuyên ngành kế toán tại Hà Nội, Bùi Ngọc Loan, ở phường Bình Minh (thành phố Lào Cai) lúc ấy mới 23 tuổi, đành gác lại ước mơ, trở về gắn đời mình với “xóm” chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ những biểu hiện đau đầu, buồn nôn, chán ăn, vàng da, Loan đi khám và rất ngỡ ngàng khi được chẩn đoán bị suy thận ở giai đoạn cuối và buộc phải lọc máu một tuần 3 lần. “Thời gian đầu, đều đặn mỗi tuần tôi phải chạy thận 3 lần, chi phí thuốc, đi lại, ăn ở, mỗi tháng hết hơn 7 triệu đồng khiến gia đình điêu đứng. Sau này có bảo hiểm y tế, gia đình tôi đã bớt một phần gánh nặng, giúp tôi yên tâm điều trị hơn. Nhưng điều tôi mặc cảm và thấy khổ tâm nhất là mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Ước mơ về một mái ấm gia đình cho riêng mình cũng là điều tôi không dám nghĩ đến” - Loan chia sẻ.
![]() |
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
4 năm đều đặn bất kể thời tiết nắng, mưa hay ngày lễ, tết, Loan đều có mặt tại giường lọc máu đúng hẹn. Nhiều lúc cô chán nản, không muốn sống nữa, nhưng chính những người bệnh giàu nghị lực ở xung quanh đã tiếp thêm sức mạnh cho Loan vượt qua mọi đau đớn. Đó là một em mới 17 tuổi, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi ba chị em, nên khi mắc bệnh hiểm nghèo, em luôn tự chăm sóc bản thân. Có mặt tại phòng bệnh, lúc nào em cũng nói cười, xua tan mệt mỏi cho các bệnh nhân khác. Đó còn là những bệnh nhân người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở những xã xa xôi, nhưng vẫn đều đặn đến bệnh viện để lọc máu, duy trì sự sống. Họ cố gắng bởi còn có cả gia đình ở phía sau, những đứa con đang trong tuổi đến trường cần bàn tay cha mẹ chăm sóc. So với họ, Loan thấy mình may mắn hơn vì còn được bố mẹ lo lắng, chăm sóc, vì thế cô tự nhủ cần dũng cảm, nỗ lực vượt qua bệnh tật. Mặc dù không có cơ hội trở thành một nhân viên kế toán như cô từng ước mơ, nhưng Loan không buồn nữa, bởi cô biết rằng, điều mình cần làm lúc này là chiến đấu với bệnh tật và sống sao cho ngày nào trôi qua cũng thật ý nghĩa.
Ngay giường bên cạnh của Loan là ông Đinh Thế Đính, sinh năm 1949, ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, cũng là bệnh nhân chạy thận suốt 8 năm nay. Đôi tay của ông đã nổi u cục vì những lần chọc ven. Nhìn cánh tay này, ai cũng thương cảm. Nhà khá xa bệnh viện, các con có công việc riêng, nên tuần nào ông cũng tự mình đi xe máy đến bệnh viện để lọc máu. Mặc dù mệt mỏi, nhưng ông Đính vẫn tươi cười niềm nở. “Nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT), tôi không thể kiên trì điều trị căn bệnh này, bởi lẽ chi phí điều trị lớn, người chạy thận sức khỏe yếu không làm thêm được nhiều việc. BHYT đã gánh bớt một phần chi phí, giúp nhiều người có thể điều trị lâu dài. Xác định đây là căn bệnh nan y, nhiều bệnh nhân tầm tuổi tôi lần lượt qua đời, nhưng nếu cứ bi quan thì không thể thắng nổi bệnh tật, duy trì sự sống đến giờ phút này”, ông Đính nói.
Phía cuối căn phòng là bà Nguyễn Thị Lan, ở phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) mới phát hiện bị suy thận cách đây 6 tháng. Nằm trên giường bệnh, bên cạnh bà là người chồng với gương mặt khắc khổ, đầy lo lắng, chốc chốc lại cầm chặt tay vợ động viên. Hai con đã lớn và lập gia đình riêng, những tưởng cuộc sống đã được an nhàn thì tháng 7/2015, bà Lan thấy trong người có biểu hiện khác lạ, đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ kết luận bà Lan đã bị suy thận độ 3 và phải dùng máy chạy thận nhân tạo. Dè sẻn tiết kiệm, được bảo hiểm y tế hỗ trợ tới 95%, nhưng mỗi tháng, bà Lan cũng mất khoảng 1 triệu đồng cho việc đi lại, thuốc thang…
Bác sĩ Lê Thị Kim Thành làm việc tại bộ phận thận nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ với tôi: Các bệnh nhân phần lớn là thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn. Người ở gần còn đỡ, người ở xa mới khổ. Tuy nhiên, nhờ được tư vấn, nên hiện tại, 100% bệnh nhân chạy thận đã có BHYT. So với các căn bệnh khác, thì việc chăm sóc các bệnh nhân chạy thận không vất vả, chủ yếu phụ thuộc vào máy móc. Thời điểm hiện tại, bộ phận thận nhân tạo có 105 bệnh nhân đang điều trị theo chu kỳ. Mỗi ngày có trên 50 bệnh nhân đến lọc máu. Nhiệm vụ chính của các y, bác sỹ là theo dõi, tư vấn cho bệnh nhân, bởi đây là căn bệnh có nhiều biến chứng, như huyết áp, suy tim, loãng xương. Ngoài tư vấn về sức khỏe, chúng tôi còn thường xuyên động viên tinh thần các bệnh nhân để tránh tâm lý tiêu cực, giúp họ lạc quan hơn trong cuộc sống.Thời gian tới, bộ phận thận nhân tạo sẽ áp dụng kỹ thuật lọc máu mới HDF/online, đây là kỹ thuật tiên tiến giúp giảm được tối đa các biến chứng so với kỹ thuật chạy thận hiện tại.
Mặc dù biết cuộc sống chẳng thể kéo dài tuổi thọ khi phải chạy thận nhân tạo, nhưng qua tiếp xúc, tôi không hề nhận thấy sự bi quan ở các bệnh nhân tại đây. Bùi Ngọc Loan vẫn tươi cười kể cho tôi nghe những kỷ niệm đẹp thời sinh viên, quãng thời gian Loan được cùng bạn bè học tập và mối tình đầy thơ mộng của mình với chàng trai cùng lớp. Cô điềm tĩnh đón nhận số phận, dù biết cuộc sống có thể dừng lại một ngày. Ông Đính vẫn hạnh phúc khi nhắc tới gia đình, ánh mắt đầy biết ơn khi nói đến sự chăm sóc tận tình của các y, bác sỹ… Ở đây, mỗi phận người là một câu chuyện, nhưng đều chung nỗi bất hạnh bởi nghèo khó, bệnh tật, họ về đây nương tựa vào nhau, động viên nhau mạnh mẽ, lạc quan để vượt lên duy trì sự sống.