Chuyển đổi số thúc đẩy cải cách hành chính

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, cùng quyết tâm của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, nền hành chính giấy tờ truyền thống đang chuyển mình, hướng tới nền hành chính số với những tiện ích của một xã hội phát triển.

1.jpg
Người dân nhận kết quả tại bộ phận một cửa xã Phố Cáo (huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Những kết quả nổi bật

Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", hoạt động chuyển đổi số trên cả nước đã diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, mang lại kết quả ngày càng thực chất và hiệu quả.

Giám đốc Công ty cổ phần IGB Soft Hoàng Trung nhận xét, dịch vụ công trực tuyến đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Chính phủ đã đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhiều dịch vụ trực tuyến hơn. Nhiều thủ tục hành chính, như đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép lái xe, đăng ký thường trú... được thực hiện online, giảm thời gian đi lại và chờ đợi. Việc số hóa quy trình đã góp phần giảm tình trạng nhũng nhiễu, tăng tính minh bạch trong giải quyết hồ sơ hành chính. Một số dịch vụ đã kết nối với hệ thống ngân hàng, bảo hiểm xã hội, thuế điện tử, tạo thuận lợi cho giao dịch.

Theo "Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023" do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ 6 (tăng 18 bậc) trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. Hà Nội đã triển khai những biện pháp thiết thực để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến thuận tiện hơn.

Ðể đẩy nhanh tiến độ đạt được mục tiêu "Ba phi: Phi địa giới - Phi trung gian - Phi vật chất" và "Hai không: Không cửa hành chính - Không khóa thủ tục", ngày 5/2, Hà Nội đã khai trương thí điểm đại lý dịch vụ công tại Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm.

Ðây là một trong 32 đại lý dịch vụ công được triển khai trong giai đoạn 1 tại 10 bưu cục của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, 12 bưu cục của Tổng công ty Bưu chính Viettel và 10 cửa hàng FPT Shop của công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT. Tại các đại lý này, người dân sẽ được hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính một cách thuận tiện, nhanh chóng và nhận kết quả trực tiếp tại đại lý hoặc tại nhà.

Theo Báo cáo Chuyển đổi số năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, thể chế số đã tạo không gian, động lực mới để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và tăng cường quản lý nhà nước. Hệ thống API (Application Programming Interface) của Chính phủ kết nối với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ và địa phương trong họp hành và xử lý công việc đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, thay thế khoảng 953.700 hồ sơ giấy.

Bên cạnh đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hạ tầng số của cả nước tiếp tục phát triển theo hướng ngày càng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi số quốc gia. Ðến nay, dịch vụ viễn thông 5G đã được cung cấp đến 63 địa phương. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G toàn quốc đạt 25,5%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G khu vực thủ phủ tỉnh đạt 93,34%; đã hoàn thành lắp đặt thêm một tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 82,5% (vượt mục tiêu 80% đến năm 2025); 89,4% số thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kết nối và sử dụng dịch vụ công mọi lúc mọi nơi.

Ðáng chú ý, Việt Nam đã tắt sóng 2G, chuyển sang sử dụng băng rộng 4G, 5G. Năm 2024, Viettel đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu lớn nhất cả nước với công suất 30 MW. Cơ sở dữ liệu dân cư hiện đã có gần 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Ðến cuối tháng 11, đã có 100% người dân sử dụng VNeID để đăng nhập dịch vụ công trực tuyến với hơn 93,7 triệu lượt truy cập.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 45% (tăng 28% so với năm 2023), trong đó khối bộ đạt 62,48%. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.475 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 70,8% tổng số thủ tục hành chính, đồng bộ hơn 382 triệu hồ sơ trạng thái xử lý, tăng 82,5 triệu so với năm 2023.

Nhiều địa phương đã đầu tư toàn diện, nâng cấp hạ tầng làm nền tảng cho chuyển đổi số. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Duy Anh cho biết, tỉnh đã nâng cấp, hoàn thiện 3.889 trạm BTS; thực hiện tắt sóng 2G, triển khai 47 trạm BTS 5G tại thành phố Việt Trì và một số huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã. Nhờ đó, 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 75% hồ sơ công việc tại cấp xã đã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, của quốc gia; 81,71% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ số hóa đạt 83,89%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 86,02%.

Thách thức trong chuyển đổi số

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, xây dựng nền hành chính số vẫn còn những hạn chế và thách thức ở cả ba phương diện kỹ thuật, con người và quy trình triển khai. Giao diện và trải nghiệm người dùng chưa được tối ưu, nhiều người dân vẫn chưa thể tự thực hiện thủ tục. Một số nhóm dân cư ở vùng nông thôn còn gặp khó khăn về internet và thiết bị truy cập.

Ngoài ra, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cũng là một thách thức lớn, do hệ thống lưu trữ nhiều dữ liệu cá nhân quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin.

Thực tế cho thấy, số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn chiếm tỷ lệ thấp trong số người sử dụng internet. Ðể có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến người dân cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính, có đường truyền internet và có khả năng, trình độ để sử dụng thành thạo thiết bị và dịch vụ công. Vì thế, dịch vụ công trực tuyến còn là lĩnh vực khó tiếp cận với đồng bào các địa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa chưa phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Năm 2024, UBND huyện Quảng Ðiền (thành phố Huế) tiếp nhận 7.418 hồ sơ, có 3.891 hồ sơ xử lý trực tuyến, đạt 52,46%, tuy nhiên còn gần một nửa vẫn phải giải quyết bằng văn bản giấy tờ.

Ðể đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần người dân, doanh nghiệp hơn, hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung đẩy mạnh cải cách, tái cấu trúc quy trình để nâng cao hơn nữa tỷ lệ công khai, minh bạch. Cùng với đó là nâng cao chất lượng trong xử lý các thủ tục hành chính và tìm kiếm thông tin trên cổng dịch vụ công.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm từ tháng 9/2024 đến cuối năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khuyến cáo các địa phương cần mạnh dạn áp dụng mô hình "Thí điểm - Lựa chọn thành công - Phổ cập" đối với những vấn đề mới, chưa có tiền lệ, như mô hình đại lý dịch vụ công của Hà Nội.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Facebook và TikTok cam kết tuân thủ quy định kiểm duyệt nội dung của EU

Facebook và TikTok cam kết tuân thủ quy định kiểm duyệt nội dung của EU

Ngày 13/2, Liên minh châu Âu (EU) thông báo các nền tảng kỹ thuật số gồm Facebook và TikTok đã cam kết tăng cường nỗ lực kiểm soát thông tin sai lệch theo bộ quy tắc ứng xử của khối vốn có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Tuy nhiên, mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk không tham gia cam kết này.

Khai thác dữ liệu số để kiến tạo giá trị mới trong giáo dục

Khai thác dữ liệu số để kiến tạo giá trị mới trong giáo dục

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, Lào Cai đã xác định giáo dục là lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng nền giáo dục mở trên nền tảng số. Kế hoạch này không chỉ phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mà còn đặt nền móng cho việc hình thành một xã hội học tập tại Lào Cai.

Tạo đột phá, tăng tốc trong chuyển đổi số năm 2025

Tạo đột phá, tăng tốc trong chuyển đổi số năm 2025

Chiều 6/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp  trực tuyến tới các tỉnh, thành trong cả nước.

Phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số

Phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số

“Tôi rất thích đọc sách, không chỉ là thư giãn, giải trí mà từ đó còn tìm ra những lời khuyên, tri thức mới áp dụng vào cuộc sống. Hiện nay bên cạnh những cuốn sách giấy, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh tải ứng dụng phù hợp là tôi có thể tranh thủ đọc sách điện tử ở bất cứ đâu”- Những chia sẻ này của một bạn đọc phần nào cho thấy, trong thời đại công nghệ số, văn hóa đọc ở nước ta vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, song đã có thay đổi ở phương thức tiếp cận.

fb yt zl tw