Tại cuộc họp, đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp, nhà xuất bản đã đề xuất cơ quan quản lý nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thiết bị IoT sử dụng sản phẩm chip của doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 0% với dịch vụ phần mềm…
Trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong chiến lược phát triển, Việt Nam chú trọng công nghiệp bán dẫn; phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam dùng chip bán dẫn của Việt Nam.
Về chính sách thuế VAT với dịch vụ phần mềm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông chủ trì họp với các hiệp hội, doanh nghiệp để cùng có những đánh giá cụ thể, xác đáng và báo cáo lãnh đạo Bộ…
Chia sẻ về bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh, khoa học công nghệ tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, vì vậy phải thay đổi quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất, tạo đà phát triển cho đất nước.
“Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi quan hệ sản xuất hơn là cách mạng về công nghệ (lực lượng sản xuất)”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng vì tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng trong mọi lĩnh vực; thay đổi căn bản công việc và cách thức hoạt động; thay đổi cách thức quản lý và vận hành của Chính phủ; tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra tài nguyên mới; tăng cường kết nối và toàn cầu hoá; thay đổi cách thức tiêu dùng và hành vi người dùng; tác động sâu sắc đến xã hội và văn hoá.
Về cơ hội chuyển đổi số, Việt Nam có khát vọng hùng cường, vươn lên. Chuyển đổi số giải được các bài toán lớn về năng suất lao động, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng…