Chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác chuyển đổi số quốc gia năm 2024 cho thấy, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với năm 2022.

Đây là lần đầu Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) ở mức “rất cao”. Thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội.

Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục chuyển đổi số hiệu quả và bứt phá, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, góp phần hướng tới mục tiêu thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số năm 2024 cho thấy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực triển khai phát triển hệ thống công nghệ thông tin và trở thành một trong những bộ, ngành đi đầu về xây dựng Chính phủ số.

Về hạ tầng số, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung; toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng, dữ liệu đều được quản lý, vận hành tập trung tại Trung tâm dữ liệu của ngành.

Triển khai 29 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, bảo đảm 100% nghiệp vụ của ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; đồng thời kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; hơn 621 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội thông qua cổng thông tin điện tử.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam duy trì và phát triển hoạt động của ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số cung cấp các dịch vụ công, công khai, minh bạch các thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; triển khai sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc từ 1/6/2021 và các thông tin, tiện ích khác.

Đến nay, toàn quốc có hơn 37 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt, trong đó có hơn 23,5 triệu tài khoản đã đăng nhập, sử dụng ứng dụng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Viettel đã phối hợp thí điểm tích hợp Trợ lý ảo vào Tổng đài Chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (1900.9068) để hỗ trợ người dân cấp lại mật khẩu tài khoản VssID. Phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID, Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 19,1 triệu lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập ứng dụng VssID, Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích người dân sử dụng chữ ký số thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ tiên phong trong việc triển khai tích hợp giải pháp ký số từ xa (Remote Signing) vào Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế và Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Với Remote Signing, người sử dụng không cần USB Token như ký số truyền thống, mà có thể sử dụng smartphone, máy tính bảng để thực hiện ký số, cho phép ký số mọi lúc, mọi nơi.

Về dữ liệu số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để làm giàu các cơ sở dữ liệu, phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, phối hợp Bộ Công an kết nối chia sẻ, xác thực, đồng bộ thông tin liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến nay, Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác thực hơn 99,8 triệu thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có hơn 89,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 99% tổng số người tham gia; phối hợp Văn phòng Chính phủ kết nối, cung cấp thông tin trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Theo thống kê trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang xếp vị trí thứ ba trong số các bộ, ngành với 80,37 điểm…

Trong cung cấp dịch vụ công trên môi trường số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 70 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức…

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích hợp 66 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 94,3% tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vượt 14,3% so với chỉ tiêu được giao tại Chỉ thị số 04/ CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2024, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 13 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 85,4 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động), chiếm 76,5% tổng số hồ sơ…

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn đạt được kết quả nổi bật khác trong hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, triển khai khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/ Căn cước công dân), với hơn 163,9 triệu lượt tra cứu thông tin thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Trong đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt tính riêng tại khu vực đô thị, đến hết năm 2024 có khoảng 80% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân (vượt 20% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/ QĐ-TTg).

Việc thực hiện chi chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân trên toàn quốc có sự phát triển vượt bậc, từ 40% (tháng 3/2024- thời điểm triển khai Quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an) lên 77,7% (tính đến ngày 30/12/2024). Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân cao như: Hà Nam (99,99%), Hà Tĩnh (99,5%), Hà Nội (99,2%), Hải Phòng (98,6%), Hưng Yên (97,1%),...

Năm 2025, nhằm triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục rà soát, cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số.

Tiếp tục làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, mở rộng việc kết nối, chia sẻ với các tổ chức, cá nhân theo quy định, trong đó, tập trung chia sẻ dữ liệu phục vụ triển khai các quy định của Luật Căn cước năm 2023; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thành công các nhiệm vụ thực hiện Đề án 06, bảo đảm tiến độ, chất lượng; Bám sát tiến độ, lộ trình triển khai Trung tâm Dữ liệu quốc gia để thực hiện việc di chuyển hạ tầng Trung tâm dữ liệu của ngành lên vùng dùng chung của Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo quy định.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Những đột phá mạnh mẽ của Nghị quyết 57

Những đột phá mạnh mẽ của Nghị quyết 57

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng Chuyển đổi số, lần đầu tiên tại Nghị quyết 57, khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí "đột phá quan trọng hàng đầu" với những mục tiêu cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.

Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Quyết định số 88/QĐ-BTTTT ngày 21/1/2025 ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhằm thúc đẩy môi trường mạng an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Bắc Hà: Quan tâm chuyển đổi số

Bắc Hà: Quan tâm chuyển đổi số

Với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, thời gian qua, huyện Bắc Hà đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số.

fb yt zl tw