LCĐT - Thời gian gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực từ phía các cơ quan chức năng cùng sự hưởng ứng của người dân, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Mường Khương đã có những chuyển biến tích cực, an toàn và hiệu quả hơn.
Là một trong những địa phương có diện tích lúa, ngô, đậu tương, chè, dứa… lớn của tỉnh nên lượng thuốc bảo vệ thực vật mà người dân huyện Mường Khương sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp mỗi năm không hề nhỏ. Trên địa bàn huyện hiện có hàng chục cửa hàng được cấp phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, ngoài ra, còn nhiều cá nhân ở các xã vùng sâu, vùng cao được cấp chứng chỉ hành nghề tại các chợ phiên.
Cầm trên tay chai thuốc trừ cỏ do Việt Nam sản xuất, với những dòng chữ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, anh Giàng Seo Chứ, thôn Sín Chải, xã Nậm Chảy chuẩn bị khá đầy đủ găng tay, ủng chân, khẩu trang, kính mắt… rồi khoác bình đi phun thuốc. Anh Chứ cho biết: Nhờ các chai thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam sản xuất mà tôi biết thực hiện quy trình sử dụng thuốc một cách khoa học, từ khâu pha chế đến phun rồi sau đó bỏ vỏ chai vào đúng bể quy định. “Trước đây, gia đình tôi và bà con trong thôn, trong xã hay dùng thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều khi chẳng biết liều lượng pha sao cho đúng. Giờ đây, dùng thuốc của Việt Nam sản xuất, mặc dù giá thành đắt hơn đôi chút nhưng giúp nâng cao hiệu quả rõ rệt và đảm bảo sức khỏe người phun, không ảnh hưởng đến môi trường…”.
![]() |
Người dân Mường Khương có ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. |
Với đặc thù là địa bàn biên giới, diện tích cây trồng như chuối, dứa, ngô... liên tục được mở rộng, những năm trước, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc thẩm lậu qua biên giới và bày bán tại các chợ phiên nhiều nên việc mua và sử dụng đều dễ dàng. Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành của huyện Mường Khương đã chủ động vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động người dân quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả nhất, theo phương châm 4 đúng: Đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng thời điểm; đúng cách. Đồng thời, có biện pháp xử lý mạnh với những trường hợp cố tình vận chuyển, buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật không trong danh mục cho phép sử dụng.
Nếu như trước đây, chợ phiên Cao Sơn và Pha Long là điểm nóng trong buôn bán thuốc bảo vệ thực vật lậu không rõ nguồn gốc, không trong danh mục cho phép thì nay, tình trạng này đã giảm hẳn, có chăng chỉ còn một số tiểu thương buôn bán lén lút.
Dẫn đầu về việc đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Mường Khương những năm qua là Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình. Để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công ty thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho các hộ sản xuất và cung ứng 100% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dùng cho chè; nghiêm cấm sử dụng thuốc diệt cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Những tấm biển “Không phun thuốc diệt cỏ cho chè” hay hòm thư góp ý để tố giác những hộ không chấp hành được đặt ở các điểm thu mua. Bất cứ hộ nào không chấp hành, cố ý sử dụng thuốc diệt cỏ, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng thu mua. Biện pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt.
Hiện nay, nhiều hộ đã có ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Anh Thào Chíu, thôn Sì Khà Lá, xã Tả Thàng cho biết: Gia đình tôi trồng hàng trăm cây chè cổ thụ, nhưng chưa từng bỏ một đồng nào để mua thuốc bảo vệ thực vật. Việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa giảm giá thành sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của huyện Mường Khương mới thu giữ được một số lượng nhỏ thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, việc phát hiện người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ giảm đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi khi người dân đã ý thức và không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ thì tình trạng buôn bán cũng không thể tồn tại.
Ông Phạm Xuân Thịnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Thuốc bảo vệ thực vật lậu nằm ngoài danh sách cho phép của Việt Nam rất độc. Phần lớn thuốc bảo vệ thực vật lậu có nhãn mác là chữ Trung Quốc, người dân khó nhận biết được nồng độ, cách pha chế, mức độ an toàn. Do vậy, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng đất, nước, không khí, sản phẩm nông nghiệp và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã giảm; nông dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và người tiêu dùng các sản phẩm nông sản. Qua đó, đã góp phần tạo nên một nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện.
Việc người dân Mường Khương đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một tín hiệu vui, tuy nhiên để duy trì bền vững thì rất cần có sự nỗ lực hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động người dân từ phía các cơ quan chức năng.