LCĐT - Năm 2007, Chi bộ thôn Hoàng Liên, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa được tách từ Chi bộ 3 Hoàng Liên (gồm thôn Séo Trung Hồ và thôn Hoàng Liên) với 4 đảng viên, trong đó 2 đảng viên được phân công từ xã về tham gia sinh hoạt. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, Chi bộ thôn Hoàng Liên đặc biệt coi trọng công tác phát triển đảng viên.
Chi bộ thôn Hoàng Liên đề ra nghị quyết mỗi năm kết nạp từ 1 đến 2 đảng viên, tuy nhiên, trong thực hiện gặp không ít khó khăn do đặc thù thôn vùng cao, dân cư không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị cho người dân rất hạn chế. Nhiều quần chúng ưu tú được chi bộ lựa chọn bồi dưỡng lại không đảm bảo yêu cầu về trình độ học vấn. Theo ông Chảo Vần Tình, Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Liên, bên cạnh những nguyên nhân trên, công tác phát triển đảng viên của chi bộ còn gặp khó khăn liên quan đến chính sách dân số, bởi đồng bào dân tộc thiểu số vẫn coi trọng việc sinh nhiều con.
Một nguyên nhân khác khiến công tác phát triển đảng viên của Chi bộ thôn Hoàng Liên gặp trở ngại là nhiều thanh niên sau khi học xong chương trình THPT có xu hướng đi làm việc xa nhà khiến nguồn kết nạp đảng viên bị hạn chế. Trước những khó khăn đó, Chi bộ thôn Hoàng Liên đã phân công các đảng viên chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng để họ hiểu hơn về Đảng, từ đó phấn đấu trở thành đảng viên. Chi bộ đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương. Do đó, công tác phát triển đảng viên ở thôn đã có chuyển biến rõ rệt. Một số thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đã ở lại quê hương phát triển kinh tế và được chi bộ định hướng, giới thiệu để bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Trường hợp của đoàn viên Chảo Láo Liều là một ví dụ. Năm nay mới 20 tuổi, trong cuộc sống, anh Liều luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương nên được Chi bộ thôn Hoàng Liên đưa vào danh sách nguồn để phát triển đảng viên. Tuy nhiên, cũng như nhiều thanh niên khác trong thôn, sau khi tốt nghiệp THPT, Chảo Láo Liều muốn thoát ly gia đình để tìm việc làm. Ngay khi nắm được tâm tư của quần chúng Chảo Láo Liều, chi bộ đã cử đảng viên đến gặp gỡ, phân tích để anh hiểu rằng ngay tại quê nhà cũng có thể phát triển kinh tế, làm giàu. Các đảng viên còn tư vấn và giúp đỡ anh phát triển kinh tế. “Trước sự nhiệt tình của các đảng viên trong chi bộ, tôi quyết định ở lại nhà phụ giúp bố mẹ chăn nuôi và trồng trọt. Được biết, chi bộ cũng đã lập danh sách và cử tôi đi học lớp cảm tình Đảng vào đầu năm tới” - anh Chảo Láo Liều tâm sự.
Bí thư Chi bộ Chảo Vần Tình cho biết thêm: “Chúng tôi còn dựa vào vai trò của người có uy tín trong các dòng họ để vận động thanh niên không sinh con thứ 3 trở lên, không tảo hôn, đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên phấn đấu, rèn luyện. Bên cạnh đó, muốn quần chúng tin và có chí hướng phấn đấu vào Đảng, bản thân các đảng viên trong chi bộ phải gương mẫu đi đầu từ phát triển kinh tế gia đình đến xây dựng đời sống văn hóa, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”.
Với quan điểm muốn giữ chân quần chúng ưu tú tại địa phương, trước hết phải giúp chính họ vươn lên phát triển kinh tế, có thu nhập khá để nâng cao chất lượng cuộc sống, chi bộ đã chủ động triển khai các phong trào thi đua phát triển kinh tế do tỉnh, huyện, xã phát động, đồng thời vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Nhờ đó, năm 2017, thôn Hoàng Liên có 8 hộ thoát nghèo, phấn đấu năm 2018 có thêm 10 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28%.
Nhờ chủ động triển khai nhiều giải pháp, những năm vừa qua, Chi bộ thôn Hoàng Liên luôn hoàn thành mục tiêu kết nạp đảng viên theo nghị quyết đề ra. Chi bộ hiện có 10 đảng viên, riêng năm 2018, chi bộ đã kết nạp thêm 2 quần chúng ưu tú vào Đảng và hoàn thiện hồ sơ cử 1 quần chúng đi học lớp đối tượng Đảng.