Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc từ quà vặt miễn phí
Mới đây, hàng chục học sinh Trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có triệu chứng đau đầu, đau bụng sau khi uống nước đóng chai được phát miễn phí ở khu vực gần cổng trường. Dù hiện nay sức khỏe của các em đã ổn định, song vụ việc một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về an toàn thực phẩm đối với học sinh, là lời cảnh báo về tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc được phát miễn phí tại cổng trường.
Đáng lo ngại hơn, trước đó đã xuất hiện một số trường hợp học sinh bị ngộ độc do ăn phải những loại bánh kẹo được bạn bè cho hoặc chào mời ăn thử miễn phí. Những loại bánh kẹo “lạ” này không chỉ có khả năng gây ngộ độc thực phẩm mà còn có thể chứa các chất gây nghiện. Trong thực tế, từng có chuyện 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hiện tượng đau đầu, buồn nôn sau khi ăn và phát cho nhau một loại kẹo lạ bán ở cổng trường. Hay vụ việc 29 học sinh tại Trường THCS và THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) có biểu hiện ngộ độc như đau bụng, buồn nôn sau khi ăn kẹo mua ở cổng trường.
Theo các chuyên gia y tế, cha mẹ nên giáo dục con không sử dụng các loại đồ ăn, thức uống lạ bởi những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc.
Hiểm họa từ thực phẩm có chứa chất gây nghiện
Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 5 tuổi vào viện vì ngộ độc ma túy thế hệ mới sau khi ăn một loại bánh được hàng xóm cho. Thời điểm nhập viện, bé bị suy hô hấp, phụ thuộc máy thở, hôn mê sâu, đồng tử giãn. Ghi nhận một trẻ khỏe mạnh nhưng đột ngột có các triệu chứng về rối loạn tri giác, co giật, nôn, kèm theo 2 trường hợp khác cùng nhà có triệu chứng tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn (chỉ có biểu hiện nôn) sau khi ăn cùng một loại bánh, các bác sĩ nghĩ tới khả năng ngộ độc thực phẩm có chứa chất gây nghiện. Gia đình cho biết, bánh mà các bé ăn là của người đàn ông cùng xóm trọ mang về sau bữa liên hoan ở công ty. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã gửi mẫu bánh đi xét nghiệm, kết quả cho thấy mẫu bánh chứa loại ma túy mới, còn được gọi là “sô cô la bay”.
Những năm vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô, bánh ngọt, bánh quy, kẹo, hút thuốc lá điện tử, thuốc lào... Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đã có nhiều bệnh nhân ngộ độc phải nhập viện do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát... Việc sử dụng thực phẩm chứa ma túy có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc tức thời như thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp..., thậm chí dẫn đến tử vong. Ngộ độc cần sa qua đường hít hay ăn uống có thể dẫn tới tình trạng giảm khả năng phối hợp động tác, giảm khả năng phán xét, gây ức chế thần kinh trung ương, rối loạn ý thức. Đặc biệt, trẻ em có thể bị hôn mê tới 36 giờ nếu sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt có chứa chất này”.
Ma túy tổng hợp tinh chất thường có giá cao, nhưng hiện nay đã xuất hiện nhiều loại không tinh chất có giá rất rẻ. Đối tượng xấu lôi kéo học sinh sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt giá rẻ hoặc miễn phí, sau đó trẻ sẽ dùng đến các sản phẩm đắt tiền hơn. Bởi vậy, nếu thấy trẻ ăn và mang về nhà các loại kẹo lạ, cha mẹ nên theo dõi biểu hiện của con như có ảo giác, kích thích hay trầm cảm, mệt mỏi, khó thở hay không để kịp thời đưa trẻ đi khám.
Để phòng tránh các vụ việc đáng tiếc, các trường học trên địa bàn thành phố đã tăng cường phối hợp với các bậc phụ huynh, giáo dục học sinh không ăn quà vặt ngoài cổng trường và tuyệt đối không nhận đồ ăn, đồ uống từ người lạ. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các nhà trường tuyên truyền để học sinh không sử dụng các sản phẩm được người lạ phát, tặng; nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để quản lý khu vực xung quanh cổng trường; tăng cường quản lý, chỉ đạo bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trường học.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng, phụ huynh học sinh hiểu rõ nguy cơ từ việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; khi có nghi ngờ sử dụng thực phẩm không an toàn thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tiếp tục tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học.
Về phía gia đình, phụ huynh cần hạn chế để con em mình sử dụng đồ ăn, quà vặt không rõ nguồn gốc được bày bán hay phát miễn phí trước cổng trường. Thay vào đó, cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến cho con em ăn uống ở nhà đầy đủ và có thể mang theo các đồ ăn nhẹ để sử dụng trong giờ nghỉ, giờ ra chơi.
Dạy trẻ biết cách từ chối
Ngoài nguy cơ ngộ độc, trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bắt cóc nếu sử dụng những loại bánh kẹo, quà vặt mà người lạ cho, tặng... Do đó, phụ huynh cần chú ý dạy trẻ cách “nói không” với việc sử dụng đồ ăn từ người không quen biết ngay từ lứa tuổi mẫu giáo.
Đầu tiên, cha mẹ cần dạy cho trẻ phân biệt người quen biết và người lạ, nhấn mạnh rằng trong số người không quen biết có thể có cả người tốt và người xấu. Các con cần đề phòng với người không quen biết, đặc biệt là những người muốn tiếp cận con nhằm mục đích không tốt. Nếu khó tìm ví dụ, cha mẹ có thể dẫn giải những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn để giúp trẻ hiểu và thực hiện theo lời dặn dò trong trường hợp ở một mình.
Khi được cho, tặng bánh kẹo, đồ uống..., các bé thích thú, tò mò và nóng lòng muốn nhận quà. Tuy nhiên, phụ huynh nên nhắc nhở thường xuyên rằng trẻ không được nhận quà từ người lạ nếu không được sự đồng ý của cha mẹ, thầy cô. Phụ huynh có thể dạy trẻ cách từ chối rằng “Bố mẹ cháu không cho phép cháu nhận quà”, nếu trong trường hợp người lạ đó vẫn cố bám theo và ép trẻ ăn các món bánh kẹo này thì trẻ cần biết kêu to và nhờ sự trợ giúp từ mọi người xung quanh.
Trẻ cần được dạy rằng những món quà do người lạ cho, tặng không thể đảm bảo rằng không có hại đối với bé. Các bé có thể ăn phải thực phẩm bị tẩm thuốc mê, chứa chất độc, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gây ngộ độc, thậm chí trẻ có thể trúng thuốc mê, bị bắt cóc, xâm hại...