Bệnh nhân Thào D. (sinh năm 2006) ở thôn Cán Cấu, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị ngày 23/6. Vùng bẹn trái của bệnh nhân có 1 vết đen kích thước 3mm không rõ đáy vết loét. Bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực đã chẩn đoán bệnh nhân bị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn chưa rõ đường vào, theo dõi sốt mò.
Theo lời kể của chồng bệnh nhân, bệnh nhân ở nhà đã xuất hiện đau bụng, sốt, mệt nhiều, chảy máu âm đạo. Người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương điều trị 1 ngày, sau đó được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh. Các bác sỹ đã tích cực điều trị đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì vận mạch, lọc máu liên tục thẩm tách, kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tĩnh mạch, truyền huyết tương tươi đông lạnh. Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao. Ngày 25/6, người nhà đã đưa bệnh nhân về nhà và đã tử vong.
Một bệnh nhân khác là bà Nguyễn Thị L. ở xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai, hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng bị sốc nhiễm khuẩn, sốt không đặc hiệu, viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm trùng huyết chưa xác định. Bệnh nhân cũng có một vết loét vùng nách trái đã bong vảy. Bệnh nhân hiện phải lọc máu, thở máy, tổn thương đa tạng, đang trong giai đoạn sốc, tiên lượng tử vong cao.
Biểu hiện chung của bệnh sốt mò là sốt cao liên tục, da xung huyết đỏ, tìm trên cơ thể ở vùng da mỏng, ẩm có thể thấy vết loét do mò đốt rất điển hình, thường nằm ở nách, bẹn, xung quanh cơ quan sinh dục… Lúc đầu như mụn nước, sau to ra, se lại đóng vảy đen, vảy bong để lại vết loét rất điển hình ở xung quanh hơi gồ, giữa lõm, có phủ lớp giả mạc trắng.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã tiếp nhận điều trị 1 số bệnh nhân nghi sốt mò. Như bệnh nhân Nghiêm Thị L. ở xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng nhập viện trong tình trạng sốt 39,3 độ, được người nhà đưa vào viện điều trị ngày 23/6. Được biết, nơi ở của bệnh nhân gần đồng, xung quanh cây cối rậm rạp, có nuôi nhiều gia súc, gia cầm. Trước đó 10 ngày, bệnh nhân đã xuất hiện sốt nóng 40 độ, tự mua thuốc kháng sinh uống nhưng không đỡ. Qua thăm khám, bác sỹ thấy vùng hông lưng bệnh nhân có 1 vết đốt kích thước khoảng 1cm, trên có vảy nâu đen, xung quanh nề đỏ. Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò, viêm phổi, viêm gan.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Thương, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Sau quá trình điều trị, hiện nay bệnh nhân đã cắt sốt. Chúng tôi khuyến cáo người dân khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân bị sốt mò đến viện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản với thuốc đặc trị. Tuy nhiên, bệnh sốt mò sẽ tương đối nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, tăng men gan, suy gan, viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, thậm chí tử vong do bệnh.
7 trường hợp bệnh nhân nghi sốt mò điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 3 trường hợp có nốt loét đặc trưng. Sốt mò chủ yếu gặp ở vùng nông thôn, rừng núi (80,5%), hiếm ở thành thị. Bệnh xuất hiện ở nước ta quanh năm, chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4 - 5 đến tháng 9 - 10, đỉnh cao vào những tháng 6 - 7. Hiện nay, Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc đang vào mùa mưa, có thể phát sinh những trường hợp mới nghi bệnh.
Tại Lào Cai, bệnh sốt mò đã được ghi nhận tại huyện Si Ma Cai năm 2014 với 54 ca bệnh và năm 2015 có 21 ca.
Để chủ động phòng, chống bệnh sốt mò, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các trạm y tế xã tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm bệnh và tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh sốt mò cho người dân, đặc biệt là tại các xã có ca nghi bệnh.
Bác sỹ Mai Đại Thành, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh sốt mò thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, là bệnh truyền nhiễm cấp tính khó chẩn đoán, bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian là ấu trùng mò. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác. Sốt mò sẽ tạo nên những ổ dịch nhỏ, phân bố rải rác ở những nơi có nhiều bụi rậm và ẩm ướt như bìa rừng, các cánh rừng mới được khai hoang hoặc mới được trồng mới, vùng nương rẫy... Các loại ấu trùng mò này thường có các ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, chủ yếu là loài chuột, sóc, thỏ, các loài chim hoặc gia súc, gia cầm.
Cũng theo bác sỹ Mai Đại Thành, bệnh sốt mò khó nhận biết và hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh. Để phòng bệnh, người dân cần phát quang môi trường sống, thường xuyên vệ sinh và diệt côn trùng cho nơi ở; không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào. Khi vào rừng cần chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn; nên mặc quần áo kín đáo, đi giày cao cổ. Nếu người dân bị các nốt đốt lạ và sốt cao không rõ nguyên nhân cần đến các cơ sở y tế sớm để được bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.