Cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, Australia tiên phong bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến

Australia vừa trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Với bước đi được đánh giá là quyết liệt chưa từng có, Australia tiên phong trong việc siết chặt các quy định liên quan các nền tảng số nhằm bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến.

httpscloudfront-us-east-2images-859.jpg
Ảnh minh họa.

Theo dự luật mới được Quốc hội Australia thông qua, các tập đoàn công nghệ phải thực hiện những biện pháp phù hợp, hiệu quả để ngăn chặn người dùng chưa đủ 16 tuổi truy cập mạng xã hội. Các nền tảng có 12 tháng chuẩn bị trước khi luật chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2025.

Australia không phải nước duy nhất trên thế giới thắt chặt quyền truy cập của trẻ em vào các mạng xã hội. Pháp đã ban hành luật cấm trẻ dưới 15 tuổi sử dụng nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Na Uy, Ðức, Bỉ, Italia cũng giới hạn độ tuổi trẻ em đăng ký tài khoản trên mạng xã hội, kèm quy định có sự đồng ý của cha mẹ. Với việc đặt giới hạn độ tuổi cao là 16 tuổi và không chấp nhận ngoại lệ, Australia đã đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn bất cứ nước nào.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định, trách nhiệm thực thi quy định mới không phải là của cha mẹ hay trẻ em, mà của các nền tảng mạng xã hội. Nếu vi phạm, các tập đoàn công nghệ sẽ đối mặt mức phạt lên đến 49,5 triệu AUD. Giới chuyên gia cho rằng, các nền tảng nằm trong tầm ngắm của dự luật gồm Snapchat, TikTok, Facebook, Instagram, Reddit và X. Thượng nghị sĩ Maria Kovacic thuộc Ðảng Tự do Australia mô tả đây là bước ngoặt quan trọng, giúp nước này vạch giới hạn rõ ràng, để quyền lực và sức ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ lớn không vượt tầm kiểm soát.

Quyết định thông qua dự luật đáp ứng mối quan tâm lớn của xã hội Australia. Ủy ban an ninh mạng Australia cho biết, trẻ vị thành niên tại nước này dành trung bình 14,4 tiếng mỗi tuần cho mạng xã hội. Không thể phủ nhận mạng xã hội mang lại một số lợi ích cho trẻ em, như giải trí, cập nhật tin tức, duy trì kết nối với bạn bè, song cũng kéo theo những tác hại khôn lường. Sự phổ biến ngày càng rộng rãi đã vô tình biến mạng xã hội trở thành "vũ khí" của những kẻ bắt nạt, thành công cụ của những kẻ lừa đảo trực tuyến và là nguyên nhân gây lo âu, áp lực cho trẻ em.

Vì vậy, các bậc cha mẹ và cơ quan chức năng Australia ủng hộ kiểm soát chặt chẽ hơn việc trẻ em sử dụng mạng xã hội. Một cuộc khảo sát của YouGov vừa được công bố cho thấy, 77% số người được hỏi ủng hộ dự luật vừa được thông qua. Giáo sư Uri Gal tại Trường đại học Sydney (Australia) nhấn mạnh, giới hạn trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội là bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần của các em.

Tuy nhiên, Chính phủ Thủ tướng Anthony Albanese có thể đối mặt nhiều thách thức trong triển khai quy định mới. Ngay khi vừa được thông qua, dự luật đã vấp phải sự phản đối từ nhiều "ông lớn công nghệ". Mạng xã hội X nêu lo ngại về tác động của dự luật đối với quyền tự do ngôn luận. Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, cho rằng luật này được thông qua một cách vội vàng, chưa được cân nhắc thích hợp. Một số doanh nghiệp công nghệ cho rằng, dự luật thiếu thông tin quan trọng về cách thức triển khai.

Cho rằng dự luật chưa phải là giải pháp toàn diện để bảo vệ trẻ em, chuyên gia Katie Maskiell tại Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Australia cũng bày tỏ lo ngại trẻ có thể tìm cách "lách luật" và rơi vào "góc tối của internet" khi chuyển sang sử dụng những mạng xã hội bí mật, chưa được quản lý.

Bảo vệ trẻ em trước các mối nguy hiểm trên không gian mạng không chỉ là bài toán khó của riêng Australia mà với nhiều nước trên thế giới. Kết quả khảo sát của UNICEF tại 30 nước cho thấy, hơn 30% số trẻ em và thanh thiếu niên được khảo sát từng có những trải nghiệm tiêu cực trong môi trường trực tuyến, trong đó 20% số trẻ phải bỏ học vì bị bắt nạt trực tuyến.

Những quy định mới được Quốc hội Australia thông qua đặt ra tiêu chuẩn mới về trách nhiệm xã hội của các công ty công nghệ, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Australia trong nỗ lực thiết lập "tấm khiên" bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ từ môi trường trực tuyến.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hàn Quốc thanh tra toàn diện lĩnh vực hàng không sau vụ tai nạn máy bay Jeju Air

Hàn Quốc thanh tra toàn diện lĩnh vực hàng không sau vụ tai nạn máy bay Jeju Air

Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc hôm nay (13/1) cho biết, nước này có kế hoạch cải tạo cơ sở hạ tầng thiết bị định vị sân bay sau vụ tai nạn chết người của hãng hàng không Jeju Air vào tháng 12 vừa qua. Đây là một phần trong hoạt động thanh tra toàn diện lĩnh vực hàng không của nước này.

Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do thảm họa cháy rừng

Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do thảm họa cháy rừng

Thảm họa cháy rừng tại Mỹ đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ hôm qua (10/1) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại bang California để giải quyết những tác động về sức khỏe từ cháy rừng ở Los Angeles.

Mỹ tiến hành lễ tang cấp nhà nước cho cố Tổng thống Jimmy Carter

Mỹ tiến hành lễ tang cấp nhà nước cho cố Tổng thống Jimmy Carter

Lễ tang cấp nhà nước của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter diễn ra vào ngày 9/1 tại Nhà thờ Quốc gia Washington đã mang đến một khoảnh khắc đặc biệt khi các nhà lãnh đạo chính trị nước này tạm gác lại những bất đồng để cùng nhau tưởng nhớ vị Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ (từ năm 1977 đến năm 1981).

Châu Âu nói không với rượu bia trong "Tháng Một không cồn"

Châu Âu nói không với rượu bia trong "Tháng Một không cồn"

Trong 5 năm qua, người dân ở Pháp và một số nước châu Âu đã không còn xa lạ với “Tháng Một không cồn”, nhất là giới trẻ. Đây là một phong trào cộng đồng mang tính thử thách khuyến khích người tham gia phải tìm mọi cách để không tiếp cận bia rượu và các sản phẩm có cồn trong suốt tháng Một. Chỉ tính riêng “cuộc đua” năm ngoái, đã có tới 4,5 triệu người Pháp hưởng ứng phong trào này.

fb yt zl tw