Biển Đông tiếp tục là vấn đề được quan tâm tại Hội nghị ASEAN+3, EAS 5 và ARF 22

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 48 và các hội nghị liên quan, ngày 6-8 đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 22 (ARF 22).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị.

Tại ARF 22, các bộ trưởng nhất trí thời gian tới cần nâng cao vai trò của ARF trong xử lý các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ở khu vực; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, ứng phó thiên tai và cứu trợ nhân đạo; thông qua kế hoạch công tác và nhiều hoạt động của ARF trong thời gian tới.

Trước đó cùng ngày cũng đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS FMM-5). Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước quan tâm và trao đổi nhiều tại các hội nghị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thông tin về những diễn biến phức tạp hiện nay ở biển Đông, nhấn mạnh lập trường của Việt Nam và ASEAN về duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Phó Thủ tướng đề nghị các nước đối tác tiếp tục ủng hộ lập trường cùng các nỗ lực của ASEAN, và đóng góp tích cực, xây dựng cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và quan hệ hữu nghị ở khu vực.

Chiều tối cùng ngày đã diễn ra lễ bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 và các hội nghị liên quan với các đối tác.

* Thông cáo chung ASEAN quan ngại về tình hình Biển Đông

Các ngoại trưởng trong khối ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến trên biển Đông, trong đó có hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo, và kêu gọi các bên kiềm chế những hành động làm gia tăng tranh chấp.

Thông cáo chung của Hội nghị Các ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 48 cho hay các ngoại trưởng đã thảo luận các vấn đề về Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở khu vực này.

Thông cáo cũng "ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".

Các quan chức ngoại giao tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đảm bảo các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) về xây dựng lòng tin lẫn nhau, kiềm chế các hành động làm phức tạp và gia tăng các tranh chấp, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực.

"Các bên liên quan cần giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982", thông cáo viết.

Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Trước đó, tại Hội nghị Các quan chức Cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9 về thực hiện DOC, hai bên đã nhất trí tiến tới giai đoạn tham vấn tiếp theo và thương lượng cũng như giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến Bộ Quy tắc COC đang được đề xuất. Các ngoại trưởng cho hay các quan chức cấp cao sẽ tiếp tục triển khai và làm việc với Trung Quốc trong vấn đề này.

ASEAN cũng ghi nhận đề nghị của Indonesia về việc thiết lập đường dây nóng liên lạc ở cấp cao giữa chính phủ các nước thành viên và Trung Quốc nhằm xử lý những tình huống khẩn cấp.

AMM và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 4 đến 6/8, với sự tham gia của 27 quốc gia, gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và một số đối tác khác.

ASEAN đều ra thông cáo chung sau mỗi cuộc gặp thường niên của ngoại trưởng các nước trong khối. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao cho hay các nước đã tranh cãi gay gắt về nội dung hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trước khi đưa ra thông cáo chung trên. Ngay trước khi hội nghị ASEAN diễn ra, Trung Quốc đã tuyên bố không muốn đưa vấn đề biển Đông ra bàn luận. Nhưng nước chủ nhà Malaysia đã bác bỏ điều này.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng thuộc ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia. Hoạt động mở rộng các bãi đá trên biển Đông và xây dựng tiền đồn quân sự tại đây đang làm dấy lên lo ngại.

Mỹ cùng các quốc gia ASEAN đã kêu gọi dừng cải tạo đất và xây dựng cùng các hoạt động có vấn đề khác trên biển Đông. Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối thực hiện. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm qua nói hoạt động cải tạo đất ở 7 bãi đá trên biển Đông "đã dừng", nhưng nhiều người cho rằng Bắc Kinh dừng cải tạo để chuyển sang giai đoạn xây dựng ở các đảo nhân tạo này.

(Theo HNMO - VnExpress)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến công tác tại Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến công tác tại Brazil

Vào 20h ngày 7/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thành phố Rio de Janeiro, Cộng hoà Liên bang Brazil về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp các hoạt động dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hoà Liên bang Brazil.

fb yt zl tw