Phim xoay quanh câu chuyện của Thiện, người đàn ông đưa thi thể của chị dâu về quê sau khi chị qua đời trong một vụ tai nạn xe. Đồng thời, Thiện nhận trách nhiệm chăm sóc cháu trai là Đạo, may mắn sống sót thần kỳ sau vụ tai nạn, và phải lên đường tìm kiếm người anh trai biệt tăm tích đã lâu. Từ đây, khi lang thang trên những nẻo đường của nhiều vùng quê Việt Nam, Thiện trôi vào vòng xoáy giữa ảo và thực, tìm kiếm lẽ sống và đức tin của đời mình.
Nhận xét về bộ phim, tờ Screen Daily viết: “Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại đem đến nhiều câu hỏi và tạo ra những khoảnh khắc mà trong đó người xem phải suy ngẫm về những gì họ vừa được thấy”.
Screen Daily cho rằng, khả năng lắng nghe âm thanh từ thế giới tự nhiên, hứng thú với cái chết, niềm tin, sự siêu hình và luân hồi của đạo diễn Phạm Thiên Ân gợi nhớ đến các phim của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakulm, nhưng phim cũng gợi tới giọng điệu các tác phẩm của nhà làm phim Hy Lạp Theo Angelopoulos”.
Screen Daily nhận xét: “Đây là tác phẩm đầu tay đáng chú ý, mang màu sắc bí ẩn và hấp dẫn. Không có câu trả lời nào dễ dàng cho các câu hỏi về sự tồn tại, chỉ là khát vọng tìm kiếm chúng với một trái tim thiện lành và những ý định tốt đẹp”.
Tờ Screen Daily cũng đánh giá cao các cảnh quay của phim: “Nhà quay phim Đinh Duy Hưng (cũng là người hợp tác với Phạm Thiên Ân trong các phim ngắn của anh) làm việc rất ăn ý với đạo diễn. Trong phim có những khung cảnh tuyệt đẹp như cảnh rừng đêm, những thác nước đổ xuống, cây cối đung đưa trước gió hay những con tằm trong lồng với những chiếc kén tằm vàng rực rỡ”.
Tờ Variety nhận xét, bộ phim với độ dài 3 tiếng đầy thách thức, nhưng cũng gợi nhớ tới những tên tuổi lớn như Apichatpong Weerasethakul, Tsai Ming-liang (Thái Minh Lượng) hay thậm chí là Theo Angelopoulos, nhưng lại không gợi cảm giác là phim bắt nguồn từ họ”.
Variety cho rằng, “Bên trong vỏ kén vàng” nổi bật nhất tại chương trình Tuần lễ đạo diễn năm nay và nằm trong số các phim ra mắt thuận lợi nhất tại Cannes, phim hứa hẹn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà phân phối chuyên nghiệp.
Tờ International Cinephile Society nhận xét “Bên trong vỏ kén vàng” là một bộ phim “về sự vô thường của cuộc sống, niềm tin và những ký ức được hồi tưởng lại, sẽ mê hoặc những khán giả dám đầu tư cả thời gian và suy nghĩ của mình vào một câu chuyện siêu việt dần trở nên thần bí…”.
International Cinephile Society cho rằng, phim dài, có nhịp quay chậm rãi, nhiều đoạn không ngắt, cũng khá thử thách sự kiên nhẫn của khán giả. Cách quay chậm và kéo dài chính là dụng ý của đạo diễn để biểu đạt những gì đang diễn ra trong tinh thần của nhân vật chính.
Cine Europa nhận xét: “Tác phẩm của Phạm Thiên Ân gợi nhớ, hoặc lấy cảm hứng từ những tên tuổi lớn của điện ảnh khu vực Đông Á như Hong Sang-soo hay Bi Gan. Phim sử dụng những kỹ thuật khá mạo hiểm tạo cảm giác mất cân bằng trong quá trình của câu chuyện, mang lại cảm giác trôi dạt như trong giấc mơ, nhưng lại gợi lên sự tương tự như một mẩu bơ nhỏ phết mỏng trên một miếng bánh mì nướng lớn”.
Tờ Indie Wire nhận xét: “Đạo diễn Phạm Thiên Ân và DOP (Giám đốc hình ảnh) Đinh Duy Hưng dường như thích những cảnh quay dài xuyên suốt bộ phim. Một số cảnh quay tĩnh với góc rộng, dần dần biến hình trong một trình tự nhất định diễn ra trong thời gian thực; đi theo một nhân vật ở nơi khác ngoài góc nhìn ban đầu, đồng hành cùng họ trong hành trình đến một đích đến, trước khi họ và máy quay đứng yên thêm một lúc nữa”.
Tờ Indie Wire còn cho rằng, đây là thể loại phim rèn luyện người xem cách nhận biết dần dần và cuối cùng trở nên mất cảm giác về thời gian, đến mức gần như quên mất sự hiện diện của máy quay ngay cả khi nó đang chuyển động. Người xem có cảm giác đang ở trong cùng khung hình với Thiện. Thời gian của máy quay và thời gian của nhân vật quyện vào nhau một cách tự nhiên.
Và cuối cùng, Indie Wire cho rằng, dựa trên chất lượng của bộ phim đầu tay, Phạm Thiên Ân chắc chắn đã tìm thấy tiếng gọi thiêng liêng của riêng mình dành cho việc làm phim.
“Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân được trao giải Camera d'Or, giải thưởng dành cho phim đầu tay của đạo diễn mới xuất sắc nhất. Cách đây đúng 30 năm, đạo diễn Trần Anh Hùng cũng từng giành giải thưởng này với phim “Mùi đu đủ xanh”.