Lào Cai là một số trong những tỉnh dẫn đầu về số lượng di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tính đến hết năm 2023, Lào Cai có 40 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa đại diện cho nhân loại, 22 di tích - danh thắng cấp quốc gia, 33 di tích - danh thắng cấp tỉnh; 2 nghệ nhân của Lào Cai được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian nhân dân, 10 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; 1 Nghệ sỹ Nhân dân được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật với những tác phẩm được sáng tác, cải biên từ nhạc cụ, dân ca của các tộc tỉnh tỉnh Lào Cai. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh duy trì và tổ chức thường xuyên các lễ hội gắn với di tích, các lễ hội dân gian; các nghi thức truyền thống trong cộng đồng.
Tính đến hết năm 2023, Lào Cai có 40 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa đại diện cho nhân loại.
Di sản văn hóa đã trực tiếp trở thành các sản phẩm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã kích hoạt “vốn văn hóa” từ ẩm thực, nghề thủ công, di sản nông nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết, phát triển sản phẩm của địa phương; hoạt động du lịch cộng đồng đã làm sống dậy, lan tỏa các giá trị di sản ra cộng đồng; một số show thực cảnh khai thác chất liệu di sản văn hóa các tộc người và có sự tham gia biểu diễn thực tiếp của người dân như The Mong Show - Sa Pa lặng lẽ yêu, Vũ điệu dưới trăng, Nghiêng về bên nhau… được công chúng đón nhận, cho thấy thành công bước đầu trong việc xây dựng các sản phẩm văn hóa; vốn dân ca dân vũ được bảo tồn, phát huy và xây dựng thành những sản phẩm văn hóa phục vụ công chúng; hệ thống di tích lịch sử - văn hóa không chỉ là điểm giáo dục lịch sử mà còn là điểm du lịch thu hút du khách đến chiêm bái. Di sản văn hóa Lào Cai được phổ biến, quảng bá không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi thế giới thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, thu hút đầu tư vào Lào Cai, góp thêm tiếng nói về tình đoàn kết, hữu nghị giữa các tộc người, các quốc gia, dân tộc.
Thông qua việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ di sản văn hóa các cấp được trang bị thêm kiến thức chuyên ngành, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn, từ đó nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết của việc bảo vệ di sản văn hóa và vai trò của di sản văn hóa trong phát triển ở địa phương.
Các hoạt động gắn kết giữa di sản văn hóa với phát triển bền vững góp phần củng cố, gia tăng niềm tự hào, giúp các cộng đồng có nhận thức mới về giá trị di sản mà họ đang nắm giữ và thực hành. Niềm tự hào, nhận thức mới này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa, bởi nó là chất xúc tác để nhiều nhóm cộng đồng tham gia một cách chủ động, có ý nghĩa và tự nguyện để bảo vệ di sản văn hóa.
Tuy nhiên, trong triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững còn một số hạn chế. Cụ thể, ở một số địa phương, chỉ tập trung bảo tồn di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế là chủ yếu mà chưa làm nổi bật giá trị của di sản văn hóa trong việc gia tăng đoàn kết, ý thức dân tộc. Trong tiến trình phát triển có một số tác động thiếu tích cực đến các di sản văn hóa, vẫn còn hiện tượng thương mại hóa di sản, hành chính hóa di sản ở một số nơi. Có lúc, có nơi còn lúng túng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển bền vững đến đến hiện trạng: Loại bỏ những di sản không tham gia hoặc được xác định là không trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, giá trị vật chất; một số nơi “tận dụng”, khai thác di sản một cách ồ ạt dẫn đến hiện tượng khai thác di sản một cách quá đà.
Để khắc phục hạn chế, bất cập và đẩy mạnh bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững, bên cạnh việc quán triệt và nhất quán quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính chuyên ngành. Trong đó, từng bước thay đổi quan điểm, nhận thức về nội hàm khái niệm di sản văn hóa và khái niệm phát triển, khắc phục cách nhìn một chiều trong sử dụng nguồn tài nguyên di sản văn hóa. Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị, tính đa dạng của di sản văn hóa; giảm thiểu vấn đề “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” thương mại hóa, sân khấu hóa di sản; nhận thức đúng về vai trò của chủ thể di sản văn hóa, cộng đồng di sản trong tham gia và chia sẻ lợi ích. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sâu, rộng về di sản văn hóa và phát triển.
Vai trò của văn hóa được khẳng định “vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Di sản văn hóa không chỉ là sản phẩm của quá khứ mà còn là sản phẩm của đương đại và là sản phẩm của tương lai. Với sự đa dạng về di sản văn hóa của 25 nhóm tộc người, tỉnh Lào Cai có tiềm năng, lợi thế để phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững. Di sản văn hóa của các tộc người không chỉ tham gia vào việc phát triển kinh tế mà còn tạo dựng sự gắn kết và tương trợ xã hội; trao truyền tri thức địa phương một cách tự nhiên; định hình, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc tộc người. Đây là giá trị cốt lõi để tạo dựng một xã hội phát triển hài hòa, gắn kết và nhân văn.