Bảo Thắng ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi

LCĐT - Bảo Thắng có ngành chăn nuôi phát triển mạnh nhất tỉnh. Những năm qua, nhiều trang trại, gia trại đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, tổng đàn lợn trên địa bàn đạt khoảng 135.000 con, sản lượng gần 20.000 tấn, tập trung ở các xã Xuân Quang, Sơn Hà, Phong Niên; thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, giá trung bình khoảng 65.000 đồng/kg đến 68.000 đồng/kg thịt hơi. Tổng đàn gia cầm đạt gần 2 triệu, sản lượng gần 6.000 tấn, tập trung ở các xã Xuân Quang, Trì Quang, Phong Niên, Sơn Hải...; thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, giá bán tương đối ổn định.

Chăn nuôi tại Bảo Thắng đã phát triển thành vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung; sản xuất quy mô hộ gia đình giảm dần, thay vào đó là các trang trại, gia trại có quy mô chăn nuôi lớn. Toàn huyện hiện có hơn 200 trang trại quy mô vừa và nhỏ, 7 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, 1 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại được đổi mới về công tác quản lý, được đầu tư lớn hơn về quy mô, đa dạng hơn về sản phẩm; các tiến bộ khoa học, thiết bị, máy móc đã được đưa vào sản xuất.

Anh Phạm Văn Quyết, thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên vận hành hệ thống cho ăn tự động.
Anh Phạm Văn Quyết, thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên vận hành hệ thống cho ăn tự động.

Dù là trang trại nuôi gà nhưng trên diện tích vườn nuôi hơn 4 ha của gia đình anh Phạm Văn Quyết, thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên luôn văng vẳng những bản nhạc không lời du dương thường thấy ở quán café hoặc địa điểm thư giãn, giải trí. Anh Quyết có kinh nghiệm nuôi gà gần 10 năm, quy mô chăn nuôi ngày càng mở rộng. Bình quân mỗi năm, trang trại gà của anh cung cấp ra thị trường hơn 60.000 con gà thịt. Theo anh Quyết, cho gà nghe nhạc sẽ giúp gà giảm stress, không đuổi, mổ nhau. Đây là một trong những kỹ thuật chăn nuôi anh mới học hỏi được và ứng dụng vào trang trại của gia đình. Các công nghệ được anh tích lũy, tham khảo từ nhiều trang trại khác trên cả nước. Ngoài việc cho gà nghe nhạc, anh còn đầu tư hệ thống cho ăn, uống nước tự động, hệ thống quạt gió, tạo không gian thoải mái cho gà phát triển… Toàn bộ hệ thống lắp đặt tại 4 chuồng nuôi của trang trại có kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng.

Anh Quyết cho biết: Trước đây tôi phải vác từng bao cám đổ từng máng thức ăn cho gà, nhưng nay tôi chỉ cần ở nhà ấn nút điều khiển là thức ăn, nước uống sẽ được chia đều các máng ăn. Đầu tư hệ thống công nghệ cho ăn, uống tự động góp phần giảm một nửa số nhân công, gà cũng được cho ăn đều hơn nên lớn đều, kích thước và mẫu mã vì thế cũng đồng đều và đẹp hơn. Việc sử dụng máy móc vào chăn nuôi còn góp phần hạn chế sự tiếp súc của đàn vật nuôi với con người, giảm được sự lây lan dịch bệnh.

Nhiều trang trại trang bị hệ thống giám sát 24/24 giờ tại các chuồng nuôi.
Nhiều trang trại trang bị hệ thống giám sát 24/24 giờ tại các chuồng nuôi.

Tương tự, tại các trang trại chăn nuôi lớn, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy cho lợn, gà ăn tự động, hệ thống quạt gió, gắn camera giám sát, theo dõi vật nuôi, ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn… Việc đưa công nghệ chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngành chăn nuôi của huyện Bảo Thắng.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi, trang trại, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đây là tín hiệu thể hiện người chăn nuôi huyện Bảo Thắng đang từng bước áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, góp phần tăng năng suất chăn nuôi, giảm chi phí lao động, tăng lợi nhuận, đồng thời giảm được rủi ro từ dịch bệnh. Chúng tôi khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ chăn nuôi vào sản xuất, tạo đà cho ngành nông nghiệp ngày càng phát triển.      

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Bát Xát mở rộng mô hình rau hữu cơ

Bát Xát mở rộng mô hình rau hữu cơ

Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, mô hình trồng rau hữu cơ do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Từ mô hình điểm với cây rau bí, huyện đang từng bước mở rộng sang nhiều loại rau màu khác, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây chè dây

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây chè dây

Từng là cây mọc tự nhiên trong rừng, nay chè dây đã được người dân xã Nậm Pung (Bát Xát) đưa về trồng tại vườn nhà, bước đầu mang lại thu nhập ổn định. Nhờ sự hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm từ doanh nghiệp, cây chè dây đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho xã vùng cao này.

Chung tay thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn

Chung tay thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã huy động sự tham gia tích cực của người dân, qua đó từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp các địa phương giữ vững tiêu chí môi trường.

Cuộc cách mạng nông nghiệp ở Trạm Tấu

Cuộc cách mạng nông nghiệp ở Trạm Tấu

Nằm trong số 74 huyện nghèo của cả nước, Trạm Tấu từ lâu đã quen với những định danh như "vùng cao đặc biệt khó khăn". Thế nhưng, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trên những sườn núi, không phải bằng những dự án hoành tráng, mà bắt nguồn từ chính mảnh đất, từ việc đánh thức giá trị của những cây trồng bản địa.

fb yt zl tw