Lào Cai là một trong những tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại, trong năm 2023, qua việc lấy mẫu đầu chó toàn tỉnh gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương thực hiện xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút dại ở 5/9 huyện, thành phố, thị xã, trong đó huyện Bảo Thắng ghi nhận 2 ổ dịch trên đàn chó tại xã Phú Nhuận và Xuân Giao.
Hiện nay, các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Bảo Thắng đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp bị động vật nghi dại hoặc bị dại cắn, cào; tư vấn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh vết thương và tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh dại kịp thời. Đối với các trường hợp không đi tiêm phòng, cán bộ trạm y tế sẽ báo cáo chính quyền địa phương để có các biện pháp vận động, thuyết phục người dân thực hiện tiêm phòng, tránh để tử vong do dại.
Bên cạnh đó, cán bộ trạm y tế phối hợp chặt chẽ với nhân viên thú y và các ban ngành, đoàn thể, thôn, tổ dân phố trong thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tiêm phòng bệnh dại trên người và trên động vật để phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch dại trên động vật.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bảo Thắng cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức và hướng dẫn cách phòng, chống bệnh dại cho các hộ gia đình ở vùng trọng điểm, nguy cơ cao, đồng thời thực hiện truyền thông lồng ghép tại các trường học trên địa bàn. Tổ chức chiến dịch truyền thông dưới nhiều hình thức như trực tiếp hoặc qua các kênh đại chúng, loa truyền thanh cơ sở… đặc biệt vào thời điểm trước mùa nắng nóng, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cao về bệnh dại, khu vực có ổ dịch.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng sẽ tổ chức tập huấn các kỹ năng tư vấn, chỉ định và tiêm vắc-xin dại cho cán bộ y tế ở các xã, thị trấn; kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh dại; phân tích tình hình dịch tễ, xác định vùng, nhóm người có nguy cơ lây truyền bệnh dại; xử trí vết cắn, điều trị dự phòng cho người bị chó, mèo cắn, xử lý ổ dịch...
Người dân nuôi chó, mèo thực tiêm vắc-xin phòng bệnh dại đầy đủ và đúng lịch, không thả rông chó, mèo; nếu cho chó, mèo ra đường phải được đeo rọ mõm theo quy định; khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa tại nhà.