Chó dại gây hại ở Xuân Giao
Bà Chảo Thị Pham, dân tộc Dao, thôn Chành, xã Xuân Giao nuôi hai con chó. Ngày 15/9/2023, một con chó lạ tới nhà cắn hai con chó của gia đình nên gia chủ bắt lại.
Một tuần sau, ngày 23/9, con trai bà Pham là anh Hoàng Văn Trung, sinh năm 1996, bị con chó lạ cắn vào chân; tới ngày 26/9, chị gái của Trung là Phàn Thị Mấy lại bị chính con chó này tấn công; ngày 27/9, em trai của Mấy là Phàn Văn Đạt bị con chó này cắn, tới hôm sau nữa con chó này lăn ra chết. Mẫu bệnh phẩm được lấy đưa đi xét nghiệm, kết quả chó dương tính với vi-rút dại.
Sau sự việc, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các con của bà Pham đi tiêm phòng, riêng hai con chó của bà Pham được bắt đi tiêu hủy.
UBND xã Xuân Giao phối hợp với cơ quan thú y khẩn trương tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng trong khu vực và thống kê đàn chó để tiêm vắc-xin, đồng thời triển khai quyết liệt “5 không” là “không giấu dịch, không mua bán, giết mổ, không vận chuyển, không vứt xác gia súc mắc bệnh bừa bãi ra khỏi vùng dịch”.
Người dân trên địa bàn xã Xuân Giao cũng được yêu cầu nuôi nhốt chó, không để chó chạy rông hoặc bán chạy chó; cho chó ăn, uống đầy đủ và chó phải được đeo rọ mõm.
Mặc dù xã Xuân Giao chỉ đạo rất rốt ráo, triệt để, nhưng trên địa bàn vẫn liên tiếp xảy ra tình trạng người bị chó cắn. Điển hình tối 9/10, chị Đặng Thị Khé, sinh năm 1985, thôn Chành, trên đường nội thôn đi đón con đã bị một chó lạ chạy rông cắn vào chân, chị Khé sau đó đã phải đi tiêm phơi nhiễm phòng chống vi-rút dại.
Ngày 11/10, bà Cồ Thị Tuyết Thanh, sinh năm 1970, trú tại thôn Tân Lợi bị chó cắn, nghi chó mắc bệnh dại nên phải đi tiêm vắc-xin phơi nhiễm. Ngày 16/10, chị Đặng Thị Mây, trú tại Xuân Giao bị chó cắn, nghi chó dại nên sau đó chị phải đi tiêm vắc-xin phòng dại.
Làm thịt chó dại cũng phải tiêm vắc-xin
Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Bảo Thắng, ngày 16/5/2023, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương có kết luận với 3 mẫu bệnh phẩm trên chó lấy tại xã Phú Nhuận đều có kết quả dương tính với vi-rút bệnh dại chó.
Đó là còn con chó của bà Nguyễn Thị Kim, thôn Phú Hải III cắn gia chủ vào ngày 8/5, ngay sau đó chó có triệu chứng ốm, nôn, bỏ ăn, liệt chân rồi chết. Tiếp đó, ngày 14/5, tại thôn Đầu Nhuần, cháu Đặng Quốc Tr, sinh năm 2013 sang nhà hàng xóm chiwi thì bị chó cắn, sau đó chó có biểu hiện bỏ ăn, ốm và chết, gia đình đem tiêu huỷ. Cũng trong ngày này, cháu Triệu Văn D., sinh năm 2020, thôn Đầu Nhuần đến nhà bà nội là Đặng Thị Muồng cùng thôn và bị chó cắn, chó sau đó ốm và chết.
Một lệnh tạm dừng việc kinh doanh giết mổ chó trên địa bàn xã Phú Nhuận khi đó đã được chính quyền cơ sở phát đi kèm theo các biện pháp phòng dịch như phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch. Việc tiêm phòng dại cho đàn chó trên địa bàn cũng được thực hiện ráo riết, chỉ sau đó khoảng nửa tuần đã tiêm được 76,6% số đàn chó 2.480 con trên địa bàn.
Xã Phú Nhuận đã yêu cầu các hộ dân tăng cường quản lý, nuôi nhốt, theo dõi đàn chó. Lực lượng công an, dân quân xã được chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát thu giữ và xử lý các trường hợp chó thả rông, chó không đeo rọ mõm, xử lý các hộ bất hợp tác tiêm phòng vắc- xin dại cho vật nuôi theo quy định.
Thiếu kinh nghiệm phòng, tránh và chủ quan, lơ là
Một trong những biểu hiện rõ ràng của chó dại là chạy rông, trở nên hung hăng, tấn công chó khác và người, ngoài ra còn có dấu hiệu như đuôi cụp, bụng thóp, tiếng sủa khản đặc.
Con chó lạ đến nhà tấn công 2 chó của bà Chảo Mùi Pham, thôn Chành, xã Xuân Giao có đầy đủ triệu chứng như vậy nhưng do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng phòng, tránh, mà người nhà bà Pham vẫn bắt giữ chú chó lại.
Tôi hỏi anh Hoàng Văn Trung: “Vì sao bị chó lạ cắn mà vẫn giữ lại để nó cắn thêm 2 người khác?”. Trả lời: “Để xem nó có biểu hiện nghi dại nào khác không?”. Chú chó lạ bị gia đình bà Pham giữ lại sau gần 2 tuần, cắn 3 người rồi chó ốm và chết. Mấy ngày sau khi có kết quả xác định chó bị nhiễm vi rút dại thì các con của bà Pham mới đi tiêm phơi nhiễm vắc xin phòng dại.
Người bị chó cắn nặng nhất là Phàn Thị Mấy kể lại: “Lúc đi lại gần nó đớp vào bắp chân không chịu nhả ra, mình dùng tay gỡ thì bị cắn thêm 2 miếng vào tay. Biết chắc con chó dại mình mới đi tiêm, từ lúc chó cắn đến lúc tiêm phòng cách nhau 8 ngày”.
Còn tại xã Phú Nhuận, con chó bị ốm chết (sau khi cắn bé 3 tuổi là cháu Triệu Văn D.), thay vì tiêu hủy con chó có dấu hiệu bị bệnh dại thì người trong gia đình, xóm giềng lại tổ chức mổ thịt chó, 7 người trong đó trực tiếp mổ chó đã được khuyến cáo đi tiêm phơi nhiễm ngừa bệnh dại.
Báo động tình trạng chó cắn người
Trong 4 tháng xuất hiện 2 ổ dịch bệnh dại trên chó, nhiều biện pháp hạn chế đã được triển khai tại Bảo Thắng nhưng không vì thế mà số ca bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại giảm đi.
Xem sổ theo dõi tiêm phòng dại của Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng từ ngày 16/10 về trước chúng tôi ghi nhận thông tin từ đầu tháng 10 đã có 10 trường hợp tại các xã Xuân Giao, Phú Nhuận, Xuân Quang, Phong Niên, thị trấn Tằng Loỏng và thị trấn Phố Lu bị chó cắn, nhiều người phải đi tiêm phòng dại.
Trước đó, từ ngày 20 đến 28/9, có 9 trường hợp bị chó cắn phải đi tiêm phòng bệnh dại...
Tổng hợp của Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng, từ đầu năm đến ngày 17/10, huyện Bảo Thắng có 280 trường hợp, tính trung bình mỗi ngày huyện Bảo Thắng có 0,9 người bị chó cắn phải đi tiêm phơi nhiễm phòng dại. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng, nhờ tiêm phòng vắc-xin đầy đủ nên từ khá lâu trên địa bàn không có trường hợp tử vong do vì bệnh dại.
Tuy nhiên, thói quen thả rông chó, đặc biệt là ở vùng nông thôn tại huyện Bảo Thắng vẫn là rất phổ biến trong khi tỷ lệ chó tiêm phòng trên thực tế (điều tra của phóng viên) còn khá thấp nên nguy cơ lây lan bệnh dại và số ca bị chó nghi dại cắn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong nhiều năm qua.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Nguyễn Thị Thanh Huyền, để người dân, nhất là các hộ nuôi chó, nuôi nhiều chó chuyển sang nhốt giữ, xích chó, hợp tác tiêm phòng bệnh cho chó rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của đội ngũ cán bộ cơ sở và cấp ủy, chính quyền cấp xã.