
Sâu kèn phát sinh gây hại chủ yếu trên diện tích quế từ 3 - 5 năm tuổi, với mật độ trung bình 50 con/cây, cao 80 con/cây, cục bộ 150 con/cây.
Sâu kèn gây hại làm lá bị những đốm khô và thủng, mất khả năng quang hợp, cây trở nên còi cọc. Sâu non (tuổi 1 đến tuổi 3) chỉ ăn lớp biểu bì của lá, các tuổi sau ăn lá thành các lỗ hoặc ăn hết lá chỉ để lại gân. Tại những nơi mật độ sâu cao sẽ ăn trụi lá cây, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ làm cho cây chết.

Ngay sau khi phát hiện sâu kèn gây hại trên cây quế, huyện Bảo Thắng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã đi kiểm tra thực địa các vùng trồng quế, khoanh vùng diện tích quế bị sâu kèn và mật độ sâu để khuyến cáo người dân các biện pháp phòng trừ, không để lây lan ra diện rộng.
Theo đó, chủ rừng cần tập trung phát dọn thực bì, vệ sinh đồi trồng quế, thu gom các cành bị nặng mang ra khỏi khu vực đồi quế.
Với những diện tích nhiễm nhẹ, hái túi kèn bằng phương pháp thủ công (ở những nơi có mật độ thấp, tuổi cây nhỏ), tập trung đốt, giết sâu khi còn nhỏ. Sử dụng vòng dính, vòng độc để ngăn chặn sâu trong quá trình di chuyển qua lại giữa gốc và tán cây, nhất là các khu vực không thể sử dụng thuốc trừ sâu.


Với diện tích nhiễm nặng cần sử dụng thuốc trừ sâu sinh học có hoạt chất Abamectin để phun khi mật độ sâu cao, tuổi sâu non. Nhân dân cần chú ý trồng đúng mật độ, tỉa thưa hợp lý đảm bảo độ thông thoáng cho rừng quế.
Dự báo trong thời gian tới thời tiết có nhiều biến động, mưa ẩm và nhiệt độ tăng là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh tiếp tục phát triển gây hại trên diện rộng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu kèn gây ra, Nhân dân cần chủ động kiểm tra rừng quế, phát hiện sớm, khoanh vùng và phòng trừ kịp thời.