Ngày 20/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về Chương trình thực tập kỹ năng dành cho các doanh nghiệp phái cử Việt Nam.
Lao động Việt chiếm 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến nay, trong hơn 30 năm qua, đã có hơn 400 nghìn thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng.
Từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh, từ 10.200 thực tập sinh năm 2013 lên 82.700 năm 2019 (trước dịch Covid-19), tăng hơn 8 lần. Riêng năm 2022, có gần 68 nghìn thực tập sinh, và 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 40.400 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.
Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Hiện có hơn 200 nghìn thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm khoảng 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản.
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Theo ông Phạm Viết Hương, đây là kết quả rất tích cực, thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.
Hiện có hơn 200 nghìn thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại nước này. Số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản cũng chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.
Trong đó, thực tập sinh Việt Nam nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của phía Nhật Bản về tính cần cù, ham học hỏi, tình cảm yêu quý đất nước và con người, văn hóa Nhật Bản, sự khéo léo, thông minh…
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp phái cử Việt Nam trong việc tích cực và chủ động xây dựng quy trình tuyển chọn ứng viên, nâng cấp cơ sở đào tạo, đổi mới giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo cho ứng viên để đáp ứng yêu cầu của các xí nghiệp tiếp nhận.
Bên cạnh hầu hết các doanh nghiệp phái cử đầu tư bài bản, tuân thủ luật pháp Việt Nam và Nhật Bản, chú trọng nâng cao chất lượng và tổ chức quản lý, hỗ trợ thực tập sinh có hiệu quả thì có một số doanh nghiệp hoạt động yếu kém, vi phạm pháp luật hai nước.
Ông Phạm Viết Hương nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao hiệu quả của chương trình này mang lại và kiên quyết có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp phái cử vi phạm.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng nêu thực trạng bên cạnh những kết quả đạt được, chế độ thực tập kỹ năng bắt đầu từ năm 1993 đến nay cũng bộc lộ một số hạn chế, như thực tập sinh chỉ nhận mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp như lao động Nhật Bản, nhiều trường hợp điều kiện lao động không được bảo đảm, thu nhập chưa cao, thực tập sinh không được chuyển nơi làm việc dù công việc không phù hợp, chủ sử dụng lao động đối xử không tốt…
Vì vậy, hiện nay các cơ quan liên quan của Nhật Bản đang xem xét sửa đổi Chương trình thực tập kỹ năng. Phía Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc phía Nhật Bản triển khai việc xem xét sửa đổi quy định liên quan đến chương trình tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài đến Nhật Bản.
Phó Cục trưởng Phạm Viết Hương nhấn mạnh, là quốc gia phái cử nhiều thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản, phía Việt Nam sẵn sàng phối hợp, tích cực đóng góp ý kiến để phía Nhật Bản tham khảo trong quá trình sửa đổi chính sách.
Bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam
Ông Phạm Viết Hương cũng nêu lên một thực tế còn tồn tại đó là cùng với việc số lượng thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản tăng mạnh, tình trạng thực tập sinh bỏ trốn khỏi nơi thực tập, cư trú, làm việc bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Nhật Bản mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Theo Phó Cục trưởng Phạm Viết Hương, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do một số doanh nghiệp phái cử chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, phái cử và quản lý thực tập sinh, trong khi một số nghiệp đoàn Nhật Bản không thực hiện đúng quy định pháp luật hai nước, tạo ra gánh nặng chi phí cho thực tập sinh.
Bên cạnh đó, một số xí nghiệp tiếp nhận thực tập sinh có điều kiện, môi trường làm việc chưa tốt như công việc nặng nhọc nhưng thu nhập không cao, bố trí thực tập không đúng với ngành nghề, địa điểm đã đăng ký…
Một số thực tập sinh phải trả chi phí cao hơn nhiều so với quy định, hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nên một số thực tập sinh Việt Nam bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt, trả tiền thuê nhà…
Ngoài ra, việc đồng Yên Nhật thời gian qua bị mất giá đáng kể cũng khiến cho thu nhập thực tế của thực tập sinh tại Nhật Bản giảm nhiều, trong khi thực tập sinh cư trú bất hợp pháp khi làm việc tại các xí nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ không phải đóng các khoản thuế cư trú, thuế thu nhập và các khoản bảo hiểm nên thu nhập cao hơn so với thực tập sinh làm việc theo hợp đồng.
Theo đại diện của Công ty phái cử TFVN Group, tình trạng thực tập sinh bỏ trốn cũng có một phần nguyên nhân là do vẫn có các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận và đãi ngộ tốt nên thực tập sinh mới ở lại bất hợp pháp sau 3 năm kết thúc hợp đồng.
Do đó, doanh nghiệp này cho rằng, phía Nhật Bản cần có các chế tài mạnh hơn để xử lý vấn đề này, vì nếu để thực tập sinh bỏ trốn, doanh nghiệp phái cử Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nghiệp đoàn lao động Nhật Bản dừng hợp tác.
Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, ông Ando Kentaro, đại diện Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản cho biết, cơ quan quản lý Nhật Bản đã có các cơ chế quản lý doanh nghiệp tiếp nhận bất hợp pháp các thực tập sinh bỏ trốn.
Theo quy định, khi tiếp nhận lao động nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan chức năng để đối chiếu các thông tin về người đó. Đối với người nước ngoài khi làm việc tại Nhật Bản đều có thẻ cư trú. Các doanh nghiệp tiếp nhận người nước ngoài cũng phải quản lý nghiêm ngặt nhân sự của mình thông qua thông tin trên thẻ này.
Ông Ando Kentaro cũng thông tin, đối với doanh nghiệp tiếp nhận thực tập sinh bỏ trốn sẽ bị xử lý hình sự và có thể bị phạt tù 1 năm, và đây là chế tài hết sức nghiêm khắc với các doanh nghiệp này.
Cho rằng các nghiệp đoàn quản lý lao động phía Nhật Bản hiện nay chưa làm tốt việc ngăn ngừa, bảo vệ quyền lợi của thực tập sinh trong trường hợp người lao động bị xâm hại và điều kiện lao động không tốt, ông Kaneko Ryutaro, đại diện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nêu rõ, quá trình xem xét sửa đổi Chương trình thực tập kỹ năng cũng đang tập trung khắc phục vấn đề này.
Theo đó, cần các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cả cho doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tiếp nhận lao động theo hướng bổ sung thêm đối tượng được điều chỉnh, cũng như xây dựng các kỹ năng ngành nghề, nâng cao tính minh bạch và khả năng dự báo của các đoàn thể, hiệp hội sử dụng lao động và cơ quan hữu quan.
Ông Kaneko Ryutaro cho biết, phía Nhật Bản cũng sẽ xem xét sửa đổi, quy định chặt chẽ hơn các nghiệp đoàn theo hướng bảo đảm độc lập và trung lập, tách khỏi các doanh nghiệp, đồng thời quy định khắt khe hơn về các điều kiện hỗ trợ thực tập sinh.
Ngoài ra, Cơ quan Quản lý thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (OTIT) cũng đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ thực tập sinh và sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để phát huy hơn nữa chức năng này.
Đồng thời, để tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp phái cử, phía Nhật Bản cũng sẽ xem xét có văn bản hợp tác song phương với các nước có thực tập sinh về cơ chế phối hợp thực hiện có hiệu quả.