Nhà sử học Dương Trung Quốc: Phát triển văn hóa phải lấy con người làm trung tâm

Trong con người phải tìm thấy những mẫu hình con người tiên phong, con người đi trước một bước, con người dẫn dắt, con người có ảnh hưởng xã hội tạo ra những mẫu hình để phát triển.

Ngày 24/11 tới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra sau 75 năm hội nghị lần đầu tiên mang tầm vóc lớn, là dịp nhìn lại thành tựu 35 năm sau đổi mới và xác định kim chỉ nam để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam thời đại mới. Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và nay đã có những chia sẻ với VOV.VN trước thềm Hội nghị.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Phát triển văn hóa phải lấy con người làm trung tâm ảnh 1
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

PV: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sắp diễn ra được xem là một sự kiện hết sức quan trọng, nhất là khi đặt trong bối cảnh văn hóa đang có nhiều vấn đề cần phải "chấn hưng", cải tổ. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Hội nghị sắp tới?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Có một thực tế rằng, trong suốt thời gian qua, chúng ta tập trung vào việc đổi mới, xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng rõ ràng có khoảng trống trong phát triển văn hóa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI năm 2014 cũng xác định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”… Vị trí văn hóa quan trọng như thế nào trong đời sống được nhận thức rất rõ. Nhưng nhận thức đó lại không đi vào thực tiễn đời sống.

Vì thế nảy sinh ra nhiều vấn đề phản cảm trong xã hội. Có thể lấy ví dụ ngay trong đại dịch COVID-19 lần này, trong hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh những giá trị tốt đẹp được lan tỏa như tinh thần đoàn kết, sẻ chia thì vẫn còn đó những tiêu cực liên quan đến việc làm từ thiện, hay chưa quan tâm đầy đủ đến đời sống của người lao động… Đó là những mảng tối khiến nhiều người băn khoăn.

Theo tôi, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này hết sức có ý nghĩa, một lần nữa khẳng định vị trí của văn hóa, nhưng quan trọng là làm sao để những kết quả của Hội nghị đi vào đời sống. Nếu không, từ nhận thức xã hội cho đến thực tiễn không theo kịp sự phát triển.

PV: Ông kỳ vọng gì ở Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Câu chuyện chúng ta đang bàn, ai cũng mong muốn mang lại hiệu quả, còn thực tế phải xem như thế nào. Chúng ta có nhiều Nghị quyết nhưng có thực hiện được không, có đi vào đời sống được hay không, đó là câu chuyện lớn nhất.

Người ta hay ví hội nghị sắp tới là hội nghị Diên Hồng. Nhưng hội nghị Diên Hồng năm xưa với ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, rất dễ nhất trí với nhau. Còn văn hóa không đơn giản như thế. Văn hóa thực chất có những lợi ích ở đây. Làm thế nào để có sự nhất trí. Nên điều quan trọng là chúng ta phải tìm được các giải pháp để hài hòa những lợi ích xã hội, đồng thời tạo ra được niềm tin thì mới thành công được, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa.

Chúng ta đã nói rất nhiều đến những giá trị xa xưa truyền thống bền vững hàng nghìn năm mà chúng ta rất trân trọng. Nhưng đứng trước những thay đổi của thời cuộc nó không thể như cũ được. Trên thực tế, đôi khi chúng ta phá cái cũ mà chưa xây cái mới được, tạo ra giá trị không chuẩn, thậm chí hỗn loạn dẫn đến tình trạng này.

Chính thực tiễn trong khi những lĩnh vực khác chúng ta đã đạt được những thành tựu tích cực thì nỗi lo lắng xã hội lại dồn vào văn hóa, gắn với văn hóa là giáo dục, là vấn đề con người, là chất lượng sống, và nó gắn với cái mà chúng ta vẫn thường nói về lý tưởng chính trị của chúng ta, về một xã hội công bằng, bình đẳng. Nếu Hội nghị lần này dẫn đến sự nhất trí về nhận thức, quan trọng nhất là có giải pháp tổ chức thực hiện thì mới có thể tạo ra được thay đổi tích cực.

PV: Theo ông, vì sao hiện nay khi các lĩnh vực khác đi lên, đạt được nhiều thành tựu còn văn hóa chưa phát triển tương xứng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng ta nhận thức đúng vị trí và vai trò của văn hóa, nhưng rõ ràng, văn hóa chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước. Có rất nhiều lý do, nhưng tôi nghĩ, lý do đơn giản là mọi vận động xã hội đều có một động lực bên trong. Tức là lợi ích giữa kinh tế - chính trị - văn hóa, thậm chí lợi ích giữa từng nhóm xã hội, lợi ích từng con người không hài hòa với nhau. Lẽ ra nó phải được điều chỉnh bởi luật pháp, nhưng hiện nay vẫn dựa trên những nguyên lý ứng xử trong đạo đức xã hội, những hệ thống giá trị nên không có hiệu quả, dẫn đến một thời kỳ phát triển một cách rất tự phát, thậm chí hỗn mang.

Tôi lấy ví dụ như việc từ thiện. Người dân có lòng trắc ẩn, có thể ủy thác nhiều tiền bạc, của cải để đóng góp cho việc thiện nguyện. Nhưng việc tổ chức thực hiện còn kém. Chúng ta rất muốn quy về một mối tổ chức bài bản. Nhưng ngay cả mối bài bản ấy vẫn nảy sinh không ít vấn đề, làm mất lòng tin của người dân. Rồi đến gửi gắm cho một số người có uy tín xã hội cũng nảy sinh nhiều chuyện. Rõ ràng xã hội đòi hỏi sự minh bạch.

Có rất nhiều vấn đề của đời sống cần được phân tích, để tìm ra được những giải pháp, xây dựng hệ thống giá trị chuẩn mực và có những điều chỉnh, điều tiết bằng chế tài, bằng pháp luật, có những cái điều chỉnh bằng dư luận xã hội. Quan trọng nhất vẫn là xây dựng được nền tảng đạo lý xã hội.

PV: Khi văn hóa được quan tâm, đầu tư, phát triển sẽ có tác động thế nào tới đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tới sự phát triển của đất nước?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Văn hóa ta hay nói là thượng tầng, nhưng thực ra nó cũng là một phần hạ tầng hiểu theo nghĩa nào đó. Khi ta nói văn hóa là nền tảng, là động lực hay mục tiêu thì rõ ràng nó là hạ tầng. Chúng ta có một nguyên lý rất phổ biến xưa kia là “phú quý sinh lễ nghĩa”. Điều đó không sai, phải có nền tảng kinh tế, đời sống vật chất tốt thì tinh thần đương nhiên được nâng cao. Nhưng rõ ràng thời đại ngày nay có những thay đổi. Đôi khi chính lễ nghĩa sinh ra phú quý. Chúng ta hay nói đến văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông, văn hóa mọi lĩnh vực. Cần phải tìm ra động lực và quy luật phát triển của lĩnh vực ấy mà đặt văn hóa, con người lên hàng đầu. Thước đo sự phát triển của văn hóa không phải tính bằng cộng trừ nhân chia mà chính là yếu tố con người, làm sao chất lượng sống con người ngày càng cao hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta ở trong một thế giới đầy những thử thách, rủi ro, kể cả cơ hội như ngày nay.

Nói văn hóa đặt ngang bằng với những lĩnh vực khác không thể hiểu như chia tài sản hay đầu tư ngang bằng nhau. Mà điều quan trọng là phải đặt vị thế của văn hóa tác động như thế nào đến các lĩnh vực đó. Người ta hay nói đến khái niệm hàm lượng văn hóa kể cả trong sản phẩm vật chất. Chính vì thế văn hóa trở thành nền tảng. Một sản phẩm có thể đạt doanh thu, lợi ích rất cao nhưng không có yếu tố văn hóa thì giá trị đấy không những người ta không công nhận, mà còn bằng âm. Trong giao dịch quốc tế hiện nay, giá trị văn hóa cũng rất được quan tâm. Tôi cho rằng, đó là sự phát triển tích cực của xã hội và chúng ta liệu có đáp ứng được hay không?

Chúng ta phải chấp nhận một sản phẩm văn hóa có thể mang lại ít lợi ích vật chất nhưng phù hợp với đạo lý xã hội, còn hơn là sự cạnh tranh đơn thuần mạnh thắng yếu thua. Phải tạo ra nhận thức xã hội thì mới phát triển hài hòa, phát triển một cách bền vững được.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của người dân trong công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa trong thời gian tới?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Người dân đóng vai trò quyết định. Văn hóa thể hiện trong người dân, trong cộng đồng. Mặc dù chúng ta rất tôn trọng cái riêng biệt, cái cá nhân, nhưng cuối cùng văn hóa là hiệu ứng cộng đồng chứ không phải số đông đơn giản. Trong văn hóa phải lấy con người làm trung tâm. Trong con người phải tìm thấy những mẫu hình con người tiên phong, con người đi trước một bước, con người dẫn dắt, con người có ảnh hưởng xã hội tạo ra những mẫu hình để phát triển.

Nhưng mẫu hình phải là sản phẩm tự nhiên chứ không phải sản phẩm nhào nặn. Lĩnh vực văn hóa đòi hỏi sự rất tinh tế, khác với kinh tế là bài toán cụ thể cộng trừ nhân chia ra kết quả. Bài toán đối với văn hóa không phải đơn giản thế. Ở đây phải đưa ra một số nguyên lý cơ bản.

Trở lại câu chuyện 75 năm trước, cái mà chúng ta đang lấy cảm hứng cho Hội nghị sắp tới, là phát biểu của Bác Hồ năm 1946: Đầu tiên phải nhận thức mục tiêu văn hóa là mang lại hạnh phúc cho người dân. Thứ 2, chúng ta có di sản truyền thống của một đất nước phương Đông, rồi chúng ta tiếp cận với các nước phương Tây, kể cả trong thời kỳ thuộc địa, vậy thái độ của chúng ta ứng xử như thế nào?

Nguyên lý được đưa ra là cái gì tốt nhất ta lấy. Xưa nay, trước sau cũng thế, cái gì tốt giữ lại, cái gì chưa tốt thì thay đổi. Thứ 3, Bác Hồ nói đến vai trò văn hóa với chính trị. Đừng ai nghĩ văn hóa không có chính trị, văn hóa phải gắn với chính trị. Chính trị quan trọng nhất là hiệu ứng và tâm lý con người, làm thay đổi con người, thay đổi hướng tới chống lại những cái xấu. Thời điểm cách đây 75 năm mới xây dựng chính quyền mới, một thể chế chính trị mới, những vấn đề đặt ra là chống tham nhũng, xa xỉ, chống lười biếng… rất gần với chúng ta hiện nay. Vì đó là vấn đề muôn thuở.

Cuối cùng, Bác Hồ cũng nói đến việc là phải đặt ngang bằng giữa văn hóa – kinh tế - chính trị và quan trọng là phải quan tâm đến thế hệ trẻ, phải mang lại những sản phẩm văn hóa cho thế hệ trẻ vì chúng là yếu tố tương lai, kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là câu nói của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và yếu tố chúng ta hay bàn là: soi đường như thế nào, có phải như đèn pha rọi thẳng tắp để con người chỉ việc bước đi? Không phải như vậy. Ánh sáng soi đường ở đây là bó đuốc chúng ta cầm trên tay để mình lựa chọn đường đi. Rõ ràng yếu tố lãnh đạo là quan trọng, nhưng phải giải phóng được năng lượng của con người. Con người sáng tạo ra văn hóa, thừa hưởng chính văn hóa của mình. Họ truyền lại cho thế hệ sau để thế hệ sau đi tiếp chứ không đơn giản là người làm sẵn con đường ta chỉ đi thôi.

PV: Xin cảm ơn ông!.

vov.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh

Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh

Tại Quảng trường 10/3, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, UBND thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024), tối 24/4.

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 24/4, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, Công ty Cổ phần Phim truyện I, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Để dân ca Nùng Dín vang mãi

Để dân ca Nùng Dín vang mãi

Từ “đốm lửa nhỏ”, thầy cô Trường Mầm non Nấm Lư (xã Nấm Lư, huyện Mường Khương) đã mời các nghệ nhân đến truyền dạy, thổi bùng “ngọn lửa” yêu thích dân ca Nùng Dín, để những mầm non tiếp nối, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống.

Độc đáo phòng trưng bày cổ vật Việt Nam tại bảo tàng Bỉ

Độc đáo phòng trưng bày cổ vật Việt Nam tại bảo tàng Bỉ

Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ (MRAH) là một điểm đến văn hóa hấp dẫn tại thủ đô Brussels. Nơi đây không chỉ lưu giữ kho tàng nghệ thuật và lịch sử phong phú của Bỉ mà còn trưng bày các hiện vật từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sức hút “Photo tour”

Sức hút “Photo tour”

Nhân dịp đón tuổi 25, Nguyễn Hoàng Linh (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) lựa chọn lên vùng cao Y Tý (Bát Xát) tham gia “Photo tour”, ghi lại kỷ niệm đẹp cho bản thân khi bước sang tuổi mới.

Bản anh hùng ca “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân”

Bản anh hùng ca “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân”

Bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bằng tiếng Việt và 5 ngoại ngữ, là một bản anh hùng ca về vị Đại tướng có công lao, cống hiến xuất sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt trong Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những độc giả trung thành của sách giấy

Những độc giả trung thành của sách giấy

Trước sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ 4.0, việc sách điện tử ra đời đã đáp ứng nhu cầu đọc, tìm và nghiên cứu tài liệu nhanh, đơn giản cho độc giả. Tuy vậy, sách giấy vẫn có những ưu điểm riêng, giữ một lượng độc giả nhất định.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa năm 2024

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa năm 2024

Sáng 19/4, tại Trường THCS Kim Đồng (thị xã Sa Pa), Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin, Phòng Giáo dục và đào tạo, Thị đoàn Sa Pa tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024, với chủ đề “Sách và Khát vọng phát triển”.

fb yt zl tw