Vui thôi, xin đừng vui quá! ảnh 1
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lo ngại thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân thủ đô đang bị "thách thức rất lớn" khi người dân đổ ra đường vào tối Trung thu.

Đêm Trung thu, độc giả cả nước đã được chứng kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng một Hà Nội như "ngày hội" với biển người chen lấn đổ về trung tâm thành phố và các khu vực công cộng vui Trung thu, trong đó không ít gia đình đưa theo cả con nhỏ. Trong khi F0 trong cộng đồng chưa ai tuyên bố hết, trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc xin mà đêm rằm đông vui như thế. Thật khó có thể nói trước điều tiếp theo sẽ là gì?

Trong chúng ta rất nhiều người đã có cảm giác “gai lạnh” khi nghĩ về Thủ đô vừa mới trải qua 2 tháng căng mình chống dịch, người dân phải chịu 4 đợt giãn cách với không ít sự bất tiện, khó khăn cả về vật chất và tinh thần mà chưa biết lúc nào chúng ta mới khắc phục hết. Phải chăng, nhiều người dân Thủ đô “nhanh quên” đến thế sau những ngày thực hiện Chỉ thị 16?

Điều đáng nói là ngay sau Chỉ thị 15, Chỉ thị 22/CT-UBND do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành có hiệu lực từ ngày 21/9/2021 vẫn nêu rất rõ: “Thành phố khuyến cáo người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Dừng hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng” - Chỉ thị là thế, nhưng có vẻ người dân chưa nhớ hay đã quên ngay trong ngày đầu thực hiện.

Chúng ta cứ tưởng tượng nếu trong số những người ra đường đêm Trung thu có người dương tính với COVID-19 thì bao nhiêu mồ hôi, công sức của hàng triệu con người lại trôi ra sông ra biển. Bởi khi đứng chen lấn nhau như vậy thì vi rút sẽ lây lan rất nhanh và khi đó ngành y tế sẽ rất khó thực hiện truy vết, vì không thể biết ai lây cho ai, ai tiếp xúc với ai. Và thế là con đường chống dịch phía trước tiếp tục nối dài với những tháng ngày phong tỏa và giãn cách! Nghĩ thôi đã thấy "oải". Bởi đó không chỉ là mất mát, đau thương về con người mà là sự sụt giảm của cả nền kinh tế, là đói no của hàng chục triệu con người, là tương lai của cả đất nước.

Mà chẳng cần nghĩ, bởi theo thông tin, ngay sáng 22/9, Hà Nội phát hiện 2 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng tại quận Hà Đông và trưa phát hiện thêm 1 ca. Điều này càng một lần nữa cho thấy F0 vẫn lẩn khuất đâu đó rất gần mỗi người. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào… Chúng ta chỉ có thể nín thở cầu cho điều đó không thành sự thật trong vài tuần tới, để thành phố có thể dần dần trở về trạng thái “bình thường mới” thay vì lại tăng cường mức độ, phong tỏa, giãn cách do xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng...

Điều đáng nói nữa là trong 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách, bên cạnh đa số những ý kiến đồng tình, ủng hộ thì vẫn có một số người đổ lỗi cho chính quyền không có những quyết định quyết liệt trong quá trình thực thi. Trong khi đó, cả Chính phủ lẫn thành phố Hà Nội xác định rất rõ ràng rằng: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trong phòng chống dịch COVID-19”. Và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại quan điểm: “Lấy người dân là “chiến sĩ”, trung tâm, chủ thể phòng, chống dịch”. Chính vì xác định rất rõ như thế nên chắc chắn thành quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân. Vì vậy, thật khó tưởng tượng về kết quả của công cuộc chống dịch khi ý thức của những “chiến sĩ” lại thích thỏa mãn thú vui của bản thân như trong đêm Trung thu vừa qua.

Cũng có người lý do rằng, Hà Nội đã hoàn thành việc tiêm phủ vắc xin mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và có thể tạm yên tâm với dịch. Tuy nhiên, cần ý thức rằng việc tiêm vắc xin chỉ giúp chúng ta hạn chế diễn biến nặng khi mắc COVID-19 chứ không phải hoàn toàn miễn nhiễm. Độ tiêm phủ mũi 1 cho người dân ở Hà Nội cũng mới chỉ được hoàn thành, cần có thời gian để cơ thể sinh miễn dịch.

Trong cuộc gặp các cơ quan báo chí ngày 20/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhiều lần nhấn mạnh rằng: Người dân không được chủ quan bởi mặc dù hiện nay Thành phố đã tiêm vắc xin mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thành phố vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới”, vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2…

Vì thế, trao đổi với báo chí việc người dân đổ ra đường đông nghịt vào tối Trung thu, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ, việc này đã thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và đặc biệt là đã không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch. Thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô đang bị "thách thức rất lớn".

Và rất mong những người đêm qua ra đường để cảm nhận không khí đêm Trung thu, để xả stress hay để “giải nén lò xo trong thời gian giãn cách”… sau những tháng ngày tù túng chỉ quanh quẩn trong nhà, xin mọi người hãy nhớ: Con em chúng ta vẫn đang phải ở nhà “ôm” cái máy tính, cái điện thoại để học từng con chữ, trong khi các con đang “thèm” được đến trường lắm rồi. Ai cũng có lý do ra đường “chính đáng” như đêm qua thì con đường đến trường của các cháu sẽ còn dài lắm, xa lắm!

Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan .Và vũ khí tốt nhất để chống lại nó chính là ý thức tuân thủ, là 5K. Vì vậy, mỗi người dù vui nhưng phải tự kiểm soát hành động của mình. Đó cũng chính là cách hiệu quả nhất, ít tổn thất nhất để giảm tải cho đội ngũ đang làm công tác chống dịch nơi tuyến đầu, giảm tải cho hệ thống y tế và các y bác sĩ và là cách duy nhất sớm đưa chúng ta tới giai đoạn “bình thường mới”./.