Nuôi giấc mơ làm giàu trên bãi nổi sông Hồng

LCĐT - Ít ai biết rằng, để có đàn bò gần trăm con trên bãi nổi giữa sông Hồng thuộc địa phận thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng ngày nay, 5 hộ nơi đây đã trải qua biết bao tháng ngày gian khổ, “tưới mồ hôi” lên đất, “đốt tiền” trên cỏ để xây ước mơ làm giàu.

Bãi nổi là phần đất bồi giữa sông Hồng nằm phía trên cầu Phố Lu (cũ) chừng vài trăm mét, ở đây cây cối, lau sậy xanh tốt quanh năm nhưng đôi khi ngập chìm trong những trận lũ lịch sử. Chẳng ai biết bãi nổi có từ bao giờ nhưng nơi đây đã trở thành khu vực canh tác, chăn thả gia súc của nhiều hộ ở tổ dân phố Phú Long 1. Bà Nguyễn Thị Dung từ thị xã Lào Cai (nay là thành phố Lào Cai) về sinh sống tại tổ dân phố Phú Long 1 từ năm 1979 đến nay cho biết: Khi tôi về đây, bãi nổi đã có ở đó với lau sậy, cây cỏ um tùm. Những năm đó, bãi nổi xa bờ, nước sông lớn, lại không có thuyền máy nên chẳng mấy ai đặt chân đến. Mãi sau này tôi mới đóng mảng, chèo sang bãi để chăn thả gia súc.

Bà Dung được coi là người đầu tiên ở Phú Long 1 “khởi nghiệp” bằng nghề nuôi gia súc trên bãi nổi với 1 cặp trâu trị giá 250 nghìn đồng (năm 1993). Thế nhưng, do loài trâu có bản tính ưa nước nên thường xuyên bơi vào bờ, phá hoại rau màu của bà con trong vùng, mỗi lần như vậy, bà Dung phải bỏ tiền đền người dân. Thêm việc trâu đẻ thưa, ăn tốn cỏ, chăn thả không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà đã tìm hiểu để chuyển sang nuôi bò sinh sản (năm 1997). Từ vài con bò ban đầu, dần dần bà Dung đã nhân lên thành đàn bò, thời điểm cao nhất, đàn bò của gia đình bà lên tới 27 con (năm 2003). Cứ khi nào cần tiền, bà Dung lại bán bớt bò, sau đó tích cóp tiền mua bổ sung hoặc chăm sóc để đàn bò sinh sản thêm bê. Nhờ nuôi bò, cuộc sống gia đình bà Dung khá lên trông thấy, trở thành gương sáng cho người dân trong vùng học tập và làm theo.

Đàn bò trị giá tiền tỷ của các hộ trên bãi giữa sông Hồng.
Đàn bò trị giá tiền tỷ của các hộ trên bãi giữa sông Hồng.

Bà Dung tâm sự: Tất cả tài sản của gia đình hiện nay như nhà ở, đất đai, đồ đạc có được đều nhờ chăn nuôi bò trên bãi nổi.

Thấy bà Dung chăn nuôi bò trên bãi nổi giữa sông hiệu quả, nhiều hộ ở tổ dân phố Phú Long 1 như các ông Nguyễn Văn Tiến, Vũ Văn Biên… cũng học theo. 9 năm trước, khi UBND thị trấn Phố Lu tổ chức đấu thầu thuê đất giữa bãi sông, bà Dung rủ thêm 3 hộ khác tham gia đấu thầu để làm bãi chăn thả gia súc. Từ đấy, những hộ này đã bỏ công sức, mồ hôi để dọn dẹp lau sậy, trồng cỏ voi bổ sung nguồn thức ăn cho đàn bò.

Theo chia sẻ của các hộ, việc nuôi bò trên bãi giữa sông rất thuận lợi vì nguồn cỏ dồi dào, bò sợ nước nên không về bờ phá hoa màu. Mỗi ngày, đàn bò gần trăm con trên bãi chỉ cần 1 người buổi sáng sang mở cửa chuồng, dọn dẹp chất thải, đến cuối giờ chiều, đàn bò tự kéo nhau về, thì 1 người lại sang đóng cửa chuồng. Khi nước sông có dấu hiệu dâng cao, các hộ lại cùng nhau qua bãi lùa bò về bờ. “Trước đây, khi chưa có thuyền lớn, mỗi khi lùa đàn bò về bờ là những người đi đường lại phải dừng lại xem cảnh tượng thú vị ấy. Nay các hộ đã đầu tư thuyền máy, việc chở bò về những ngày nước lớn cũng an toàn và dễ dàng hơn” - bà Dung chia sẻ.

Năm 2020, các hộ lại góp tiền đấu thầu thuê đất (25 triệu đồng/năm), đồng thời đầu tư 40 triệu đồng thuê máy xúc san gạt mặt bằng; góp tiền mua máy phát cỏ, máy cày bừa dọn cây dại lấy đất trồng cỏ; 26 triệu đồng mua thuyền lớn chở bò về bờ mỗi khi nước sông dâng cao; góp hàng chục triệu đồng kéo đường điện, mua máy thái cỏ cho bò… Cùng với tiền đầu tư, các hộ đã đổ xuống không biết bao nhiêu giọt mồ hôi chát mặn dưới cái nắng chói chang trong 40 ngày để có được mặt bằng hơn 4 ha sạch cỏ dại, phục vụ trồng cỏ và các loại cây trồng, hoa màu khác.

Theo quy tắc của các hộ, chỉ những người có công “khai khẩn” bãi giữa, đấu thầu thuê đất và con cháu của họ mới có quyền chăn thả gia súc và phát triển kinh tế ở đây.

Trường hợp đặc biệt nhất trên bãi giữa không phải những người có công “khai khẩn” được tham gia tổ chăn nuôi bò sinh sản là hộ anh Vũ Văn Lái, bởi hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều năm rong ruổi dọc sông Hồng với nghề chài lưới, những mẻ tôm, cá không đủ để anh Lái trang trải cho một gia đình nhỏ với mẹ già đau yếu, vợ ốm thường xuyên và các con ăn học, nên gia đình anh Lái vẫn không thể thoát khỏi diện hộ nghèo. Thấy hoàn cảnh anh Lái, bà Dung và các thành viên trong tổ đã bàn bạc, vận động anh tham gia nuôi bò trên bãi nổi để phát triển kinh tế mà không phải đóng góp tiền và công sức “khai khẩn” bãi nổi mà các hộ bỏ ra trước đây. Tháng 8/2020, anh Lái đã vay vốn ngân hàng và của người thân mua 2 cặp bò trị giá 80 triệu đồng về chăn thả chung với các hộ. Sau chưa đầy 1 năm, đàn bò của anh có thêm 2 con bê. Theo tính toán của anh Lái, đàn bò đến nay có giá thị trường lên đến 120 triệu đồng.

“Nhờ các hộ đi trước ưu ái, tôi được tham gia nuôi bò trên bãi nổi. 1 trong 2 con bê của cặp bò mua năm ngoái đã có thương lái trả 28 triệu đồng nhưng tôi chưa bán vì muốn nuôi thêm để được giá cao hơn. Hiện gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo, bây giờ chỉ mong có thêm tiền mua bò chăn thả” - anh Lái bộc bạch.

Sau khi anh Lái tham gia, tổ chăn nuôi bò sinh sản đã có 5 thành viên với tổng đàn bò gần 100 con. Theo nhẩm tính của anh Lái, bà Dung, trị giá đàn bò hiện tại trên bãi nổi khoảng 2 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ đối với những nông dân chân lấm tay bùn ở Phú Long 1. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi bò, các hộ trên bãi nổi còn tận dụng chất thải của gia súc để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, nuôi trùn quế làm thức ăn cho gia cầm, trồng hoa màu…

Nói về mô hình chăn thả bò trên bãi nổi sông Hồng của người dân tổ dân phố Phú Long 1, ông Đặng Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phố Lu cho biết: Mô hình nuôi bò sinh sản của người dân hiệu quả trông thấy, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu. Đàn bò được chăn thả tự nhiên và bổ sung cỏ trồng nên nguồn thức ăn dồi dào, bò khỏe mạnh, lớn nhanh. Việc kết hợp các hộ thành tổ, nhóm cũng giúp giảm công chăn thả và chăm sóc. Chúng tôi đang động viên các hộ lập dự án kết nối với các nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi để tiếp tục phát triển nuôi bò.

Chiều buông trên bãi giữa, đàn bò vàng nổi bật trên thảm cỏ xanh thong dong ra sông uống nước rồi trở về chuồng. Nhìn đàn bò béo mập lững thững bước dài trên bãi cỏ, gương mặt của những người dân sáng lên nụ cười, ánh mắt tràn đầy hy vọng về tương lai. Ngày qua ngày, đàn bò tiếp tục “nuôi ước mơ” làm giàu cho các hộ trên bãi nổi giữa sông Hồng.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thượng Hà (Bảo Yên): 10 ha rừng mỡ bị sâu ong ăn lá

Thượng Hà (Bảo Yên): 10 ha rừng mỡ bị sâu ong ăn lá

Qua kiểm tra thực tế tại đồi cây mỡ từ 3 - 6 năm tuổi, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện Bảo Yên phát hiện hiện tượng sâu ong ăn lá mỡ gây hại mật độ trung bình 50 con/cây, cao 100 con/cây, cục bộ trên 200 con/cây. Diện tích nhiễm là 10 ha, trong đó (nhẹ 5 ha, trung bình 4 ha và nặng 1 ha) tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên.

Livestream bán hàng: Thêm "lối ra" cho nông sản

Livestream bán hàng: Thêm "lối ra" cho nông sản

Thời điểm này, một số địa phương đã lên kế hoạch tiêu thụ nông sản trước khi vụ thu hoạch chính thức bắt đầu. Tìm đầu ra ổn định cho nông sản luôn là bài toán khó với không ít địa phương và bán hàng theo phương thức livetream là một trong những “lối ra” đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ nông sản Việt.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát

Diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình địa chính trị thế giới cùng với áp lực gia tăng tỷ giá, lạm phát trong nước và thực trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp là những yếu tố đang gây sức ép lớn cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội những quý còn lại của năm 2024.

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Lào Cai đạt hơn 468 triệu USD

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Lào Cai đạt hơn 468 triệu USD

Theo thông tin từ Cục Hải Quan Lào Cai, từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Lào Cai đạt hơn 468 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 308,5 triệu USD (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu đạt 159,6 triệu USD (tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2023).

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện mùa khô

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện mùa khô

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương xuyên suốt trong công tác bảo đảm cung ứng điện giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024 là yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan.

Đánh giá hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Lào Cai

Đánh giá hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Lào Cai

Chiều 23/4, Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai tổ chức giao ban với các tổ chức - chính trị xã hội trên địa bàn thành phố Lào Cai để đánh giá hoạt động ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2024.

Nhộn nhịp "sàn giao dịch" dứa Nậm Sưu

Nhộn nhịp "sàn giao dịch" dứa Nậm Sưu

Bản Phiệt (Bảo Thắng) là vùng trồng dứa lớn của Lào Cai nhưng ít ai biết đến điểm chuyên bán buôn mà người dân thường gọi vui là “sàn giao dịch” dứa tại thôn Nậm Sưu, đã hoạt động được hơn 10 năm. “Sàn giao dịch” họp từ 5 giờ thu hút nhiều tư thương đến trao đổi, mua bán. Mỗi ngày “sàn giao dịch” giúp nông dân địa phương tiêu thụ hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn dứa.

Bưu điện tỉnh khai trương gian hàng sản phẩm OCOP

Bưu điện tỉnh khai trương gian hàng sản phẩm OCOP

Sáng 23/4, Bưu điện tỉnh khai trương gian hàng giới thiệu và phân phối sản phẩm OCOP tại Bưu cục Cửa khẩu (Bưu điện thành phố Lào Cai). Đây là gian hàng đầu tiên trong chuỗi gian hàng sẽ được Bưu điện tỉnh triển khai nhằm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh.

Tập huấn kỹ năng tổ chức sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng

Bảo Yên: Tập huấn kỹ năng tổ chức sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng

Ngày 22/4, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức lớp tập huấn kỹ năng sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng cho gần 140 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân tiên tiến; chủ trang trại, tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện Bảo Yên.

fb yt zl tw