Những vùng chè “3 không”: Bỏ thì thương…

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Bài 1: Những điều trông thấy…

LCĐT - Trở lại với vùng chè “3 không” ở A Mú Sung (Bát Xát), có thể nói, nguyên nhân dẫn tới “không đốn tỉa, không chăm sóc, không thu hoạch” chính bởi “không có đầu ra”.

Bởi vậy, khi nói về những vấn đề cần giải quyết để kiến tạo vùng chè A Mú Sung, các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương đều cho rằng, cần có doanh nghiệp đủ lực tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trong sản xuất nông nghiệp, đầu ra luôn là vấn đề quyết định thành, bại của bất cứ sản phẩm hàng hóa nào. Trong khi đó, chè búp tươi khi doanh nghiệp không thu mua, việc tự sao, sấy, tiêu thụ nhỏ lẻ lại không đáng kể, nên đành bỏ không, công sức nhiều năm kiến tạo, vốn đầu tư của Nhà nước cũng vì thế bị bỏ không trên nương.

Bài 2: Vì đâu nên nỗi? ảnh 1
Nhiều diện tích chè tại A Mú Sung (Bát Xát) bị bỏ hoang nhiều năm, cao vượt đầu người.

Theo ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, Phó trưởng Ban Quản lý dự án chè của huyện Bát Xát, thời điểm người dân có chè thì doanh nghiệp không thu mua. Người dân kiến nghị lên xã, xã kiến nghị lên huyện, lên tỉnh, các đoàn kiểm tra đến kiểm tra thực tế thì doanh nghiệp ngay lập tức dán thông báo thu mua chè. Thế nhưng, sau khi đoàn kiểm tra rời đi, doanh nghiệp cũng “lặn mất tăm”, những tờ thông báo mua chè cứ dán chơ vơ ở đó, đợi gió thổi bay. Đã rất nhiều lần chính quyền xã hối thúc doanh nghiệp thu mua cho người dân nhưng khi người dân cần thì doanh nghiệp không thu mua, đến khi chè quá lứa, doanh nghiệp mới thông báo để người dân thu hái, thật nghịch lý.

Khi nói về vùng chè “3 không” tại A Mú Sung, nguyên nhân thường được nhắc đến là “người dân không mặn mà với cây chè”. Điều này gợi lại cho chúng tôi truyện ngụ ngôn “Cậu bé chăn cừu”. Nội dung kể về một cậu bé chăn cừu, sau 2 lần thông báo giả có sói tấn công đàn cừu, khiến người dân trong làng ùa tới giúp sức mà không thấy sói đâu. Đến lần thứ 3, khi có sói tới, cậu bé thông báo khắp nơi rằng có sói nhưng chẳng ai tin nữa. Tương tự như vậy, thật khó để trách người dân A Mú Sung không mặn mà với cây chè khi “niềm tin của người dân bị đánh cắp” tới 2 lần trồng chè theo vận động của doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Khi doanh nghiệp vào đầu tư, không khó tránh khỏi việc “nhìn giỏ bỏ thóc”. Khi chính quyền xã yêu cầu doanh nghiệp thu mua chè cho bà con, sau vài lần thu mua với sản lượng không đáng kể, doanh nghiệp đều nêu lý do vùng nguyên liệu không đủ để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với quy mô lớn. Bởi vậy, doanh nghiệp cho rằng, người dân không mạnh dạn đầu tư, không đủ nguyên liệu chế biến. Ngược lại, người dân cho rằng, doanh nghiệp không có chữ tín, nên không dám đặt niềm tin, không mạo hiểm đầu tư thâm canh chè.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, doanh nghiệp và người dân ở A Mú Sung đang chưa tìm được tiếng nói chung, cũng giống như cuộc tranh luận khó có hồi kết “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Doanh nghiệp thì mong muốn người dân có vùng nguyên liệu, sản lượng đủ lớn mới mạnh dạn đầu tư, trong khi người dân lại chờ đợi doanh nghiệp thu mua ổn định, đảm bảo đầu ra mới yên tâm mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, người dân cũng cần có trách nhiệm hơn với sự đầu tư của Nhà nước. Nhiều nơi, có thể cay đắng nói rằng, người dân “chôn chè” chứ không phải trồng chè khiến dự án không phát huy được hiệu quả.

Thế nhưng, đành rằng không có đầu ra khiến cây chè không phát huy được lợi thế, trên thực tế, nhiều vùng chè có đầu ra ổn định nhưng người dân cũng không còn mặn mà với cây chè nữa. Ví dụ như tại xã Tả Phời, việc thu mua chè búp tươi được Hợp tác xã (HTX) Sản xuất chế biến nông - lâm nghiệp Tả Phời (trước đây là Tổ hợp tác chế biến chè Tả Phời) đảm bảo. Hiện nay, HTX này đang thu mua chè búp tươi vụ xuân với giá 10 nghìn đồng/kg khi thu mua trên nương. Với những thôn ở xa, nếu người dân mang đến xưởng chế biến, HTX sẵn sàng hỗ trợ tiền xăng, thu mua với giá 12 nghìn đồng/kg, trong khi giá trung bình toàn tỉnh là 6 - 7 nghìn đồng/kg.

Ông Đinh Văn Hiệp, Phó Giám đốc HTX Sản xuất, chế biến Nông - lâm nghiệp Tả Phời cho biết: Chúng tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để đầu tư dây chuyền chế biến chè với mong muốn thu mua toàn bộ chè nguyên liệu trong khu vực. Dù giá thu mua đang ở mức cao nhưng sản lượng chè mua được không nhiều, không đáng kể so với công suất thiết kế. Có những diện tích chè bỏ không, cao ngang đầu người, chúng tôi rất tiếc, rất xót xa. HTX sẵn sàng trả giá cao, mong muốn người dân quay trở lại với cây chè.

Vừa bước sang vụ chè xuân, nương chè gia đình ông Chảo Vản Phấu và bà Lò Mán Mẩy, thôn Pèng bật những mầm xanh mơn mởn. Nương chè này là một trong những diện tích được chăm sóc tốt nhất của xã. Sang đầu vụ, một buổi sáng, bà Mẩy tranh thủ hái được hơn 10 kg chè búp tươi, bán cho HTX được hơn 100 nghìn đồng. Chè đang vào vụ nhưng cũng tới thời điểm trồng ngô xuân, bà Mẩy bỏ dở việc thu hái chè để ưu tiên trồng ngô. Mặc dù cây chè được chăm sóc tốt, đều đặn cho thu hoạch, gia đình bà Mẩy vẫn trồng xen hơn 100 cây quế lên nương chè. Bà Lò Mán Mẩy cho biết: Cây chè cho thu nhập ổn, tôi rất thích trồng chè, nhưng thấy người dân trong thôn, gia đình nào cũng trồng quế nên gia đình tôi cũng trồng thêm vào.

Bài 2: Vì đâu nên nỗi? ảnh 2
Hợp tác xã Sản xuất, chế biến Nông - lâm nghiệp Tả Phời đang thu mua với giá 10.000 đồng/kg chè búp tươi nhưng vẫn chưa đủ chè nguyên liệu theo công suất thiết kế.

Có thể nói, với người dân Tả Phời, cây chè không phải cây trồng chính, không mang lại thu nhập đủ hấp dẫn so với hình thức lao động khác, nên việc chăm sóc, thu hoạch chè không được ưu tiên. Theo ông Vi Hồng Liêu, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phời, nguyên nhân chính là do người dân muốn chuyển đổi sang trồng quế, nhiều hộ so sánh giữa công lao động đi làm thời vụ với trồng chè khiến cây chè không phải là cây được người dân ưu tiên chăm sóc.

Còn tại Bảo Yên, nơi cây quế đang trở thành “cơn sốt”, nhiều hộ trồng quế vào diện tích chè đã có với mong muốn có thêm thu nhập. Qua kiểm tra thực tế tại các xã Xuân Hòa và Lương Sơn, các cơ quan chuyên môn đã xác nhận có nhiều hộ trồng xen quế, trẩu vào nương chè, có những diện tích cây quế đã được trồng cách đây 5 năm với mật độ lên tới hàng nghìn cây/ha. Theo phản ánh của Công ty Chè Đại Hưng, tại xã Xuân Hòa, có tới 70% hộ trồng chè trồng quế vào giữa luống chè và một số hộ đã chặt bỏ chè để trồng quế. Việc trồng quế xen vào nương chè cũng được ghi nhận ở nhiều xã tại vùng chè huyện Bảo Yên.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phân tích: Nếu đầu tư thâm canh, chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, cây chè có thể cho sản lượng tới 12 - 14 tấn/ha/năm, thu nhập từ chè có thể lên tới 80 - 100 triệu đồng/ha. Thế nhưng, năng suất chè búp tươi trên địa bàn tỉnh đạt trung bình 7 tấn/ha/năm. Giá thu mua trung bình khoảng 7 nghìn đồng/kg. Diện tích chè chất lượng cao, chè hữu cơ năng suất sẽ thấp hơn nhưng giá bán cao hơn. Theo tính toán, với mỗi ha chè, mỗi năm người dân sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng. Nếu so với cây trồng truyền thống như cây ngô, cây sắn thì thu nhập từ chè cao gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên, nếu so với những cây trồng khác thì thu nhập từ cây chè chỉ ở mức trung bình khá.

Cũng theo ông Hùng, vấn đề lớn nhất mà cây chè tại những vùng chè “3 không” đang đối mặt chính là tổ chức sản xuất. Sản xuất không sát thực tế, chưa lấy người dân làm chủ thể, người dân chưa “thông” về cây chè, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, doanh nghiệp tại các vùng chè phải có năng lực đủ mạnh, tạo được niềm tin, chia sẻ lợi nhuận cho người dân thì cây chè mới có thể ổn định phát triển. Cây chè là cây có chu kỳ thu hoạch rất dài, thời gian kiến thiết mất khoảng 3 - 4 năm. Nếu không có doanh nghiệp thu mua, giá trị kinh tế ở mức khá, thì người dân sẽ không mặn mà với cây trồng này, dẫn đến việc cây chè mất dần vị thế so với những cây trồng khác.

----------------------------------------

Bài cuối: Không thể bỏ cây chè

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kiến tạo không gian phát triển mới

Kiến tạo không gian phát triển mới

Hợp nhất tỉnh Yên Bái và Lào Cai không chỉ là một quyết sách về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, mà còn là bước đi chiến lược nhằm kiến tạo một không gian phát triển mới, có quy mô lớn hơn, liên kết vùng sâu hơn, đồng thời tạo nên một cực tăng trưởng có tầm vóc tại vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trên 10 tỷ đồng thả cá bổ sung trên hồ Thác Bà

Trên 10 tỷ đồng thả cá bổ sung trên hồ Thác Bà

Với mục tiêu phát triển nguyên liệu gắn với bảo vệ môi trường, khai thác và liên kết tiêu thụ thủy sản, ngày 9/7, Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến Thủy sản Việt Nam tổ chức thả cá giống tại hồ Thác Bà, đợt 2 năm 2025.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ký kết ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ký kết ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Ngày 9/7, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị triển khai văn bản thỏa thuận và ký kết văn bản liên tịch về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách và triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2025.

Thành lập 2 tổ công tác hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

Sở Nông nghiệp và Môi trường: Thành lập 2 tổ công tác hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai Trần Minh Sáng đã ký quyết định thành lập 2 tổ công tác chuyên trách nhằm hỗ trợ 99 xã, phường trên địa bàn thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định mới.

fb yt zl tw