Những năm gần đây, hai tỉnh Yên Bái cũ và Lào Cai cũ đều coi quế là cây trồng chủ lực để có những định hướng chiến lược, đồng bộ chính sách phát triển theo hướng bền vững, liên kết chuỗi giá trị.

Giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái đã chuyển từ hình thức hỗ trợ cây giống để phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh sang hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị.
Hỗ trợ bao gồm: 100% chi phí đánh giá xác định vùng nguyên liệu, cơ chế hợp tác liên kết giữa cơ sở chế biến với hộ trồng quế và chính quyền địa phương, hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận; chi phí đánh giá cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; chi phí thiết kế mẫu và mua tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm; chứng nhận sản phẩm OCOP và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước… tổng kinh phí hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án.
Tỉnh Yên Bái cũ còn chọn được trên 50 cây đạt tiêu chuẩn, triển khai mô hình xây dựng quỹ đất để trồng cây giống trội được chọn từ vườn ươm nguồn hạt lấy từ cây trội để bảo tồn nguồn gen trội phát triển.

Tỉnh Lào Cai cũ cũng đã ban hành Nghị quyết số 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra các mục tiêu cụ thể về diện tích và giá trị sản xuất của cây quế đến các năm 2025, 2030 và 2050.
Hàng loạt chính sách của Trung ương, của tỉnh được ban hành và áp dụng lồng ghép để thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu quế bền vững như: hỗ trợ trồng quế sau đầu tư là 10 triệu đồng/ha; hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết giá trị quế; hỗ trợ chứng nhận hữu cơ; hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến, sơ chế nông lâm sản và thí điểm cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho thực hiện dự án đầu tư chế biến nông lâm thủy sản để thu hút, kêu gọi đầu tư…
Chung định hướng, mục tiêu và đích đến, hai tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về ngành quế đã “ngẫu nhiên” tạo ra vùng nguyên liệu khổng lồ cho tỉnh Lào Cai mới sau khi hợp nhất. Đến nay, tỉnh có trên 143.000 ha quế, chiếm tới 75% diện tích quế của cả nước, mang lại giá trị khoảng 2.500 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều vùng quế chuyên canh tập trung đã được hình thành, phát triển theo hướng bền vững với 23.700 ha quế được chứng nhận hữu cơ.
Ngoài ra, việc tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến sâu, chế biến tinh đã thu hút 41 doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô lớn cùng hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ hộ gia đình tham gia sơ chế, chế biến sản phẩm. Từ đó, không chỉ tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn quế (cành, lá, vỏ) tại chỗ cho người dân mà còn tạo ra đa dạng sản phẩm, đáp ứng theo yêu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, gia tăng giá trị.

Các sản phẩm từ quế hiện đã xuất khẩu tới 39 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ các thị trường dễ tính cho tới khó tính. Những con số đầy tự hào ấy cùng bài học kinh nghiệm sau hàng chục năm canh tác quế, tỉnh Lào Cai chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội về quy mô và sản lượng, tự tin sẽ trở thành trung tâm sản xuất và chế biến quế hàng đầu cả nước.
Quy mô lớn, tiềm năng phát triển mạnh mẽ của vùng quế hợp nhất cùng cửa khẩu quốc tế sẽ là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ nhà máy chế biến hiện đại, hệ thống kho bãi, logistics, khu công nghiệp chế biến nông sản…
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta có thể tổ chức sản xuất tinh chế tinh dầu quế thành các loại tinh dầu có giá trị sử dụng cao thay vì chỉ xuất khẩu tinh dầu thô như trước đây. Đồng thời, cũng sẽ tạo ra một thương hiệu quế mạnh mẽ và thống nhất cho khu vực.
Thay vì hai thương hiệu riêng lẻ, một thương hiệu chung sẽ có sức lan tỏa lớn hơn, dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính và nâng cao khả năng cạnh tranh. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng từ đó sẽ được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cùng ngành chuyên môn sẽ có cái nhìn tổng thể hơn về tiềm năng của cả hai vùng, từ đó có định hướng tập trung, xây dựng các chính sách hỗ trợ đồng bộ hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn, đưa quế Lào Cai vươn xa hơn, tiếp cận được các thị trường tiêu thụ lớn, giá trị cao như: Mỹ, Nhật Bản và các nước Bắc Âu…

Rõ ràng, một cơ hội vàng chưa từng có đang mở ra cho ngành quế. Cấp ủy, chính quyền cấp xã cùng người dân trong vùng quế cũng đang rất mong chờ, kỳ vọng vào những định hướng chiến lược chung của tỉnh để thúc đẩy ngành quế phát triển xứng tầm.
Ông Đỗ Cao Quyền, Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng chia sẻ: “Xã Mỏ Vàng hiện nay là một trong những vùng nguyên liệu trọng điểm với 7.335 ha, quế có hàm lượng tinh dầu cao, chất lượng tốt".
Xã mong muốn tỉnh và các sở, ngành liên quan sớm chỉ đạo ban hành quy hoạch vùng nguyên liệu quế tập trung gắn với từng tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng. Đặc biệt là việc xây dựng bản đồ số về cây quế gắn với thời gian thực phục vụ công tác quy hoạch; quản lý rừng quế, bảo tồn gen; định hướng phát triển. Bản đồ số về cây quế cũng sẽ là sản phẩm tiếp thị để các doanh nghiệp yên tâm về nguồn quế và chất lượng quế địa phương.
"Đồng thời, có những hỗ trợ hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến quế theo hướng hữu cơ và hiện đại cho người dân; có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sơ chế, chế biến tinh dầu, sản phẩm quế hữu cơ, nhất là tại chỗ; quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi giá trị, từ đường vận chuyển, hệ thống sơ chế, kho bảo quản, đến chợ đầu mối nông sản…” - ông Quyền cho biết thêm.
Tin tưởng rằng, tới đây, ngành quế Lào Cai sẽ có những bước đi vững chắc, phát huy tối đa lợi thế vùng nguyên liệu, xây dựng vùng sản xuất tập trung, hiện đại, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.