Anh khẳng định cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Theo báo Guardian, ngày 21/3, Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband khẳng định chính phủ hoàn toàn sẵn sàng bảo vệ mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính ròng về 0 vào năm 2050.

Khí thải phát ra từ một nhà máy ở Scunthorpe, Anh.
Khí thải phát ra từ một nhà máy ở Scunthorpe, Anh.

Bộ trưởng Năng lượng Anh đồng thời chỉ trích Đảng Bảo thủ và Đảng Cải cách vì thiếu cam kết với các hành động khí hậu, cho rằng điều này là một sự thoái lui trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai.

Phát biểu trong bối cảnh nội bộ Đảng Lao động đối mặt với những chỉ trích sau khi cắt giảm chế độ trợ cấp khuyết tật, ông Miliband cho biết chính phủ muốn tập trung vào chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, coi đây là trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.

Một trong những dự án trọng điểm được công bố là kế hoạch đầu tư 200 triệu bảng Anh thông qua công ty năng lượng nhà nước Great British Energy (GBE), nhằm lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái của 200 trường học và 200 cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, các hội đồng địa phương và cộng đồng cũng sẽ được hỗ trợ để phát triển các dự án năng lượng sạch như điện gió trên bờ và thủy điện quy mô nhỏ. Khoản đầu tư được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 triệu bảng trong vòng 30 năm.

Theo ông Miliband, đây là bước đi thiết thực nhằm giảm hóa đơn điện, tạo việc làm và nâng cao năng lực độc lập năng lượng quốc gia. Ông khẳng định lãnh đạo Đảng Lao động, gồm ông Keir Starmer và bà Rachel Reeves, hoàn toàn ủng hộ lộ trình này.

Đáp lại quan điểm hoài nghi từ Đảng Bảo thủ, trong đó bà Kemi Badenoch cho rằng mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức sống và tiềm ẩn nguy cơ phá sản, ông Ed Miliband nhấn mạnh rằng việc từ bỏ cam kết này đồng nghĩa với đi ngược lại mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và tạo việc làm, trong bối cảnh nền kinh tế phát thải thấp đang tăng trưởng nhanh gấp ba lần mức trung bình.

Về phía Đảng Cải cách Anh (Reform UK), dưới sự lãnh đạo của ông Nigel Farage, lực lượng này tiếp tục bày tỏ quan điểm phản đối các dự án năng lượng tái tạo và chỉ trích chương trình phát thải ròng bằng 0 là chưa thực tế.

Tuy nhiên, theo khảo sát của YouGov, có đến 61% người dân Anh ủng hộ hoặc phần nào ủng hộ cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong khi chỉ 24% phản đối. Ngay cả trong số những người từng bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ, đa số cũng đồng tình với mục tiêu này.

Ông Miliband cũng bác bỏ lo ngại về tác động tiêu cực từ chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho rằng nhiều quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang thúc đẩy chuyển đổi năng lượng vì thấy rõ tiềm năng tạo việc làm và bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai.

Dẫn số liệu từ Bộ An ninh Năng lượng và Phát thải Ròng bằng 0 (DESNZ), ông Miliband cho biết các cơ sở giáo dục và y tế công ở Anh đang phải chịu chi phí năng lượng tăng cao, với hóa đơn của NHS hiện ước tính lên đến 1,4 tỷ bảng mỗi năm. Ông nhấn mạnh việc đầu tư vào năng lượng tái tạo là cần thiết để chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính khiến giá năng lượng tăng mạnh sau khi Nga phát động chiến sự tại Ukraine.

Theo kế hoạch, những tấm pin mặt trời đầu tiên sẽ được lắp đặt vào mùa hè năm nay, ưu tiên các trường học ở khu vực khó khăn như Đông Bắc, West Midlands và Tây Bắc nước Anh.

Bình luận về kế hoạch này, bà Jess Ralston - nhà phân tích tại Energy & Climate Intelligence Unit - nhận định đây là bước khởi đầu tích cực sau nhiều năm thiếu đầu tư, nhưng để đảm bảo ổn định giá năng lượng về lâu dài, Anh cần đẩy mạnh hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Động đất tại Myanmar: Thái Lan bắt đầu bồi thường cho các nạn nhân

Động đất tại Myanmar: Thái Lan bắt đầu bồi thường cho các nạn nhân

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Nội vụ Thái Lan sẽ bắt đầu phân phối khoản bồi thường 100.000 baht (gần 3.000 USD) cho mỗi nạn nhân của vụ sập tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) ở quận Chatuchak ở thủ đô Bangkok, trong trận động đất xảy ra hồi cuối tháng trước. Đợt giải ngân đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 18/4.

Hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch

Hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch

Trải qua hơn ba năm đàm phán với nhiều chông gai, các thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đạt thỏa thuận “về nguyên tắc” cho một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, ứng phó đại dịch trong tương lai vào ngày 12/4 vừa qua. Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với y tế toàn cầu, bởi sự hỗn loạn do đại dịch Covid-19 trong quá khứ đã chứng minh tầm quan trọng của việc đoàn kết và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Báo chí Trung Quốc viết về câu chuyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Việt Nam

Báo chí Trung Quốc viết về câu chuyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Việt Nam

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo chí nước này đã tuyên truyền đậm nét, làm nổi bật "ý nghĩa trọng đại" của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2025, cũng như những câu chuyện, kỷ niệm của nhà lãnh đạo với đất nước và con người Việt Nam.

fb yt zl tw