LCĐT - Độ cuối năm, khi sương còn chùng chình trên khắp các bản làng, đồi núi, người dân quê tôi lại hối hả rủ nhau đi “hái tôm” chè. Cả nương chè lúc này còn ướt đẫm sương mai, nông dân vùng chè chỉ hái những đọt chè non, ở phần tôm (phần nõn nhọn, dài và cong như con tôm nhỏ). Những búp chè non được hái vào buổi sớm mai ấy, được đem về sao thủ công, dành cho đêm ba mươi Tết, ấm trà dâng lên tổ tiên sau một năm lao động miệt mài.
Ở Lào Cai, nhắc đến cây chè không thể không nhắc tới Mường Khương - nơi có diện tích chè lớn nhất của tỉnh. Sinh ra và lớn lên ở xứ chè, ăn, ngủ với cây chè, cuộc sống đủ đầy cũng nhờ cây chè, nên tôi hiểu, những ấm trà trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Sau bữa cơm trong mỗi ngôi nhà, cả gia đình lại quây quần bên ấm trà nóng, có khách thì bưng chén trà nghi ngút khói ra chào. Đi lên nương, nông dân cũng mang theo bình trà. Ấy thế nhưng, ấm trà đêm ba mươi Tết lại mang một ý nghĩa khác so với thường ngày và trở thành một nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Mường Khương.
![]() |
Nụ cười được mùa chè xuân. |
Cứ vào khoảng cuối năm, khi các cơ sở chế biến đã tạm dừng để người dân đốn tỉa chè, chuẩn bị cho vụ mới, chủ mỗi nương chè lại đem theo chiếc sọt nhỏ để đi “hái tôm”. Nương chè khoảng 1 ha, nhưng chỉ hái được vài cân “tôm chè”, những búp non mới nhú, xanh mơn mởn và phủ một lớp nhung trắng, mềm mịn. Tối về, trên chiếc chảo gang lớn và bếp lửa hồng tí tách, những búp chè được sao thủ công bằng tay cho héo, rồi bỏ ra vò để bỏ đi lớp nhựa chát, sau đó sao lại cho khô. Khi những búp chè cong như lưỡi câu, phủ một lớp phấn trắng mỏng là hoàn thành sao chè. Những búp chè ấy thường được gói kỹ trong giấy báo cũ, cho vào lọ thủy tinh hoặc hộp các - tông có bọc ni lông để chè không bị ẩm mốc và bay mùi, đợi đến đêm ba mươi Tết mới đem ra thưởng thức.
Thưởng trà vào đêm giao thừa cũng lắm công phu chứ không đơn giản như ngày thường. Trước khi dâng mâm cơm tất niên cúng tổ tiên, nghi lễ không thể thiếu là mời trà. Để có một ấm trà ngon, nước pha trà phải là nước mạch, đun sôi bùng lên, rồi mới hạ dần lửa. Ấm pha trà là ấm đất hoặc ấm sứ dày. Khi pha, ấm phải được tráng qua một lượt nước sôi, rồi bỏ lượng chè nhất định vào ấm, đổ nước sôi vào tráng qua, rồi bỏ nước đi, sau đó mới chế nước nóng vào. Lượng nước đổ vào ấm vừa đủ, sao cho đúng số chén được bày ra trên ban thờ tổ tiên. Để thực hiện nghi lễ mời trà, sau khi ban thờ được dọn sạch và trang trí với đèn, hoa và mâm ngũ quả, những chiếc chén được xếp ngay ngắn theo hàng ngang. Người chủ gia đình làm lễ phải đội chiếc mũ (quan niệm không để đầu trần khi mời trà), trang phục chỉnh tề, rồi thắp những nén hương thành kính, sau đó rót trà lần lượt theo vòng, không rót đầy, mà rót từng chút một rồi quay lại, vừa rót vừa cầu khấn để mời tổ tiên về ăn tết cùng gia đình. Sau khi thực hiện xong nghi lễ mời trà, chủ gia đình mới pha một ấm trà khác để cả nhà ngồi quây quần, cùng thưởng thức những chén trà thơm ngon nhất, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp đầu xuân.
![]() |
Cây chè mang lại ấm no cho đồng bào vùng cao. |
Mời trà được coi là nghi lễ đầu tiên để đón chào năm mới của người dân vùng cao Mường Khương. Nói về phong tục này, ông Chang Phà Mìn, năm nay đã 80 tuổi, sống tại thôn Cốc Cái, xã Lùng Vai lý giải: “Câu chuyện về cây chè, về nghi lễ mời trà ở xứ chè Mường Khương thì rất dài, rất thiêng liêng và như một niềm tự hào của người dân nơi đây”.
Sở dĩ, sự thiêng liêng của ấm trà đêm ba mươi ở xứ Mường Khương liên quan đến những câu chuyện về việc trồng và phát triển cây chè. Gần Công ty TNHH Một thành viên Chè Thanh Bình (Nông trường chè Thanh Bình cũ) có những vạt đồi vẫn được đặt tên là “đồi 73”, “đồi 74”, đánh dấu năm cây chè được người dân đưa vào trồng trên rẻo cao này (nghĩa là năm 1973, năm 1974). Bén đất, sau 3 năm trồng, cây chè cho thu hái lứa đầu tiên, những búp chè chính tay người dân trồng cho nhà máy dần thay thế loại chè Shan tuyết cổ thụ hiếm hoi chỉ có ở mạn vùng cao, như Cao Sơn, Tả Thàng. Mùa xuân năm 1979, xảy ra biến cố biên giới, cây chè trong vùng Thanh Bình, Lùng Vai cũng bị ảnh hưởng một thời gian.
Ông Chang Phà Mìn là một trong những người may mắn còn sống sau chiến tranh, đồng đội của ông (khi ấy là những công nhân) có nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại. Trong nhiều câu chuyện quanh ấm trà đêm ba mươi Tết của ông Mìn, của người dân Mường Khương vẫn nhắc đến những công nhân nhà máy chè đã hy sinh như sự tri ân. Ấm trà đêm ba mươi Tết, cha ông thường nhắc lại cho con cháu về tình yêu quê hương, về gốc tích, lý giải về văn hóa, nguồn cội và nhắn nhủ con cháu phải gìn giữ và tưởng nhớ. Cũng bởi thế, ấm trà đêm ba mươi Tết bao giờ cũng là ấm trà ngon nhất, tinh túy nhất, ý nghĩa nhất sau một năm hăng say, miệt mài lao động, học tập...
Không hẳn chỉ người dân ở xứ chè Mường Khương quê tôi mới có “thú” thưởng trà đêm ba mươi Tết. Khắp bản, làng, ngõ xóm, vào thời khắc giao thừa, những chén trà nghi ngút khói bao giờ cũng tạo sự ấm cúng, gần gũi hơn giữa các thành viên trong gia đình. Chén trà đêm ba mươi như một lời chào gọi vị khách “mùa xuân”, sự tri ân cho một năm đã đi qua và đón chào năm mới với hy vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đủ đầy.