Ấm áp địu em

LCĐT - Hình ảnh em bé trong chiếc địu ấm áp trên lưng mẹ, bà, chị không xa lạ với mỗi người. Trong chiếc địu ấm êm ấy, em bé với đôi má ửng hồng, khi thì say giấc, khi thì ê a, chơi đùa với mái tóc của mẹ, của bà. Hình ảnh đó gợi lên nhiều cảm xúc yêu thương và gần gũi.

Những ngày mùa đông lạnh giá này, tới vùng đồng bào Mông ở Bắc Hà, tôi gặp nhiều phụ nữ địu em bé trên lưng lên nương, xuống ruộng, đi chợ hoặc ngồi thêu thùa, may vá… Dù cuộc sống lam lũ, vất vả nhưng những em bé vẫn được họ bao bọc và dành trọn yêu thương. Chị Giàng Thị Say, ở thôn Phìn Giàng A, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) bộc bạch: Theo truyền thống, chiếc địu không thể thiếu trong mỗi gia đình người Mông. Nó giúp phụ nữ có thể vừa trông con, vừa nấu cơm, giặt giũ, làm nương, lấy nước... Đứa trẻ được địu trên lưng mẹ cũng được ủ ấm và an toàn.

Ấm áp địu em ảnh 1
Khi mẹ bận, lưng bà cũng là nơi ấm áp cho những đứa trẻ trong ngày đông lạnh giá.

Cũng theo chị Say, địu con còn giúp người mẹ gần gũi, cảm nhận hơi ấm, tình trạng sức khỏe của con, tăng thêm tình mẫu tử thiêng liêng. Đặc biệt, khi bận, các bà hoặc các chị của em bé sẽ thay con, thay mẹ địu cháu, địu em, giúp tình cảm gia đình thêm khăng khít, thể hiện trách nhiệm chung trong việc chăm sóc, bảo vệ những đứa trẻ trong gia đình.

Không chỉ người Mông, mỗi dân tộc khác nhau lại có những chiếc địu với thiết kế khác nhau, thể hiện sự khéo léo và phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, vùng miền. Người Tày ở huyện Văn Bàn cũng sử dụng chiếc địu như một vật dụng không thể thiếu đối với những gia đình có trẻ nhỏ.

Tình cờ gặp bà Lương Thị Hợp ở thôn Thị Tứ, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) khi bà đang chuẩn bị đồ thăm cháu mới sinh vừa tròn tháng. Trong túi quà cho con gái và cháu, bà chuẩn bị chăn, khăn bông và một món quà không thể thiếu là chiếc địu. Bà Hợp cho biết: Theo truyền thống người Tày, khi con gái đi lấy chồng, người mẹ làm sẵn chiếc địu đợi đến ngày con gái sinh, đích thân bà ngoại sẽ mang chiếc địu đến cho con gái.

Chiếc địu thể hiện sự cần cù, khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của phụ nữ Tày, đặc biệt là phần thân địu được may bằng tấm thổ cẩm đẹp mắt. Đó là hóa thân của cây, hoa, lá, muông thú của quê hương, làng bản với đủ sắc màu rực rỡ. Do vậy, không sai khi nói đứa trẻ ngay từ lúc nhỏ đã được quê hương ôm ấp trong lòng, đồng thời thể hiện kỳ vọng của cha mẹ, họ hàng về một tương lai rộng mở, khôn lớn, thành đạt, trở thành người có trách nhiệm với quê hương, với dân tộc.

Mỗi chiếc địu truyền thống dù của dân tộc nào thì đều trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian để hoàn thành, do đó đòi hỏi người làm phải kiên trì, cần mẫn, tỉ mỉ. Còn gì tuyệt vời hơn khi đứa trẻ còn non dại, được bao bọc cẩn thận trên lưng những phụ nữ tần tảo, chịu thương, chịu khó để lớn lên trong tiếng ru, trong tình yêu thương vô bờ của mẹ, của bà, của chị mình. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống mà mỗi dân tộc, mỗi vùng miền trong tỉnh vẫn luôn lưu giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Ngày 28/4, UBND thị xã Sa Pa phối hợp với Công viên Văn hóa Mường Hoa Sa Pa tổ chức Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa" với các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trò chơi, biểu diễn văn hóa dân gian Tây Bắc hấp dẫn.

Âm nhạc quảng bá du lịch

Âm nhạc quảng bá du lịch

Những cảnh quay giới thiệu vẻ đẹp, đất nước con người Việt Nam kết hợp âm nhạc đang là cánh tay nối dài trong việc quảng bá du lịch Việt Nam.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

Ngày 26/4, Triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện, với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đem hương vị nem cuốn Việt đến với bạn bè quốc tế ở châu Phi

Đem hương vị nem cuốn Việt đến với bạn bè quốc tế ở châu Phi

Một chút xà lách, một chút cà rốt bào sợi, một chút dứa thái miếng, một chút bạc hà, một chút thịt gà xé, hai miếng tôm hấp và rất nhiều rau mùi, đó là những nguyên liệu mà bà Paula Fernandes, người Bồ Đào Nha lựa chọn cho chiếc nem cuốn Việt của mình với tinh thần “cuốn tất cả những gì mình yêu thích”.

fb yt zl tw