Agribank Lào Cai II vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu của năm

Năm 2023, vượt lên những khó khăn chung của nền kinh tế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II Lào Cai (Agribank Lào Cai II) đã nỗ lực đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

m2-9797.jpg
Khách hàng giao dịch tại Agribank Lào Cai II.

Những ngày cuối năm 2023, lượng khách hàng đến giao dịch tại các phòng giao dịch, chi nhánh thuộc Agribank Lào Cai II ngày càng đông. Các cán bộ, nhân viên của phòng giao dịch, chi nhánh tích cực hướng dẫn, tư vấn, đồng thời đến tận địa bàn thực hiện công tác thẩm định mục đích, khả năng sinh lợi cho nguồn vốn vay, để đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn được giải ngân thuận tiện, nhanh chóng nhất.

Ông Phan Quang Đạo, Phó Giám đốc Agribank Lào Cai II cho biết: Với phương châm “Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”, Agribank Lào Cai II đã nỗ lực đổi mới theo hướng hiện đại, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, áp dụng ngân hàng số để phục vụ nhiều tiện ích cho khách hàng. Đặc biệt, trên cơ sở nhận định, dự báo khó khăn chung nền kinh tế, ngay từ đầu năm, ngân hàng xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch và chủ động chia sẻ với khách hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với vốn vay để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

m3-2492.jpg
Agribank Lào Cai II đã tiếp tục nỗ lực đổi mới theo hướng hiện đại, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, áp dụng ngân hàng số để phục vụ nhiều tiện ích cho khách hàng.

Theo đánh giá, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Lào Cai II hiện chiếm tỷ trọng khoảng 70% dư nợ cho vay trên địa bàn và đã phủ kín 100% số xã tại các huyện, thị xã, thành phố mà chi nhánh quản lý.

Tổng nguồn vốn huy động năm 2023 ước đạt trên 5.450 tỷ, tăng 8% so đầu năm, đạt 100% kế hoạch; dư nợ đạt 7.100 tỷ, tăng 7,9% so đầu năm, đạt 100% kế hoạch, với trên 18 nghìn khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay vốn.

Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 1.630 tỷ, tăng 12,5% so đầu năm, chiếm 23% tổng dư nợ; dư nợ cho vay cá nhân hộ gia đình đạt 5.470 tỷ, tăng 6,7% so đầu năm, chiếm 77% tổng dư nợ. Đơn vị thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước và đảm bảo thu nhập cho người lao động.

m4-531.jpg
Agribank Lào Cai II dành nguồn lực cho vay thực hiện Nghị quyết 10 (đầu tư phát triển diện tích chè, dược liệu, chuối, dứa, cây quế, chăn nuôi lợn).

Để đạt kết quả trên, Agribank Lào Cai II đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp kinh doanh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank Việt Nam; tích cực triển khai các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghiệp vụ, nâng cao chất lượng cán bộ; chủ động triển khai các giải pháp tăng cường công tác huy động nguồn vốn; tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ, ưu tiên đầu tư vốn cho khách hàng sản xuất, kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình kinh tế trọng điểm theo chủ trương, nghị quyết của tỉnh về phát triển du lịch, thương mại, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp hàng hoá…

m1-5657.jpg
Từ nguồn vốn vay của Agribank Lào Cai II, người dân phát triển du lịch homestay.

Trong năm, Agribank Lào Cai II đã tập trung cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, Thông tư 41 của NHNN, với tổng dư nợ đạt 4.900 tỷ đồng, chiếm 70% tổng dư nợ và trên 10 nghìn khách hàng có quan hệ vay vốn.

Chương trình tín dụng theo Nghị quyết 30a với dư nợ 77 tỷ đồng gồm 1.200 khách hàng; Chương trình cho vay theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030 và Chương trình cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 200 tỷ đồng tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, thị xã Sa Pa. Trong đó, cho vay ngành hàng chủ lực theo Nghị quyết 10 73 tỷ; cho vay phát triển cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản có dư nợ 113 tỷ.

Chương trình cơ cấu kỳ hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02 của NHNN về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch Covid-19 đã thực với số dư nợ cơ cấu gần 36 tỷ đồng. Thực hiện chương trình giảm lãi suất 2% cho vay theo Nghị Định 31/CP và TT02 của NHNN ngày 20/5/2022, chi nhánh đã giảm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với số lãi đã hỗ trợ 205 triệu đồng.

Cũng trong năm qua, Agribank Lào Cai II đã phát triển mạnh về công nghệ thông tin, các sản phẩm dịch vụ đều ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet, khách hàng có thể gửi tiết kiệm, chuyển tiền tại nhà mà không cần phải đến giao dịch tại ngân hàng.

m5-6632.jpg
Nhiều hộ dân mở rộng quy mô chăn nuôi nhờ nguồn vốn của Agribank Lào Cai II.

Hiện nay, Agribank Lào Cai II đang phục vụ trên 80 nghìn khách hàng sử dụng các dịch vụ, thanh toán, tiền gửi, dịch vụ thẻ ATM, thanh toán qua POS, thanh toán qua QR Code, thanh toán internet Banking, thanh toán Mobile Banking, dịch vụ kết nối thanh toán. Ký kết và thực hiện thu hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, thu hộ tiền viện phí trên 18.500 khách hàng. Đã có 180 đơn vị trả lương qua tài khoản, với trên 16 nghìn tài khoản của cán bộ, nhân viên, người lao động. Đặc biệt, Agribank Lào Cai II đã trang bị 16 cây rút tiền tự động ATM và 2 máy đa chức năng (CDM Auto bank), với thị phần thanh toán xuất - nhập khẩu, thanh toán quốc tế chiếm trên 40%; có trên 100 doanh nghiệp thường xuyên thanh toán xuất - nhập khẩu. Agribank Lào Cai II đã ký thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu với 6 ngân hàng thương mại tại Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Theo ông Phan Quang Đạo, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, Agribank Lào Cai II còn chú trọng dành nguồn lực tài chính cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Trong năm, Agribank Lào Cai II đã tài trợ trên 2 tỷ đồng cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, lũ quét gây ra.

m6-2018.jpg
Agribank Lào Cai II ưu tiên dành nguồn lực cho vay phát triển nông nghiệp hàng hoá.

Nhiệm vụ năm 2024, Agribank Lào Cai II tiếp tục chủ động, linh hoạt, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank Việt Nam và và các chủ trương, định hướng, nghị quyết, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai thực hiện.

Trong đó, duy trì và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, mang tới cho khách hàng nhiều trải nghiệm mới, thuận tiện; tập trung công tác huy động nguồn vốn, giữ vững thị phần huy động tiền gửi dân cư; triển khai thực hiện tốt các biện pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả từ đầu năm gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng và khả năng quản lý; tiếp tục tăng cường hiệu quả cho vay qua tổ vay vốn và luôn bảo đảm đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh; khẳng định rõ nét vị thế của ngân hàng hàng đầu về cung ứng tín dụng cũng như các dịch vụ tiện ích, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bảo Yên: Hồi sinh vùng dâu tằm sau mưa lũ

Bảo Yên: Hồi sinh vùng dâu tằm sau mưa lũ

Bảo Yên là địa phương có diện tích trồng cây dâu tằm lớn nhất tỉnh với hơn 37 ha, sản lượng kén tằm 10 tháng năm 2024 đạt hơn 5.000 kg, giá bán từ 150 -170 nghìn/kg, cho nguồn thu gần 800 triệu đồng. Ảnh hưởng của mưa lũ khiến gần 50% diện tích dâu bị thiệt hại, chính quyền địa phương và người dân đã nhanh chóng triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất, sớm có nguyên liệu để nuôi tằm trở lại.

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên... Do đó, đề nghị phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ.

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết với nhan đề “Tiêu dùng trực tuyến Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng”, dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu dữ liệu Metric, cho thấy 3 quý đầu năm, doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm ngoái.

fbytzltw