Thật khó hình dung, máy ATM với 4 chức năng tiện ích, độc đáo được đưa vào sử dụng tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) đợt dịch vừa qua lại là sản phẩm của 2 nữ sinh lớp 12.
Ý tưởng từ ATM gạo
Đầu năm 2020, sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cây ATM gạo là sáng kiến tuyệt vời được đưa vào sử dụng, góp phần giúp nhiều người dân vượt qua khó khăn. Một trong những cây gạo như thế được đặt tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).
Được tham gia hỗ trợ hoạt động phát gạo miễn phí, 2 nữ sinh lớp 12C của trường là Võ Lê Xuân Thùy và Hồ Nguyễn Minh Thư phát hiện ra máy ATM gạo còn khá nhiều khuyết điểm, như: Tập trung chen lấn đông, người nhận và người cho tiếp xúc với nhau dễ gây lây nhiễm chéo, chỉ cho được gạo, không kiểm soát được số lần người nhận; không cung cấp được nhiều nhu yếu phẩm… Thế là, ý tưởng về một chiếc máy ATM đa năng hơn bắt đầu thành hình.
Hồ Nguyễn Minh Thư, Võ Lê Xuân Thùy nhớ lại quá trình dài để hiện thực hóa ý tưởng, từ tìm hiểu về các sản phẩm trên thị trường, rồi nghiên cứu, sáng tạo, lựa chọn chất liệu cho khung máy, hàn khung máy, mua các thiết bị để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh… Thuận lợi là nhiều kiến thức đã học có thể áp dụng vào sản phẩm. Nhưng bên cạnh đó cũng có những kiến thức mới, lạ, công đoạn chưa bao giờ thử. Mỗi khi gặp khó khăn, hay có thắc mắc, 2 bạn sẽ nhờ giáo viên hướng dẫn giải đáp.
“Trong giai đoạn làm máy, chúng em gặp một số khó khăn. Đơn cử như việc mua mạch arduino, vì thành phố Quảng Ngãi không có sẵn nên phải đặt ở trên mạng. Khi lắp ráp bị cháy mạch, lại phải đợi đặt mạch khác… Qua 3 lần lắp ráp, chiếc máy ATM đa năng mới thành hình. Chúng em nhớ nhất là những ngày chạy thử máy, test số liệu để điều chỉnh cho máy chạy phù hợp với mong muốn, hoàn thành sản phẩm kịp tiến độ. Có lẽ đó là kỉ niệm đẹp không thể nào quên được”, Minh Thư chia sẻ.
ATM “4 trong 1”
Võ Lê Xuân Thùy cho biết: Điểm đặc biệt của ATM đa năng là sự tích hợp đồng thời 4 chức năng, không những cung cấp nước sát khuẩn, khẩu trang mà còn cả mì tôm và gạo với công nghệ không tiếp xúc. Về cấu tạo, ATM sát khuẩn gồm: Mạch điều khiển, cảm biến quang, động cơ bơm 365, bộ chuyển đổi nguồn AC-DC.
ATM khẩu trang có con lăn băng tải, dây curoa, đèn diệt khuẩn, cảm biến quang, hộp chứa khẩu trang. ATM mì tôm có khung băng tải, dây băng tải PVC, con lăn đỡ, động cơ, cảm biến quang, hộp chứa mì tôm. ATM gạo gồm bộ biến tần, bộ nguồn, rơ-le thời gian, rơ-le trung gian, động cơ, cảm biến quang, bình chứa gạo. Tất cả được đặt trong một khung máy, tạo thành một ATM “4 trong 1”.
Khi người nhận đưa tay vào gần máy, cảm biến sẽ phát hiện tín hiệu và lệnh cho rơ-le (mạch xử lý đóng) đóng mạch điện, kích hoạt motor hoạt động, đưa sản phẩm (nước sát khuẩn, mì tôm, khẩu trang). Đối với ATM gạo, khi người nhận đưa tay vào vị trí, cảm biến nhận tín hiệu đưa về rơ-le đóng mạch điện, cho bộ biến tần, rơ-le thời gian, động cơ hoạt động làm quay trục xoắn, đưa gạo ra ngoài.
“Khi sản phẩm hoàn thiện, chúng em cho máy hoạt động thử trong nhà trường, được thầy cô, các bạn hưởng ứng. Chúng em cảm thấy rất hạnh phúc vì đã góp một phần nhỏ của mình vào công cuộc chống dịch”, Võ Lê Xuân Thùy chia sẻ.
Chia sẻ tin vui liên quan đến sản phẩm, Hồ Nguyễn Minh Thư cho biết: Dự kiến, ATM đa năng được đưa ra thị trường, nhân rộng hơn nữa vì đã có công ty đặt hàng để làm từ thiện. Trong thời gian tới, chúng em sẽ nâng cấp máy với tấm pin năng lượng mặt trời lớn hơn, camera nhận diện bằng võng mạc nếu có điều kiện kinh tế hơn.
Còn hiện tại, hai bạn trẻ tạm gác lại kế hoạch phát triển sản phẩm để tập trung học, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong vài tháng tới. “Hy vọng, 12 năm nỗ lực, cố gắng và bứt phá trong 3 năm THPT, chúng em sẽ đạt được ước mơ vào ngôi trường mình ao ước”, hai nữ sinh tâm sự.
Tự hào chia sẻ về 2 học trò, thầy Đinh Duy Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho biết: Xuân Thùy và Minh Thư đều là học sinh giỏi, có tinh thần cống hiến, chịu khó và đam mê nghiên cứu. Sản phẩm của 2 em dưới sự hướng dẫn của cô chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên Vật lý Nguyễn Thị Mai đã được đưa vào sử dụng trong nhà trường và phát huy tác dụng. Sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có quyết định khen thưởng 2 em, nhà trường cũng có hình thức thưởng nóng để động viên cô, trò.
“Quá trình hình thành sản phẩm, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường, ngành Giáo dục, chính quyền địa phương đều rất quan tâm, ủng hộ các em. Mong rằng dự án sẽ phát triển hơn nữa để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi xã hội cần” – thầy Đinh Duy Quang bày tỏ.