Chuyện làm giàu, làm đường của lão nông “gàn dở”

LCĐT - Trước khi người dân trong thôn hiểu được những việc ông làm thì họ đều cho rằng ông “gàn dở”. Giải thích cũng chẳng ích gì, ông cứ lặng lẽ làm những công việc mình cho là đúng và giờ thì ông đã trở thành người có uy tín của thôn.

Đi tìm cây thoát nghèo

Thôn Bỗng, xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên) cách trung tâm xã khoảng 10 cây số, nơi có hơn 70% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Đây từng là một trong những thôn khó khăn nhất xã Cam Cọn, nhưng nay đang được xã lựa chọn để xây dựng thôn nông thôn mới. Trưởng thôn Đặng Văn Nhất cho biết, trước đây, người dân địa phương chỉ canh tác cây ngô, sắn, lúa nương, cái đói, cái nghèo cứ mãi bủa vây, nhưng nay cuộc sống đã đổi thay nhờ phát triển kinh tế rừng. Những nương ngô, sắn được phủ xanh bởi bạt ngàn quế, giờ nhà nào cũng có vài ha quế đã đến tuổi cho thu hoạch, nhà nhiều thì có vài chục ha. Người đầu tiên đưa cây quế về mảnh đất này là ông Lý Tiến Phúc.

Đưa chúng tôi tham quan đồi quế gần hai chục ha, ông Phúc bảo giờ mình nhàn rồi, không vất vả như trước, đồi quế này cũng như “của để dành” của gia đình, khi nào cần chi tiêu mới bán. Nhìn đồi quế ngút ngàn vút tầm mắt, chúng tôi hiểu để có được cái sự nhàn ấy, ông Phúc đã phải mất hàng chục năm đổ mồ hôi công sức vào đây. Ông Phúc kể, trước đây gia đình ông cũng như nhiều hộ trong thôn quanh năm chỉ phát rừng trồng lúa nương, làm lụng vất vả mà vẫn không thoát nghèo. Một lần trò chuyện, nghe người ta nói người Dao ở Văn Yên (Yên Bái) nhờ trồng quế mà cuộc sống khấm khá, cả vùng ấy chẳng ai nghèo. Ông Phúc bán tín bán nghi, theo một người bạn bắt xe xuống đó để mắt thấy, tai nghe. Quả thực ở đó cũng toàn đồng bào người Dao như thôn Bỗng mà họ làm ăn rất giỏi, nhà nhà trồng quế, làm giàu từ quế. Trong đầu ông Phúc như reo lên, đây là cây sẽ giúp bà con mình thoát nghèo. Chẳng cần suy nghĩ nhiều, ông dùng hết số tiền mang theo trong chuyến đi ấy mua 10 kg hạt quế.

Đồi quế tiền tỷ của gia đình ông Lý Tiến Phúc.
Đồi quế tiền tỷ của gia đình ông Lý Tiến Phúc.

Ngày ấy, Nhà nước không cho lưu thông hàng hóa như bây giờ, hạt quế không khác gì hàng cấm. Khi mang lên xe, ông Phúc bị lực lượng kiểm soát yêu cầu bỏ lại, nhưng sau thấy ông trình bày sự tình, cán bộ ngành chức năng cảm thông cho ông mang túi hạt quế về. Đến nhà, ông nhớ lại quy trình làm đất, gieo hạt ra sao rồi bắt tay vào gieo những hạt giống đầu tiên. Tuy nhiên, sự khởi đầu không thực sự thuận lợi, do chưa nắm được kỹ thuật làm giống nên số hạt quế ông gieo bị hỏng mất gần nửa. Với số cây con nảy mầm được, ông chăm chút từng ngày rồi trồng trên khoảnh đồi đã được phát dọn trước đó định cấy lúa. Người trong thôn thấy vậy bảo, trồng rừng lâu lắm, không được ăn đâu. “Không được ăn thì trồng cho đời con, đời cháu mình hưởng”, ông Phúc nghĩ vậy và cứ lặng lẽ gieo hạt rồi lại trồng cây đến khi phủ xanh gần 20 ha đồi rừng. Khi ông Phúc thu hoạch những cây quế đầu tiên, có tiền xây nhà rồi cho con cái học hành, bà con trong thôn mới thấy hóa ra việc trồng cây không lâu như họ tưởng, vậy là ai cũng học theo ông đưa cây quế lên trồng thay thế nương ngô, nương lúa. Bây giờ thì cả thôn chẳng còn khoảnh đất nào để trống.

Hiến đất mở đường

Chúng tôi ngạc nhiên khi con đường mở lên khu sản xuất của người dân thôn Bỗng được rải đá và rộng tương đương các tuyến đường trục thôn khác. Hỏi ra thì được biết đây là chủ trương của xã Cam Cọn trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo xã Cam Cọn cho biết, sau khi các tuyến đường liên thôn cơ bản đã được đổ bê tông, xã chủ trương mở mới các tuyến đường vào các khu sản xuất nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại của người dân và vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nông sản của thôn và khu vực lân cận. Nhu cầu mở đường rất lớn trong khi nguồn lực Nhà nước có hạn, vì vậy nếu không có sự chung sức của người dân thì khó triển khai được. Và để có sự đồng thuận ấy là cả một câu chuyện dài.

Đoạn đường ông Phúc bỏ tiền mua đất để hiến cho Nhà nước.
Đoạn đường ông Phúc bỏ tiền mua đất để hiến cho Nhà nước.

Nhiều hộ thấy có dự án nhà nước triển khai thì trông chờ sẽ được đền bù giải phóng mặt bằng nên nhất quyết không chịu hiến đất. Lại có hộ ban đầu đồng ý hiến nhưng khi thấy hộ khác chưa bàn giao mặt bằng, tư tưởng cũng dao động. Nhận thấy việc nâng cấp mở rộng đường góp phần giúp người dân trong thôn đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ông Lý Tiến Phúc là người đầu tiên hiến đất và diện tích hiến cũng rất lớn. Ông Phúc bảo, làm đường, mình là người được hưởng lợi nhiều nên Nhà nước cần lấy đến đâu cứ lấy. Tính ra tuyến đường đã cắt vào đồi của ông đến vài nghìn m2.

Khi một số hộ gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, ông Phúc cùng cán bộ xã, thôn giải thích, tuyên truyền, vận động để bà con hiểu việc hiến đất có nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế địa phương. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, một số hộ vẫn chưa đồng thuận, ông Phúc liền đề nghị với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cho đổi diện tích đồi của gia đình lấy đất của hộ đang còn vướng mặt bằng để phục vụ mở đường. Chưa hết, ông còn bỏ tiền mua phần đất của 1 hộ khác chưa chịu bàn giao mặt bằng, sau đó hiến cho Nhà nước làm đường. “Mình già rồi, chịu thiệt một chút cũng không sao, con đường này rồi đến đời con, đời cháu mình còn được hưởng mà”, ông Phúc bộc bạch.

Vụ thu hoạch quế vừa qua, nhờ có con đường rộng rãi mà những chiếc xe tải của thương lái có thể đến tận chân đồi thu mua với giá cao, người dân rất phấn khởi. Kể lại chuyện làm đường trước đó, nhiều hộ bảo rằng nếu ai cũng như ông Phúc thì có lẽ con đường này đã được làm từ lâu rồi…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có khoảng gần 700 người bị ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024. Ngoài các nguyên nhân khách quan, nguy cơ ngộ độc đến từ việc ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Chiều 16/4, UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Hội nghị chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, an toàn trường học; phòng chống đuối nước và tệ nạn xã hội trong trường học với sự tham gia của gần 20 nghìn học sinh (từ lớp 4 đến lớp 12) tại 300 điểm cầu thuộc 73 trường phổ thông trên địa bàn huyện.

Đào tạo chuyên gia an ninh mạng theo hướng thực chiến

Đào tạo chuyên gia an ninh mạng theo hướng thực chiến

Nhằm giải cơn khát thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực an toàn thông tin, Hệ thống Đào tạo công nghệ thông tin Quốc tế Bachkhoa-Aptech vừa công bố các chương trình đào tạo nhân lực theo hướng thực chiến với thời gian đào tạo từ 4 tháng đến 2 năm.

Vì sao phải đổi tên thành thẻ căn cước?

Vì sao phải đổi tên thành thẻ căn cước?

Khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, thẻ căn cước công dân sẽ được đổi tên thành thẻ căn cước để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới...

Rà soát, bố trí điểm dừng nghỉ tạm trên các tuyến cao tốc

Rà soát, bố trí điểm dừng nghỉ tạm trên các tuyến cao tốc

Ngày 15/4, Bộ Giao thông vận tải đã có công điện yêu cầu các đơn vị, cơ quan trực thuộc có các giải pháp hiệu quả thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè.

fb yt zl tw