Yên Bình hướng tới quản lý và kinh doanh rừng bền vững

YBĐT - Chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững theo các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản trị rừng thế giới là việc còn khá mới mẻ. Song, từ năm 2016 đến nay, huyện Yên Bình đã tiên phong thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu quản lý rừng bền vững, góp phần đảm bảo lợi ích bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
Với trên 42.827 ha đất lâm nghiệp, huyện Yên Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khai thác tiềm năng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện chưa thực sự hiệu quả. Giá trị kinh tế từ rừng chưa cao, năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Cùng với đó, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đa phần nhỏ lẻ, đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo được chuỗi liên kết trong phát triển sản xuất lâm nghiệp và chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất lâm nghiệp.
Năm 2016, thông qua Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), Hội Nông dân huyện Yên Bình được tỉnh, huyện ủng hộ cho thí điểm triển khai Chương trình Quản lý rừng bền vững (QLRBV) với dự kiến năm 2016 sẽ có 2.000 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới cấp). Để triển khai Chương trình, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định triển khai Chương trình QLRBV, tiến tới cấp Chứng chỉ rừng FSC cho các nhóm hộ trồng rừng tại huyện Yên Bình.
Trong quá trình triển khai, Hội nông dân huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá nhu cầu tham gia FSC của các nhóm hộ; tập huấn 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí FSC cho các nhóm hộ trồng rừng tại các xã: Tân Hương, Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và thị trấn Yên Bình; tổ chức trên 100 hội nghị cấp thôn, xã, huyện để tập huấn Kế hoạch quản lý rừng bền vững, vận động các hộ trồng rừng tham gia Chương trình QLRBV và cấp Chứng chỉ FSC; bầu trưởng nhóm xã, thôn; các thành viên tham gia xây dựng Quy chế quản lý nhóm. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn huyện đã có trên 1.737 ha rừng chủ yếu là rừng keo thuộc sở hữu của 494 hộ đã được cấp chứng chỉ FSC.
Hiện nay, giá gỗ FSC được doanh nghiệp thu mua tăng thêm tối thiểu 150.000 VNĐ/m3 so với gỗ không có FSC. Năm 2016 các nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Yên Bình đã khai thác trên 4.000 m3 gỗ keo cho thu nhập tăng thêm 600 triệu đồng. Xã Tân Hương hiện có 123 hộ gia đình được cấp chứng chỉ rừng với diện tích 403,99 ha.
Ông Lạc Huy Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hương cho biết trước khi thực hiện, xã phối hợp với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích khi được cấp chứng chỉ rừng. Bên cạnh việc tăng giá trị kinh tế từ 10 – 20% thì cấp chứng chỉ rừng đã thay đổi căn bản thói quen trong trồng, chăm sóc rừng của người dân: loại bỏ hoàn toàn việc đốt thực bì khi chuẩn bị đất trồng rừng, không vứt bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi... ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống.

Việc trồng rừng gỗ lớn theo chuẩn thế giới thực sự là bước tiến dài trong sản xuất lâm nghiệp, xóa bỏ trồng rừng theo kiểu tự phát, không áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa doanh nghiệp và người dân tiến đến cánh cửa bước ra thế giới với những sản phẩm gỗ chất lượng. Tuy nhiên, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC còn ít.
Nguyên nhân do đa số người trồng rừng có thu nhập thấp, không đủ tài chính cho một chu kỳ trồng rừng gỗ lớn dài 10-15 năm trồng rừng. Bên cạnh đó, người trồng rừng thiếu vốn sản xuất. Nếu vay vốn  thì khoản vay cũng thấp hơn nhu cầu đầu tư, thời hạn vay ngắn hơn so với chu kỳ kinh doanh rừng, lãi suất cao.
Do đó, để khuyến khích người dân  hướng tới trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC thì  các địa phương cần thực hiện rà soát quy hoạch đối với rừng sản xuất, ưu tiên một diện tích phù hợp để trồng cây gỗ lớn. Các địa phương xây dựng nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch trồng gỗ lớn hàng năm và nghiêm túc chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch.
Trong điều kiện người trồng rừng gặp khó khăn về vốn, cần có chính sách hỗ trợ đối với người trồng rừng gỗ lớn theo từng nhóm chu kỳ kinh doanh cây trồng để giảm bớt khó khăn và khuyến khích người sản xuất; tuyên truyền về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn theo chuẩn thế giới đối với người dân. Ngoài ra, các hộ chủ rừng mong muốn được các chuyên gia tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, từ lý thuyết đến thực tế theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây để việc trồng rừng theo chứng chỉ FSC đạt hiệu quả cao, qua đó người dân cũng yên tâm chuyển đổi trồng và khai thác rừng theo cách thức mới.

Văn Thông

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán

Thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 6-2025 ước đạt 176,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Công ty TNHH MTV Tân Phú khẩn trương khắc phục sự cố thuỷ lợi sau mưa lũ

Công ty TNHH MTV Tân Phú khẩn trương khắc phục sự cố thuỷ lợi sau mưa lũ

Những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày đầu tháng 7 đã làm sạt lở, hư hỏng hơn 70 công trình thủy lợi khu vực các xã thuộc huyện Lục Yên cũ, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của hàng trăm hộ dân. Công ty TNHH MTV Tân Phú đang huy động mọi lực lượng khắc phục sự cố sớm ổn định nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng.

fb yt zl tw