Hiện chưa có con số thống kê về các vụ tai nạn liên quan đến xe tự chế nhưng ở nhiều nơi đã xảy ra các vụ va chạm, tai nạn giao thông do xe tự chế gây ra.
Điển hình là vụ tai nạn xảy ra ngày 21/12/2022, khi Chảo Vần Phin (sinh năm 1979) trú tại xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa điều khiển xe tự chế 4 bánh chở 2,5 m3 gỗ cùng 3 người, gồm: Chảo Mùi Sểnh (sinh năm 1977), Chảo Vần Phin (sinh năm 1985) và Lý Vần Phin (sinh năm 1984), trú cùng xã đi theo hướng từ xã Thanh Bình vào xã Bản Hồ. Khi đi đến đoạn đường liên thôn thuộc thôn Lếch Dao (xã Thanh Bình), Chảo Vần Phin đạp phanh xe nhưng xe không thể dừng mà tiếp tục trôi về phía ta luy âm bên trái. Chảo Vần Phin đã hô mọi người nhảy khỏi xe. Tuy nhiên, chị Chảo Mùi Sểnh không kịp nhảy ra, bị mắc kẹt trên xe lao xuống vực và tử vong.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên Tỉnh lộ 151, Quốc lộ 279 và các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Văn Bàn vẫn xuất hiện xe tự chế được người dân sử dụng chở hàng tham gia giao thông. Trao đổi với phóng viên, đại diện Công an huyện Văn Bàn cho biết, hiện địa phương chưa có thống kê đầy đủ số lượng xe tự chế, tuy nhiên ở nhiều xã vùng thấp thì vẫn có hộ sử dụng.
Đang chở gần 1 tấn sắn củ từ nương trồng đến điểm tập kết cạnh Tỉnh lộ 162 (đường Quý Xa - Tằng Loỏng) cách gần 3 km, anh Bàn Phúc Thăng, thôn Nậm Đinh, xã Nậm Dạng (huyện Văn Bàn) cho biết: Tôi mua chiếc xe tự chế gắn động cơ dung tích thùng 2,5 m3 với giá hơn 100 triệu đồng tại một cơ sở ở xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) từ năm 2021 làm phương tiện chở nông sản cho gia đình và người dân trong thôn.
Xe rất khỏe và có thể đi mọi địa hình từ đường đất cho đến quốc lộ. Biết rằng sử dụng xe tự chế là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và chính quyền xã cũng vận động tháo dỡ, ngừng sử dụng nhưng vì sự tiện dụng của nó nên chúng tôi vẫn sử dụng.
Tương tự, tại các xã Phú Nhuận, Gia Phú, Sơn Hải (huyện Bảo Thắng), những năm gần đây, khi đường giao thông được đổ bê tông và nông, lâm nghiệp hàng hóa phát triển mạnh, khiến lượng xe công nông, xe điện tự chế cũng tăng theo. Theo kết quả rà soát của lực lượng chức năng huyện Bảo Thắng, hiện trên địa bàn có hàng trăm phương tiện tự chế đang hoạt động. Bên cạnh đó, có 11 cơ sở sản xuất, lắp ráp, sửa chữa xe tự chế. Trước tình trạng này, từ tháng 8 đến nay, Công an huyện Bảo Thắng đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở sản xuất, lắp ráp, sửa chữa xe tự chế ký cam kết không sản xuất, lắp ráp xe; các chủ phương tiện không sử dụng xe đi ra đường giao thông...
Xã Phú Nhuận là địa phương có động thái quyết liệt kiểm tra, xử lý người dân sử dụng và cơ sở lắp ráp xe tự chế. Trong tháng 9 vừa qua, Công an xã đã ra quân tuyên truyền gần 40 hộ đang sở hữu xe tự chế tự nguyện ngừng sử dụng và tháo dỡ các phương tiện này; yêu cầu 3 cơ sở không lắp ráp, sửa chữa xe tự chế.
Với điều kiện hiện nay, xe tự chế vẫn là phương tiện quan trọng để vận chuyển nông - lâm sản của nhiều hộ. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an huyện Bảo Thắng, từ nay đến cuối năm, sau khi tổ chức tuyên truyền và để các hộ có xe ký cam kết ngừng sử dụng, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc tuần tra, kiểm tra, nếu phát hiện xe tự chế lưu thông trên đường sẽ xử lý theo quy định.
Không chỉ ở các huyện, mà ngay tại thành phố Lào Cai, việc sử dụng xe tự chế cũng diễn ra tương đối nhiều. Hằng ngày, hình ảnh những chiếc xe xích lô gắn mô tơ điện, xe móc kéo, xe 3 bánh tự chế chở vật liệu xây dựng, ống thép nhọn và những tấm tôn dài cồng kềnh, sắc bén di chuyển trên nhiều tuyến phố, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Những phương tiện này di chuyển đến đâu, mặc dù không cần còi báo nhưng các phương tiện khác đều phải cố gắng nhường đường, bởi ai cũng biết rõ sự nguy hiểm của nó.
Lực lượng chức năng biết rõ những xe tự chế chở hàng tham gia giao thông trên các tuyến phố đông đúc sẽ gây mất an toàn giao thông, ách tắc giao thông nhưng việc xử lý, thu hồi rất khó khăn. Tính từ năm 2020 đến nay, Công an thành phố Lào Cai mới lập biên bản xử lý và thu giữ hơn 30 xe tự chế.
Ai cũng biết khi xe tự chế tham gia giao thông thì vô cùng nguy hiểm, bởi những chiếc xe được thiết kế một cách thô sơ, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Cùng với đó, hầu hết người điều khiển thường không có bằng lái xe cơ giới.
Tuy vậy, trò chuyện với phóng viên, hầu hết các chủ xe tự chế cho rằng, do điều kiện kinh tế, sự tiện lợi, nên họ bắt buộc phải sắm xe tự chế để hành nghề vận chuyển. Dẫu biết rằng điều khiển xe thô sơ tự chế gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác nhưng vì hoàn cảnh nên vẫn phải sử dụng.
Vì lý do mưu sinh, vì việc khó quản lý do các xe tự chế không được đăng ký lưu hành hay vì lý do gì khác thì việc cần phải có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, xử lý các trường hợp vi phạm là vấn đề cần được quan tâm lúc này.