Hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã bị 6 tổ công tác của Bộ Công an xử lý nghiêm trong gần 1 tháng thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông là con số khiến nhiều người bất ngờ.
Thực hiện Kế hoạch 3876 của Cục CSGT về kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container và các hành vi vi phạm TTATGT.
Đáng chú ý, trong hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có nhiều trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo và nhiều cán bộ, công chức. Thậm chí, hàng loạt giám đốc, trưởng phòng, bí thư, chủ tịch huyện, đội trưởng cảnh sát giao thông, chủ tịch phường vi phạm cũng đã bị xử lý.
Nhiều cán bộ vi phạm nồng độ cồn
Con số người bị xử lý lần này cho thấy, việc Cục Cảnh sát giao thông đưa các tổ công tác về các địa phương xử lý vi phạm giao thông, nhất là nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Bởi từ trước đến nay, việc một bí thư huyện ủy hay chủ tịch huyện, đội trưởng cảnh sát giao thông bị xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là điều rất hiếm. Cục CSGT cho hay, trong thời gian tới, các tổ công tác của Bộ Công an sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không ngoại lệ, không tác động, xin xỏ nhằm kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.
Trước tình huống này, nhiều người đặt câu hỏi, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong cơ quan nhà nước vi phạm giao thông có thể bị đưa vào tiêu chí xếp loại. Người đứng đầu đơn vị có người vi phạm có thể bị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm hay không?.
Đưa ra các mức phạt cụ thể cho nồng độ cồn, luật sư Nguyễn Đức Hùng Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điều 5); đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm thì mức phạt tiền là từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (Điều 6); đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (Điều 7); đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 600.000 đồng (Điều 8).
"Điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở". Với lỗi này, tài xế bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước GPLX từ 22 - 24 tháng.
Trong trường hợp, người vi phạm có hành vi “không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ” sẽ bị phạt tiền như sau: Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác.
Ngoài ra người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn cao nhất đến 24 tháng.
Phạm tội trong tình trạng có nồng độ cồn tăng nặng trách nhiệm hình sự
Bên cạnh đó, luật sư Hùng cho rằng, đối với “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” thì việc phạm tội trong “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với mức hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch HĐTV - Công ty Luật TNHH A&H.
Luật sư Hùng phân tích, theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới thì “mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.”
Vì vậy, đối với cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, Công an, Quân đội nếu vi phạm pháp luật về giao thông (trong đó có vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông) thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật, còn phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, hoặc Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, quy định của các ngành Công an, Quân đội.v.v…
Tuy nhiên hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng, hoàn thiện được các quy định đồng bộ và thống nhất liên quan đến việc xem xét, đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, Đảng viên, viên chức vi phạm pháp luật giao thông. Mỗi ngành, mỗi địa phương, hay các cơ quan, đơn vị khác nhau lại có những quy định hoặc cách thức xử lý khác nhau, không đảm bảo được tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Vì vậy, luật sư Hùng cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, quy định chung thống nhất trong việc đánh giá, kiểm điểm, xếp loại, xử lý trách nhiệm của người vi phạm, cũng như các tập thể có liên quan, đặc biệt cũng cần xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.