Điểm sàn giảm mạnh
Điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là mức điểm điều kiện tối thiểu trường đại học đưa ra để nhận đăng ký xét tuyển của thí sinh. Chỉ những thí sinh có điểm thi đạt mức điểm sàn trở lên mới đủ điều kiện đăng ký xét tuyển. Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển đại học năm 2025. Đáng chú ý, mức điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhiều trường giảm mạnh so với năm 2024.

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố điểm sàn xét tuyển đại học năm 2025. Theo đó, điểm sàn xét tuyển đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là 19 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2024. Mức điểm sàn này chưa nhân hệ số, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đối với phương án xét điểm thi tốt nghiệp THPT là từ 16 đến 24 điểm. Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã công bố mức điểm sàn xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT là 19,5 điểm khối nhóm ngành kỹ thuật và 19 điểm khối nhóm ngành kinh tế, giáo dục, ngoại ngữ. Đại học Thương mại và công nghiệp Hà Nội và Học viện Phụ nữ Việt Nam đều có điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển ở mức 15 điểm.
Điểm sàn xét tuyển của Đại học FPT từ 17,5 đến 18,5 điểm; điểm sàn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là 16-22 điểm. Điểm sàn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông là 19 điểm, giảm ba điểm so với năm ngoái. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là từ 22-24 điểm. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của Trường Đại học Hà Nội là từ 22/40 điểm trở lên, bao gồm tổng ba môn thi tốt nghiệp, trong đó Ngoại ngữ nhân hệ số 2. Đối với các trường Quân đội, mức điểm sàn dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 là 18 điểm…
Theo phân tích của các chuyên gia tuyển sinh, nay phổ điểm thi tốt nghiệp THPT có nhiều biến động, đặc biệt ở các môn Toán, Tiếng Anh, Hóa học, Sinh học, vốn là các môn cốt lõi trong các tổ hợp môn xét tuyển của nhiều trường. Do đó, việc nhiều trường đại học điều chỉnh điểm sàn là cần thiết để duy trì tính cạnh tranh và không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung, đồng thời đảm bảo an toàn nguồn tuyển. Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, điểm sàn là điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển, không phải điểm chuẩn trúng tuyển nên thí sinh không nên chủ quan trước xu hướng giảm điểm sàn. Điểm chuẩn trúng tuyển trên thực tế sẽ phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký và năng lực của thí sinh nên sẽ chênh lệch rất nhiều so với điểm sàn xét tuyển.
Cần có chiến thuật đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp
Theo quy chế tuyển sinh năm 2025 của Bộ GD&ĐT, năm nay tất cả trường đại học đều không xác định chỉ tiêu theo từng phương thức, tổ hợp tuyển sinh mà chỉ xác định chỉ tiêu theo từng ngành/chương trình đào đạo. Khi xét tuyển, hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT sẽ tự động lựa chọn điểm cao nhất trong các phương thức/tổ hợp mà thí sinh có, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh. Chính vì vậy, việc lên chiến lược đặt nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ rất quan trọng.
ThS Phạm Thanh Hà, Phó Trưởng phòng phụ trách quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, khi đặt nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, có ba nguyên tắc cơ bản thí sinh cần lưu ý. Nguyên tắc thứ nhất là khi đặt nguyện vọng trên hệ thống, các em cần chia ra thành ba nhóm nguyện vọng khác nhau: Nhóm nguyện vọng an toàn đối với những ngành có điểm chuẩn năm trước có thể thấp hơn số điểm thí sinh đang có; nhóm nguyện vọng mục tiêu, vừa sức với thí sinh; nhóm nguyện vọng mơ ước đặt vào những ngành/trường có điểm chuẩn hơi cao một chút so với thí sinh.
Nguyên tắc thứ hai là thí sinh không nên chọn quá ít nguyện vọng và các nguyện vọng cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, nguyện vọng nào yêu thích nhất đặt lên đầu tiên. Hệ thống xét tuyển chung sẽ chạy từ trên xuống dưới, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng nào sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó. Nguyên tắc thứ ba là không nên chỉ tập trung đặt tất cả các nguyện vọng vào một trường. Chẳng hạn như nếu thí sinh yêu thích khối ngành kinh tế - kinh doanh, có thể đặt vào các nhóm trường tốp đầu, tốp giữa và tốp thấp hơn để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT sẽ đóng vào 17h ngày 28/7, do đó thí sinh cần ghi nhớ mốc thời gian này. Từ nay đến thời điểm đó, các em cần cập nhật các dữ liệu sử dụng cho việc xét tuyển như: Các chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả đánh giá năng lực, các chứng nhận ưu tiên khu vực, đối tượng… để không bỏ sót điểm cộng theo quy định. Sau thời gian này, các trường sẽ căn cứ vào dữ liệu có trên hệ thống để tiến hành xét tuyển.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, tuy Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng xét tuyển nhưng thí sinh cần ghi nhớ đặt nguyện vọng mình mong muốn nhất ở vị trí ưu tiên. Vì nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì hệ thống xét tuyển sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần lưu ý thời gian nộp lệ phí xét tuyển bởi nếu đăng ký nguyện vọng mà chưa nộp lệ phí thì coi như việc đăng ký chưa thành công. Ngoài ra, các em cũng cần khai báo cập nhật các thông tin minh chứng xét tuyển theo yêu cầu của các trường đại học để đảm bảo quyền lợi.