Trong đó, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp bảo đảm tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực, có uy tín đối với cán bộ và nhân dân; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu; tích cực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Huấn thị của Bác mãi là chân lý soi đường cho công tác lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng, trong đó có công tác cán bộ. Thực tế những năm qua, các cấp ủy đảng tỉnh Lào Cai luôn coi công tác cán bộ là nền tảng, mặt trận hàng đầu, nhất là việc hoạch định đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong những nhiệm kỳ gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo của Trung ương về xác định công tác cán bộ là nội dung quan trọng, là khâu “then chốt”, có tính “hệ trọng” trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Thực hiện Nghị quyết 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể chế, cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch, các văn bản về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược với lộ trình, mục tiêu rõ ràng. Điển hình như kết quả thực hiện Đề án 18 ngày 16/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025.
Đến nay, Lào Cai đã có 8/9 đơn vị cấp huyện bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương (đạt 88,9% mục tiêu Nghị quyết của Trung ương); tỉnh cũng đã bố trí 100% chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không là người địa phương; thực hiện 103/152 xã, phường, thị trấn có bí thư cấp ủy không là người địa phương (chiếm 67,8%); có 104/152 xã, phường, thị trấn bố trí chủ tịch UBND không là người địa phương (chiếm 68,4%).
Thực hiện yêu cầu của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu đến năm 2030, các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là lãnh đạo, quản lý có tính chuyên nghiệp, chất lượng cao và có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ.
Đến nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi chiếm 4,8% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2030 đạt 15% - 20%); tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế chiếm 3,2% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2030 đạt 25% - 35%); tỷ lệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi chiếm 5,6% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2030 đạt 20% - 25%). Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cán bộ cấp xã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chiếm 94,5% (đạt 94,5% mục tiêu nghị quyết đến năm 2030); tỷ lệ cán bộ có trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên chiếm 96,5% (tương đương 96,5% mục tiêu nghị quyết đến năm 2030). Cơ cấu cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng tăng, sát với yêu cầu của nghị quyết.
Từ thực tế triển khai trong thời gian qua và các kết quả đạt được, kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai là coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ trên các mặt đánh giá, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động và luân chuyển cán bộ. Đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị của tỉnh đã triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mặt công tác cán bộ gắn với quản lý, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc.
Tỉnh cũng thường xuyên có giải pháp bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ như mở các lớp dự nguồn, cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng, coi trọng trang bị kiến thức cho lãnh đạo, quản lý các cấp. Cơ bản các cấp ủy đảng đã kịp thời phát hiện, lựa chọn cán bộ tiêu biểu, xuất sắc từ nguồn quy hoạch để giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; có kế hoạch bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ phù hợp, hiệu quả với thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, đồng thời quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, có triển vọng vào các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị các cấp.
Ngoài ra, các cấp ủy còn làm tốt việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Trong triển khai công tác này, đặc biệt chú trọng, kiểm soát chặt khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, chính sách, kỷ luật cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự thống nhất cao. Ngoài ra, còn phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác cán bộ để rút ra bài học kinh nghiệm, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho triển khai nhiệm vụ trong những giai đoạn tiếp theo.
Kết quả trong thời gian qua là cơ sở, nền tảng để các cấp ủy, tổ chức đảng phát huy mặt tích cực trong công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược. Trong đó vừa đảm bảo sự phù hợp với thực tế từng địa phương, đơn vị, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, để công tác cán bộ tiếp tục là khâu “then chốt” là “cái gốc”, “điểm xuất phát” dẫn tới mọi thành công.