Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 “Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững-Mạng lưới một hành tinh” sẽ chính thức diễn ra từ ngày 24 - 27/4/2023 tại Khách sạn Sheraton Hà Nội. Chủ đề của Hội nghị lần thứ 4 là “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”.
Chia sẻ tại họp báo trước khi tổ chức hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Lý do Liên hợp quốc lựa chọn Việt Nam để tổ chức là do qua nhiều giai đoạn phát triển, Việt Nam nổi lên như nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 trên thế giới. Năm 2022 Việt Nam xuất khẩu nông sản với giá trị 54 tỷ USD và năm nay hướng đến 55 tỷ USD. Việt Nam là nước được Liên hợp quốc đánh giá cao trong trách nhiệm lương thực với thế giới”.
Thứ trưởng cho biết việc đăng cai hội nghị được diễn ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
“Đây là cơ hội truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi...”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.
Bên cạnh việc góp phần quảng bá thành tựu nông nghiệp Việt Nam, hội nghị sẽ xem xét các rào cản chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời thảo luận các giải pháp và đưa ra một loạt khuyến nghị có thể hành động. Có 4 nhóm vấn đề chính sẽ được thảo luận tại hội nghị, gồm: 1) Mô hình kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm; 2) Các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực thực phẩm; 3) Các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực thực phẩm; 4) Các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.
Hội nghị cũng sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.
Theo báo cáo của FAO, nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021, tăng thêm khoảng 46 triệu người so với năm 2020 và 150 triệu người so với năm 2019. Hiện nay có đến 3,1 tỷ người trên toàn thế giới vẫn không thể có khả năng có được một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chủ đề về an ninh lương thực, vì thế, rất được quan tâm và thảo luận tại các diễn đàn song phương, đa phương, nhất là bối cảnh bất ổn chính trị, khủng khoảng an ninh lương thực, đứt gẫy chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraina và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh..
Cho đến nay, Hội nghị toàn cầu về Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đã được tổ chức 3 lần. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 6/2017 tại Nam Phi. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức vào tháng 2/2019 tại Costa Rica. Hội nghị lần thứ ba do đại dịch Covid-19 nên tổ chức trực tuyến vào tháng 11 - 12/2020.
Tham gia hội nghị lần này của Việt Nam, về phía lãnh đạo cấp cao, hiện đã có Bộ trưởng của Thụy Sỹ, Malawi, Rwanda, Ethiopia; Thứ trưởng của Cuba, Campuchia, Ghana, Kenya, Saint Vincent và Grenadines; Giám đốc điều hành UNIDO, Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và chính sách của Liên minh các Viện nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế - CGIAR, Tổng Giám đốc - Liên minh đa dạng sinh học quốc tế và CIAT sẽ đến Việt Nam tham dự Hội nghị. Ngoài ra, Bộ trưởng Nông nghiệp Costa Rica và Tổng Giám đốc FAO sẽ tham dự trực tuyến. Về phía Việt Nam, hội nghị có sự tham dự, chủ trì của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đại diện các hiệp hội ngành hàng, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.