Đại úy Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Cốc Lầu, Bắc Hà là một trong những cán bộ đầu tiên phát hiện, tiếp cận thôn Kho Vàng - nơi 17 hộ dân đã kịp thời di chuyển lên núi lánh nạn an toàn. Trước đó, khi có thông tin về bão số 3 với cường độ rất mạnh sẽ đổ bộ vào nước ta, lực lượng công an xã đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tại vị trí xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở cao, tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trước diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết. Những ngày sau đó, trên địa bàn xã Cốc Lầu có mưa to liên tiếp, nguy cơ lũ, sạt lở lớn nên cán bộ công an xã đã bám sát, nắm thông tin ở các địa bàn, khu vực phụ trách. Rạng sáng 11/9, sau rất nhiều lần nỗ lực liên lạc bất thành, lo lắng, anh Cường đã báo cáo cấp trên và chính quyền xã rồi cùng đồng đội trực tiếp lên thôn Kho Vàng để nắm bắt tình hình, tìm kiếm các hộ.
Trời mưa lớn, đường giao thông lên thôn bị sạt lở nghiêm trọng, anh Cường và cán bộ trong tổ công tác phải cuốc bộ đường vòng, đường rừng để tiếp cận thôn Kho Vàng. Khác với những lần đi địa bàn thông thường, lần này, anh Cường cùng đồng đội còn gùi thêm lương thực sau lưng để tiếp tế cho người dân. Những đường mòn lâu không có người đi, cây mọc chắn lối, rất khó phán đoán phương hướng. Vừa đi, thành viên trong tổ công tác vừa phát quang, vừa dò vị trí. Bên sườn đồi, đất, đá tiếp tục rơi, mưa vẫn nặng hạt, bước chân các chiến sĩ không nghỉ với quyết tâm tiếp cận thôn sớm nhất. Sau 2 giờ băng rừng, tìm kiếm trên 1 diện tích rộng, mọi mệt nhọc dường như tan biến khi các anh nhìn thấy 17 hộ dân đã an toàn trên núi. “Có ai bị thương không”, “Có đủ thức ăn không”, “Lấy mì tôm nấu ăn tạm cho đỡ đói đi”, anh Cường và các đồng đội vừa cười, vừa liên tục hỏi thăm và trao lương thực cho người dân. Sau khi nắm thông tin, anh Cường ngược núi trở lại để báo tin cho lãnh đạo địa phương rồi tiếp tục cùng các lực lượng khác quay lại thôn khẩn trương tiếp tế, hỗ trợ người dân. Ngày hôm đó, bước chân anh Cường và đồng đội đã băng băng vượt hàng chục km đường rừng hiểm trở. Không thể tính chính xác độ dài đoạn đường các anh đã đi, chỉ biết rằng bộ quân phục mặc trên người cứ ướt rồi khô rồi lại ướt cả mấy lần. Anh bảo rằng: Bất cứ ai trong hoàn cảnh nguy cấp đó cũng sẽ hành động như vậy. Nơi nào người dân còn gặp nguy hiểm thì nơi đó người chiến sĩ công an luôn đồng hành, phục vụ.
Trung úy Lý Ngọc Tuyên, cán bộ Công an huyện Bảo Yên năm nay 24 tuổi. Anh đã trở thành người “bưu tá” đặc biệt khi đã vượt đường rừng để đưa thư, báo tin về tình hình thiên tai tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Sáng 10/9, khi nắm được thông tin ban đầu về vụ sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, tổ công tác của Công an huyện Bảo Yên đã lập tức lên đường tới hiện trường kiểm tra, nắm bắt tình hình. Sau 4 giờ đi bộ, tổ công tác đã vào tới hiện trường cùng thời điểm đoàn công tác của lãnh đạo huyện cũng vào tới nơi. Thông tin liên lạc với bên ngoài bị cắt đứt hoàn toàn, anh được chỉ huy giao nhiệm vụ chuyển bức thư tay của Bí thư Huyện ủy Bảo Yên về trung tâm huyện để báo cáo tình hình cho cấp trên. Không đắn đo, suy nghĩ cũng không kịp ăn trưa, anh Tuyên lập tức quay ngược ra. Thay vì đi bộ, anh chạy nhanh hết sức có thể để rút ngắn thời gian, báo tin sớm nhất. Trong suốt thời gian chạy bộ xuyên rừng trong mưa rơi, gió lạnh, người cán bộ công an trẻ tuổi không dừng, nghỉ quãng nào, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao bởi “sớm phút nào thì người dân vùng lũ càng có cơ hội được cứu sống sớm phút đó”.
Trận mưa lũ lịch sử những ngày qua khiến cho nhiều thôn, bản của xã Tân Dương, Bảo Yên bị cô lập hoàn toàn. Khi đang làm nhiệm vụ tại trung tâm xã, Đại úy Lê Văn Sáng, Trưởng Công an xã Tân Dương nhận được tin báo có 1 số hộ ở tổ dân phố 2A, thị trấn Phố Ràng (địa bàn giáp ranh xã Tân Dương), thôn Mỏ Đá, xã Tân Dương nước lũ tràn vào nhà, dâng cao gây nguy hiểm tới tính mạng. Đường bộ tới các địa bàn trên không di chuyển được do sạt lở, chỉ còn cách tiếp cận duy nhất là chèo thuyền dọc Sông Chảy. Thời điểm đó, mực nước trên Sông Chảy dâng cao cuồn cuộn, chảy xiết, đục ngầu chực chờ cuốn phăng tất cả. Nhiều người dân địa phương đã can ngăn khi thấy anh Sáng có ý định đi thuyền vượt sông. Hình ảnh những người dân, trong đó có cả người già đau yếu, trẻ em bị nước lũ bủa vây đang mong chờ được cứu hộ cứ quẩn quanh trong tâm trí. Anh gạt bỏ nỗi lo lắng, tìm đến nhà một người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm sông nước để trao đổi cụ thể về các phương án vượt sông. Sau khi đã thảo luận kỹ, mượn được 1 chiếc thuyền dân sinh, anh Sáng cùng đồng đội và 1 người dân địa phương dũng cảm chèo thuyền, vượt dòng nước siết cứu được tổng số 15 người bị lũ cô lập đưa đến nơi tránh trú an toàn trước khi nước lũ dâng cao ngập cả nóc nhà. Với uy tín bản thân, anh tuyên truyền và huy động được 15 chiếc thuyền dân sinh để vận chuyển người bị thương và 30 tấn hàng hóa hỗ trợ cho các xã bị cô lập.
Vẫn còn nhiều câu chuyện ý nghĩa, hành động đẹp của cán bộ, chiến sĩ công an trong những ngày thiên tai khắc nghiệt vừa qua. Những hành động, việc làm dũng cảm, trách nhiệm trên không đơn thuần là nhiệm vụ mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim”, là tình cảm, nghĩa tình của người cán bộ, chiến sĩ công an với đồng bào trong cơn hoạn nạn.