Ước mơ “Simson”...

LCĐT - Cũng chẳng biết bao lâu rồi, tôi không nhìn thấy xe Simson, chiếc xe huyền thoại của một thời gian khó. Loại xe mà thời còn là cô bé con, tôi vẫn ngồi vắt vẻo trên bình xăng để bố chở đi chơi mỗi khi rảnh rỗi.

Đã thật lâu, thật lâu rồi, nó chìm sâu vào ký ức tựa như những câu chuyện lâu ngày không đọc lại, gương mặt lâu ngày không gặp gỡ, tưởng hóa thành hư vô! Hôm nay, vô tình lướt các trang web tìm hiểu cuộc sống phố phường, chợt thấy thú chơi xe cổ, trong đó có Simson. Bao kỷ niệm cứ nối tiếp tìm về.

Năm 1989, khi đó tôi mới 5 tuổi, bố mẹ dồn góp mua được chiếc xe máy hiệu Simson. Nghe mẹ kể cũng phải mất cả chục tấn thóc. Lúc bố đưa xe về trời đã nhá nhem tối, 3 anh em tôi còn đang tắm gội phía sau nhà, chợt thấy ánh sáng loang loáng qua bờ rào râm bụt, rồi tiếng xe máy nổ giòn, con chó Mích sủa vang nhà. Chúng tôi tắm vội rồi chạy ra. Oa, một chiếc xe máy màu xanh lá mạ đẹp như mơ.

Bố dựng chân chống, đề ga cho tiếng máy nổ. Mấy người lớn bảo cho xe chạy không tải một lúc như vậy, sau này xe sẽ bền hơn. Cả làng mới có một, hai chiếc xe, nên người đến xem đầy sân, nói cười vui vẻ. Tôi lấy tay sờ lên chiếc xe thấy tê tê vì máy gằn. Tôi lấy tay miết nhẹ trên chiếc bình xăng, cảm giác thật mịn, mướt và thích thú. “Từ nay, đây là chỗ của Út nhé”, nói rồi bố nhấc bổng tôi lên chiếc bình xăng, gạt chân chống nổ xe chạy dọc đường. Thật lạ kỳ, mùa hè nóng vã mồ hôi, nhưng chiếc xe vừa khởi hành đã nghe gió mát khắp người.

Thích nhất là mỗi buổi chiều đi học về thấy chiếc xe của bố dựng giữa sân, bởi y như rằng bố sẽ cho 3 anh em đi chơi một vòng trong lúc đợi mẹ nấu bữa cơm chiều. Tôi được ưu tiên ngồi bình xăng, bố ngồi ở ghế lái, chị ngồi phía sau, còn anh cả lớn nhất ngồi phía sau cùng. Nhiều khi muốn ngồi ở bình xăng, chị phải thương lượng đủ kiểu tôi mới chịu đổi. Nào là sẽ cho đi chơi cùng vào chiều mai, nào là sẽ cho đồ chơi của chị, sẽ quét dọn nhà cửa giúp…

Bình xăng Simson thon tròn. Ngồi trên đó không có chỗ để chân, chống chếnh, chúng tôi phải đua người cầm lấy hai chiếc tay gương cho khỏi ngã. Xe “mui trần”, nên gió được dịp lùa khắp nơi, đặc biệt là người ngồi đầu. Tôi thích cảm giác gió táp vào mặt, thổi tung từng kẽ tóc, thổi chiếc áo mỏng bay phần phật.

Mọi khi cùng bố mẹ đi đến nhà họ hàng ở làng bên, tôi thấy con đường dài lắm, vậy mà ngồi trên chiếc Simson, con đường như ngắn hơn, một loáng là đến nơi. Đôi chân cũng không bị gập ghềnh sỏi đá. Tôi nhớ có dịp bà ngoại ở Thái Bình lên chơi. Khi bà về, bố cũng chở bà bằng chiếc xe ấy. Sáng sớm đi, chiều tối bà và bố đã về tới quê. Hôm sau, bố còn chở lên bao nhiêu là quà quê. Rũ chiếc áo bụi đường, bố bảo: “Có chiếc xe này về quê đỡ vất hẳn. Chứ trước đây nào đi xe ca ra tỉnh, bắt tàu về Hà Nội, rồi lại bắt xe ca về quê phải mất hơn một ngày mới về đến nơi”.

Mỗi lần chạy xe mà có chị em tôi ngồi ở bình xăng, bố lại ngồi sát lên phía trên như để làm vai ghế tựa cho con. Những đoạn đường bằng phẳng, bố còn lấy tay ôm con gái, thật ấm áp. Trong tiếng gió lào xào, bố hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về cuộc sống, về những suy nghĩ và dự định tương lai của gia đình. Những dự định tươi đẹp đó thường bắt đầu: “Sau này, nhà mình sẽ; bố sẽ…”. Lúc nào kết thúc câu chuyện bố cũng dặn: Các con phải học thật giỏi. Sau này đi làm nghề…

Theo tiếng gió thổi, tôi cũng mơ biết bao điều tươi đẹp. Tôi ước mình sẽ là cánh chim chở hết những khát khao của bố, xóa hết những lo toan của mẹ. Tôi ước vòng quay sẽ vẫn cứ lăn đều, cuộc sống sẽ bớt nhọc nhằn để nhiều trái ngọt, hoa thơm!

Đúng là thời đại công nghệ số không chỉ giúp cuộc sống thêm hiện đại, tiện ích hơn, mà còn giúp nối liền những ngày xa lắm. Tôi đang mơ về những ngày ngồi trên chiếc bình xăng xe Simson, nghe bố kể bao điều… Như thực, như mơ!

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở Tam Đường: Dấu mốc trưởng thành và bản sắc văn hóa

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở Tam Đường: Dấu mốc trưởng thành và bản sắc văn hóa

Trong đời sống cộng đồng người Dao đầu bằng tại Tam Đường, tỉnh Lai Châu, lễ Tủ Cải là nghi lễ đánh dấu bước trưởng thành của người con trai. Người Dao nơi đây quan niệm rằng, để được cộng đồng công nhận và sau này khi mất đi có thể trở về với tổ tiên, mỗi người con trai nhất định phải trải qua nghi lễ này.

Việt Nam ngày càng hút các đoàn làm phim ngoại

Việt Nam ngày càng hút các đoàn làm phim ngoại

Đà Nẵng - thành phố biển sôi động của miền Trung; Ninh Bình - vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp hay Phú Yên nơi “Hoa vàng trên cỏ xanh”… đang ngày càng khẳng định sức hút đặc biệt đối với các đoàn làm phim trong và ngoài nước.

Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh, thanh niên chính là cầu nối đưa văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại, đồng thời là lực lượng góp phần lan tỏa bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Hạnh phúc của gia đình nhiều thế hệ

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Hạnh phúc của gia đình nhiều thế hệ

Giữa nhịp sống hiện đại, việc nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình lựa chọn giữ gìn nếp sống truyền thống ấy, không chỉ vì thuận tiện trong sinh hoạt mà còn bởi giá trị tinh thần to lớn và vì sự yêu thương, sẻ chia, gắn bó giữa các thế hệ.

Hà Trúc Linh trở thành tân Hoa hậu Việt Nam 2024

Hà Trúc Linh trở thành tân Hoa hậu Việt Nam 2024

Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 diễn ra tại thành phố Huế, cô gái Phú Yên Hà Trúc Linh đã chính thức đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2024, kế nhiệm ngôi vị đầy vinh quang và thành công của Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy.

Trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho 33 tác phẩm âm nhạc xuất sắc

Trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho 33 tác phẩm âm nhạc xuất sắc

Các tác phẩm với ca từ giàu hình ảnh, cảm xúc đã thể hiện sâu sắc vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phản ánh niềm tự hào và niềm tin của nhân dân về Quốc hội Việt Nam và người đại biểu dân cử.

Nghệ thuật đính cườm của người Xá Phó

Nghệ thuật đính cườm của người Xá Phó

Nghệ thuật đính cườm tạo thành hoa văn thổ cẩm trên váy áo của dân tộc Xá Phó mang vẻ đẹp riêng, tạo sức hấp dẫn trên trang phục, cũng như một số đồ dùng hằng ngày được thiết kế ứng dụng từ thổ cẩm của người Xá Phó như: túi thổ cẩm, khăn trải bàn, tranh treo tường…

fb yt zl tw