Số liệu này được UNICEF công bố trong báo cáo nhân ngày Quốc tế vui chơi (ngày 11/6 hằng năm) lần đầu tiên được tổ chức.
UNICEF định nghĩa bạo hành tinh thần là những hành vi như quát mắng trẻ với những ngôn từ xúc phạm. Trong khi đó, bạo hành thể xác bao gồm những hành vi như lắc mạnh người, đánh đập, tát… hay bất cứ hành động nào gây đau đớn thân thể.
Ước tính mới nhất của UNICEF được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ 100 quốc gia được thu thập trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2023, bao gồm các hành vi trừng phạt về thể chất và bạo lực tinh thần. Cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trong số gần 400 triệu trẻ em nói trên, khoảng 330 triệu em phải chịu các hình phạt thể chất. Đáng báo động hơn, gần 500 triệu trẻ em dưới 5 tuổi vẫn không được pháp luật bảo vệ mặc dù ngày càng có nhiều quốc gia cấm các hành vi trừng phạt thể chất đối với trẻ em. UNICEF cũng chỉ ra rằng hơn 25% cha mẹ hoặc người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng trẻ tin rằng trừng phạt thể chất là cần thiết để giáo dục con cái.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cảnh báo việc phải chịu đựng bạo hành thể chất hoặc tinh thần ở nhà, hoặc bị thiếu thốn sự chăm sóc về mặt xã hội và tình cảm từ những người thân yêu, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tự trọng và sự phát triển của trẻ. Bà nhấn mạnh việc nuôi dưỡng và dành thời gian vui đùa cùng trẻ không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp các em cảm thấy an toàn, học hỏi, phát triển các kỹ năng và khám phá thế giới xung quanh.
UNICEF cũng công bố kết quả nghiên cứu về khả năng trẻ em được tiếp cận với các hoạt động vui chơi. Dữ liệu từ 85 quốc gia được UNICEF thu thập được cho thấy cứ hai trẻ em 4 tuổi thì có một trẻ không được vui chơi cùng người chăm sóc trong gia đình và khoảng 1/8 trẻ em dưới 5 tuổi không có bất kỳ đồ chơi nào. Bên cạnh đó, 40% số trẻ em từ 2 đến 4 tuổi không nhận được sự tương tác ý nghĩa từ người thân. Theo UNICEF, 10% số trẻ em được khảo sát không được tham gia các hoạt động quan trọng thúc đẩy phát triển nhận thức, xã hội và cảm xúc, chẳng hạn như đọc sách, kể chuyện, hát và vẽ. Bà Russell kêu gọi nhân ngày Quốc tế vui chơi lần đầu tiên được tổ chức, thế giới phải đoàn kết và chung tay chấm dứt mọi hành vi bạo lực đối với trẻ em, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm chăm sóc trẻ, đảm bảo các em được nuôi dưỡng và được vui chơi thỏa thích.
Ngày 25/3/2024, Đại hội đồng LHQ thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết do Việt Nam đề xuất, chọn ngày 11/6 hằng năm là Ngày Quốc tế Vui chơi. Nghị quyết ghi nhận vai trò của vui chơi đối với phát triển thể chất, kỹ năng xã hội, nhận thức, giao tiếp, đời sống tình cảm ở mọi lứa tuổi, ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm tiếp cận vui chơi, các hoạt động giải trí đối với sức khỏe thể chất, tâm lý, sự phát triển của trẻ em và thanh niên. Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và cơ quan trong hệ thống của LHQ tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Vui chơi nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa quan trọng của vui chơi trong đời sống xã hội.