Tuyết rơi dày ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông ở Tokyo và các vùng lân cận

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, tuyết đã rơi dày khắp Tokyo và vùng Kanto từ trưa ngày 5 đến sáng 6/2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng lưới giao thông tại thủ đô và các vùng lân cận trong giờ cao điểm vào buổi sáng.

Công nhân dọn tuyết tại thành phố Tottori, miền Tây Nhật Bản ngày 24/1/2024.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2022, lượng tuyết tích tụ tối thiểu 1 cm đo được ở khu vực trung tâm Tokyo. Đây cũng là lần đầu tiên trong khoảng 1 năm, cảnh báo tuyết rơi dày đặc được ban bố với 23 phường của Tokyo.

Tính đến sáng sớm 6/2, một số tuyến tàu ở vùng Kanto vẫn ngừng hoạt động, bao gồm các đoạn của tuyến Yokohama và tuyến Chuo. Nhiều phần thuộc các tuyến đường cao tốc như cao tốc Metropolitan, cao tốc Tomei, cao tốc Shin-Tomei, cao tốc Chuo, cao tốc Kan-Etsu và cao tốc Tohoku đã bị đóng cửa.

Tuyến tàu trên cao Yurikamome của Tokyo có hai chuyến bị mắc kẹt giữa ga Shinbashi và Takeshiba vào khoảng 21h tối 5/2, buộc khoảng 550 hành khách phải đi bộ dọc theo đường ray để đến ga Shiodome.

Hãng hàng không Japan Airlines và hàng không All Nippon Airways đã hủy 114 chuyến bay, chủ yếu tại sân bay Haneda của Tokyo. Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) đã ngừng một số chuyến tàu tốc hành trên tuyến Chuo và các chuyến tàu shinkansen trên tuyến Tokaido Shinkansen.

Theo Sở Cứu hỏa Tokyo, tối 5/2, các dịch vụ cấp cứu ở Tokyo đã bắt đầu nhận được những cuộc gọi liên quan đến các trường hợp bị thương, trong đó khoảng 40 người được đưa đến bệnh viện bằng xe cứu thương.

Một số vụ mất điện đã được báo cáo tại khu vực quản lý của Công ty Điện lực Tokyo Holdings. Tình trạng mất điện đã ảnh hưởng đến khoảng 14.400 ngôi nhà ở Tokyo và 6 tỉnh ở miền Đông Nhật Bản vào lúc 22h30 ngày 5/2. Nhiều nhà sản xuất ô tô, trong đó có Toyota Motor, Honda Motor và Nissan Motor, đã đình chỉ hoạt động toàn bộ hoặc một phần tại một số nhà máy.

Tuyết cũng rơi dày đặc tại các khu vực miền núi thuộc các tỉnh thuộc vùng Kanto-Koshin, tỉnh Gifu và tỉnh Shizuoka ở vùng Tokai và tỉnh Fukushima ở vùng Tohoku. Ở miền Đông Nhật Bản, tuyết rơi dày 10 cm được ghi nhận ở Maebashi, tỉnh Gunma, tính đến 23h tối 5/2.

Dự báo, đến 18h chiều 6/2, tuyết rơi sẽ đạt tới 40 cm ở các khu vực miền núi phía Bắc Kanto và 30 cm ở Chichibu thuộc tỉnh Saitama, Tama ở Tokyo, Hakone ở Kanagawa, khu vực miền Trung Koshin, Fukushima và Gifu. Dự báo tuyết sẽ rơi dày 15 cm tại các khu vực đồng bằng ở Kanto.

Trước đó, tối 5/2, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo tuyết dày tới 23 phường của Tokyo và hầu hết khu vực Kanto-Koshin, kêu gọi thận trọng trước tình trạng gián đoạn giao thông, đường đóng băng và tuyết lở cho đến sáng 6/2. Các cảnh báo sau đó đã được hạ cấp thành khuyến nghị.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản yêu cầu các lái xe lắp lốp mùa Đông cho phương tiện hoặc mang theo dây xích chống tuyết và hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.

TTXVN/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) của Mỹ ngày 24/3 cảnh báo chính phủ nước này sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với một phần trong khoản nợ 36.600 tỷ USD vào giai đoạn từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2025 nếu Quốc hội không hành động để nâng trần vay nợ của Washington.

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Đối mặt với tăng trưởng yếu và áp lực địa chính trị, kinh tế châu Âu đang ở thời điểm quyết định. Giải pháp tăng cường cạnh tranh có thể giúp khu vực vượt qua khủng hoảng hay không?

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Thế giới có thể thu hẹp khoảng cách tài chính cho hệ thống cảnh báo sớm và bảo đảm rằng mọi quốc gia đều có đủ nguồn lực cần thiết để tăng cường khả năng chống chịu, đồng thời bảo vệ cộng đồng trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

fb yt zl tw