Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 10-11/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%. Khu vực Bắc Bộ và từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%.
Dự báo nắng nóng ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Nắng nóng ở miền Bắc kéo dài đến hết tuần sau.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, cho biết tình trạng nắng nóng ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung có khả năng kéo dài đến hết tuần sau. Khoảng cuối tuần có thể hình thành các hình thế gây mưa trở lại, lúc đó nắng nóng mới chấm dứt ở hai khu vực này.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo, thứ tư tuần tới (12/7) Hà Nội ghi nhận nhiệt độ cao nhất 29-39 độ C, những ngày còn lại 27-38 độ C. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) trong tuần nhiệt độ dao động 19-26 độ C.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về dự báo khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định nắng nóng khốc liệt kéo dài nhiều ngày có thể là một trong những nguyên nhân xuất hiện bão vào nửa cuối tháng. Từ 20/7 trở đi thời tiết có nhiều biến động trên biển Đông và có thể hình thành Bão, áp thấp nhiệt đới.
Nền nhiệt bề mặt biển khu vực cận xích đạo, phía Đông của Philippine đang cao hơn 30⁰C (chưa bao giờ cao như thế). Nhiệt độ cao sẽ thúc đẩy sự bốc hơi đồng thời làm gia tăng sự chênh lệch áp suất giữa các tầng khí quyển và giữa các vùng khí quyền trong cùng tầng. Các nhiễu động do chênh lệch áp suất cũng sẽ là cơ hội hình thành các vùng áp suất thấp, là mầm mống của các cơn bão. Đường dẫn bão từ giữa tháng 7 sẽ theo hướng Tây - Tây Bắc.