Năm học 2009 – 2010, nhà trường có 11 lớp với 350 học sinh, trong đó 90% là học sinh dân tộc Mông. Cũng như nhiều trường vùng cao khác trong huyện, tình trạng học sinh bỏ học đã trở thành vấn đề bức xúc nhiều năm nay đòi hỏi nhà trường phải có các biện pháp tích cực để duy trì sĩ số. Cùng với đề xuất chính quyền địa phương có văn bản chỉ đạo đến từng bản về việc huy động học sinh ra lớp, các thầy cô giáo cũng tích cực tham gia vào cuộc vận động này. Điều quan trọng là chăm lo tới nơi ăn, chốn ở cho các em, phải tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút học sinh đến trường học tập.
Với số lượng 130 học sinh bán trú, nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động mọi nguồn lực giải quyết được phần nào khó khăn về nhà ở cho các em. Khu bán trú hiện có đủ giường nằm, có điện đảm bảo ánh sáng để học tập và các điều kiện sinh hoạt khác. Gần đây, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số con hộ nghèo đi học của Chính phủ, nhà trường đã phối hợp tốt với địa phương xem xét, lập danh sách trợ cấp cho 203 em. Từ đó tỷ lệ chuyên cần đạt cao, số học sinh bỏ học dưới 3%. Khó khăn nhất vẫn là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Tuy vậy năm học 2008 – 2009, nhà trường vẫn có 6 học sinh học lực giỏi, 43 em loại khá và 291 em trung bình. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện có 1 học sinh đạt giải nhất môn toán lớp 9.
Nhìn vào đội ngũ thầy cô giáo tham gia giảng dạy thì hầu hết tuổi đều trẻ, trong số 24 người có đến 70% tốt nghiệp và đang học đại học, 30% cao đẳng. Đây là một lợi thế để nhà trường tích cực áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Trao đổi về vấn đề này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Hưng cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, giúp đỡ các giáo viên mới, giáo viên còn hạn chế về chuyên môn. Thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình giảng dạy, tránh tình trạng cắt xén chương trình.
Các tổ chuyên môn có kế hoạch cụ thể cho việc dạy học tự chọn theo các chủ đề, bám sát nhằm củng cố kiến thức cho học sinh, khắc phục tình trạng hổng kiến thức. Đồng thời chỉ đạo sát sao việc thực hiện kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Về đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường yêu cầu giáo viên lên lớp phải có đồ dùng dạy học, không để tình trạng dạy chay.
Đối với công tác này, Ban giám hiệu phối hợp với các tổ chuyên môn quản lý chặt chẽ việc sử dụng trang thiết bị dạy học, giao cho người phụ trách kho sách giám sát việc sử dụng đối với các giờ lên lớp của giáo viên...”. Quan tâm đến hoạt động của đội ngũ người thầy, Trường THCS Lê Văn Tám đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ giáo viên trong khâu truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Kỳ hội giảng vừa qua đã có đến 60% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, nhiều thầy cô giáo trở thành tấm gương về học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ để đồng nghiệp học tập như: thầy giáo Đào Minh Khoa – Chủ tịch Công đoàn nhà trường; thầy giáo Nguyễn Hồng Hải – bộ môn Toán Lý; cô giáo Nguyễn Thị Huệ – bộ môn Công nghệ thông tin... Ngoài ra, nhà trường cũng chú ý giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao và có nhiều buổi ngoại khoá giúp học sinh nắm bắt và tham gia vào nhiều hoạt động xã hội tại địa phương.
Năm học này, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Để đạt được điều đó còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất phải tiếp tục khắc phục, nhất là tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Kết quả của năm học vừa qua là tiền đề để nhà trường phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 và tiến tới xây dựng trường chuẩn quốc gia cho những năm tiếp theo.
Thế Quynh